Nhập tịch cho người không quốc tịch: Chậm vì kinh phí eo hẹp

06/10/2011
Nhằm hạn chế tình trạng không quốc tịch, Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã quy định về vấn đề giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại Việt Nam. Quan điểm tiến bộ là vậy nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện của một số địa phương còn chậm trễ.

1.786 người được nhập tịch

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước đều đã xây dựng, ban hành và triển khai tương đối bài bản Kế hoạch thực hiện Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam. Đến nay, tổng hợp sơ bộ kết quả cho thấy có tổng số 1.786 người (thuộc 7 tỉnh, thành) đã được Chủ tịch Nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và họ đã được UBND cấp tỉnh phối hợp với cơ quan hữu quan của địa phương làm thủ tục trao bản sao Quyết định của Chủ tịch Nước. Trong đó, đông nhất là tại Bình Dương với 938 người, tiếp đến là Sơn La (340 người), TP. HCM (315 người), Bình Phước (142 người), số ít còn lại là của Điện Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên.

Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam nói trên chính là cơ sở để một số lượng đáng kể người không quốc tịch nhưng đã cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên làm tiếp các thủ tục giấy tờ khác như khai sinh, kết hôn, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, chứng nhận quyền sở hữu, đăng ký tài sản cũng như có đầy đủ tư cách để làm nghĩa vụ công dân của họ đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Và vui mừng hơn cả là họ được hưởng các quyền công dân, đặc biệt là trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào cuối tháng 5/2011 vừa qua.

Chậm vì thiếu kinh phí

Mặc dù địa phương đã chủ động, khẩn trương, linh hoạt trong việc thi hành Điều 22 của Luật nhưng nhìn chung, việc giải quyết nhập quốc tịch cho những người không quốc tịch đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam vẫn còn chậm. Theo Kế hoạch triển khai Luật Quốc tịch thì lẽ ra công tác giải quyết phải được thực hiện bắt đầu từ quý III/2009, tuy nhiên đến năm 2010, đa số các địa phương mới xây dựng được kế hoạch triển khai. Thậm chí, có địa phương sau khi ban hành kế hoạch phải đến 4 – 5 tháng sau mới bắt tay thực hiện. Sự chậm trễ trong việc triển khai Kế hoạch xuất phát từ một số nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân được Bộ Tư pháp thẳng thắn nhận về phần mình là chưa kịp thời xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch ngay vào thời điểm Luật có hiệu lực nên đến cuối năm 2009 chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như mẫu các giấy tờ về hồ sơ để các địa phương áp dụng. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp đối với các UBND cấp tỉnh và Sở Tư pháp chưa được chủ động, nhịp nhàng và chặt chẽ.

Về phía địa phương, nhận thức của lãnh đạo UBND cấp tỉnh và Sở Tư pháp ở một số địa phương về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc nhập tịch cho người không quốc tịch theo Điều 22 của Luật chưa thực sự đầy đủ và nghiêm túc. Điều này dẫn đến chưa có sự chỉ đạo sát sao, chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí để quán triệt, bố trí nhân sự theo dõi và trực tiếp giải quyết. Không những thế, điều kiện kinh tế - xã hội của một số địa phương còn khó khăn nên việc hỗ trợ kinh phí cho những cán bộ trực tiếp tham gia giải quyết, cho người dân thuộc diện còn hạn chế, đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của công tác triển khai Kế hoạch.

Cẩm Vân

“Người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ hai mươi năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục hồ sơ do Chính phủ quy định”. (Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008).