1. Bắt buộc phải tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm trước khi quyết định cho khách hàng vay vốn
Nhằm hạn chế rủi ro khi cho vay có bảo đảm bằng động sản (đặc biệt là kho hàng) thì một trong những “thao tác” bắt buộc mà cán bộ tín dụng cần thực hiện là tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm trước khi ký kết hợp đồng bảo đảm. Mặc dù, Điều 41 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (Nghị định 83/2010/NĐ-CP) quy định “Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm được lưu giữ trong Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, Cở sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm và Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm”, nhưng trong thời gian qua, số lượng các trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trên thực tế rất thấp. Trong khi đó, tại các nước có nền kinh tế phát triển, số lượng các trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin nhiều hơn rất nhiều so với số lượng các trường hợp đăng ký. Chính “thói quen” không tra cứu thông tin trước khi ký kết hợp đồng bảo đảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho các ngân hàng khi nhận bảo đảm bằng động sản nói chung và kho hàng nói riêng.
Việc tra cứu thông tin trước khi ký kết hợp đồng có ý nghĩa rất lớn đối với ngân hàng, ví dụ như: (i) xác định được tài sản đang được dùng để bảo đảm cho những khoản vay nào; (ii) xác định được thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ nợ có bảo đảm; (iii) đánh giá được khả năng thu hồi nợ trong trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm… Cuối cùng, trên cơ sở thông tin do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp, ngân hàng sẽ được “cảnh báo” những rủi ro trước khi xem xét, quyết định việc cấp tín dụng. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị các ngân hàng rà soát lại quy trình cho vay, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cán bộ tín dụng là phải yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm khi thẩm định, xem xét việc cấp tín dụng và trong hồ sơ vay vốn phải có Văn bản cung cấp thông tin có xác nhận của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Để việc yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (bao gồm kho hàng) được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, các ngân hàng cần lưu ý:
a) Cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển): Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
b) Tiêu chí tra cứu thông tin: (i) Theo giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm (ví dụ: Doanh nghiệp A, mã số thuế 12345); (ii) theo số khung của phương tiện giao thông cơ giới trong trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới (ví dụ: Xe ô tô có số khung là 6789) hoặc (iii) theo số đăng ký giao dịch bảo đảm (ví dụ: AT 12345678).
2. Thực hiện một số kỹ năng nhằm quản lý hiệu quả nguồn vốn và tài sản thế chấp là kho hàng
Theo chúng tôi, các ngân hàng có thể nghiên cứu, lựa chọn một trong ba cách thức chủ yếu sau đây khi cho vay có bảo đảm bằng kho hàng:
Cách thứ nhất: Bên cho vay thỏa thuận với khách hàng về việc mọi khoản ngân quỹ trả cho doanh nghiệp đều phải “đi qua” và gửi vào tài khoản cho vay có bảo đảm. Theo đó, bên cho vay sẽ thực sự kiểm soát hoàn toàn đối với luồng ngân quỹ của bên vay liên quan đến kho hàng. Điều đó cho phép bên cho vay quản lý rủi ro bằng việc theo dõi hàng tuần các luồng tiền đến và đi. Trong khi đó, bên vay sẽ vẫn có thể “giải phóng” phần vốn chủ sở hữu đang tồn tại trong số hàng lưu kho và khoản phải thu để có thể tiếp tục mua thêm hàng lưu kho để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cách thứ hai: Các bên thỏa thuận về việc “tài trợ theo đơn đặt hàng”. Theo đó, bên cho vay có thể tài trợ việc mua một hượng hàng lưu kho cần thiết đủ để hoàn thành giao dịch bán, với điều kiện là số hàng đó được giao thẳng cho khách hàng của bên vay và khách hàng đồng ý thanh toán cho bên cho vay. Theo cách thức này thì bên vay không “đụng chạm” gì đến hàng lưu kho và tiền thanh toán. Một khi tiền thanh toán đã nhận xong thì bên cho vay sẽ khấu trừ giá hàng của hàng lưu kho, chi phí tài trợ, số tiền dư sẽ chuyển cho bên cho vay.
Cách thứ ba: Bên cho vay sẽ kiểm soát hoàn toàn đối với hàng lưu kho (thường là thuê nhà kho của bên thứ ba). Theo cách thức này thì hàng lưu kho được mua về bằng tiền của bên cho vay và số hàng đó được cất giữ tại nhà kho của bên thứ ba được bên cho vay lựa chọn. Bên cho vay chỉ “giải phóng” hàng lưu kho khi tiền bán hàng đã được thanh toán và gửi vào tài khoản của bên cho vay.
3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại một trong các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự (khoản 1 Điều 324 Bộ luật Dân sự 2005, Điều 5 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm) và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký (khoản 1 Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2005, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP). Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngay khi nhận thế chấp kho hàng, các Ngân hàng cần thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/02/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
Trên đây là một số kinh nghiệm nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho các ngân hàng khi cho vay có bảo đảm bằng hàng hóa lưu kho, đồng thời qua đó vẫn bảo đảm mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển.
Hồ Quang Huy