Phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn LS Việt Nam và các Bộ, ngành hữu quan, năm 2010, công tác quản lý LS của Bộ và ngành Tư pháp đã có những tác động tích cực cho mục tiêu phát triển đội ngũ LS, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thực sự tạo điều kiện để hoạt động LS từng bước hướng đạt được vai trò, vị trí trung tâm trong quá trình cải cách tư pháp và xây dựng NNPQ XHCN.
Triển khai có hiệu quả các “cơ sở pháp lý”
Hoạt động quản lý luật sư (LS) năm 2010 của Bộ và ngành Tư pháp được lấy trọng tâm là công tác triển khai có hiệu quả các văn bản đặt cơ sở pháp lý cho hoạt động LS đã được thông qua trong năm 2009. Là hoạt động “thượng tầng”, có ý nghĩa quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý và định hướng cho công tác quản lý cũng như hoạt động của LS, công tác xây dựng và triển khai các văn bản đã được chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện với 02/04 văn bản đã được thông qua; 02/04 văn bản đã được gửi lấy ý kiến và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Trong số các văn bản quan trọng với mục tiêu phát triển đội ngũ LS hội nhập, năm 2010, Bộ đã xây dựng Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020 (hiện đang hoàn thiện trình Lãnh đạo Bộ xem xét ký trình Chính phủ); tiếp tục triển khai Đề án “Đào tạo chuyên gia pháp luật, LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” và Đề án “Phát triển đội ngũ LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”.
Ngoài ra, cùng với việc ban hành Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề LS (ngày 01/12/2010) để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người tập sự trong quá trình tập sự hành nghề LS, Bộ đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 02/2007/TT-BTP (ngày 25/4/2007) của Bộ Tư pháp và hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định 131/2008/NĐ-CP (ngày 31/12/2008) của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Luật LS về tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Bốn - Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) - nhấn mạnh, việc triển khai Chỉ thị 33-CT/TW (ngày 30/3/2009) của Ban Bí thư TƯ Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động LS (trong đó tập trung cao vào việc thành lập tổ chức đảng của Liên đoàn LS Việt Nam và hướng dẫn thành lập tổ chức đảng trong các Đoàn LS) có nhiều chuyển biến tích cực.
Điếu đó thể hiện qua sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền các địa phương đến tổ chức, hoạt động LS và công tác quản lý LS trên địa bàn. Việc tổ chức kiện toàn tổ chức Đảng tại các Đoàn LS và Liên đoàn LS bước đầu được đã đạt được một số kết quả. Đặc biệt, Đảng đoàn và Chi bộ đảng của Liên đoàn LS được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của Liên đoàn.
Phát triển dần đều
Với việc thực hiện hiệu quả các văn bản và đề án phát triển hoạt động LS, hoạt động quản lý nhà nước về LS và tổ chức hành nghề LS đã thực hiện tốt chức năng định hướng, điều tiết và hỗ trợ phát triển của Nhà nước đối với hoạt động LS, góp phần phát triển số lượng LS, nâng cao chất lượng hành nghề LS, duy trì việc tuân theo pháp luật và đạo đức hành nghề LS.
Trong giai đoạn 2007-2010, số lượng LS, tổ chức hành nghề LS “tăng dần đều” với 2.026 LS và 905 tổ chức hành nghề LS (năm 2007) lên 5.892 LS và 2.690 tổ chức hành nghề LS (năm 2010). Số lượng LS và tổ chức hành nghề LS tuy chưa đạt được con số đáp ứng yêu cầu xã hội và phân bổ chưa đồng đều (chủ yếu ở các tỉnh, TP lớn, cá biệt tỉnh Lai Châu chưa thành lập được Đoàn LS), nhưng đã góp phần hình thành mạnh lưới dịch vụ pháp lý sâu rộng trên toàn quốc, đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch, ổn định trật tự an toàn xã hội.
Từ đó, “quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển đội ngũ LS ở các tỉnh, miền núi khó khăn, góp phần rút ngắn chênh lệch về số lượng, chất lượng LS giữa các TP lớn với các tỉnh miền núi, các tỉnh có khó khăn trong phát triển nghề LS” – là một trong những định hướng của công tác quản lý LS mà Bộ Tư pháp đặt ra cho năm 2011.
Cùng sự phát triển về số lượng LS và tổ chức hành nghề LS, Bộ Tư pháp cũng đã tập trung vào việc củng cố, bồi dưỡng chất lượng cho đội ngũ LS. Năm 2010, hướng đến mục tiêu phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập, Bộ đã xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo trên cơ sở tham khảo nhu cầu rộng rãi của các LS và thống nhất với Liên đoàn LS Việt Nam.
Nội dung bồi dưỡng tập trung vào các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu hơn, đặc biệt với các kiến thức hội nhập và kỹ năng tham gia tố tụng trong những lĩnh vực khó như dân sự, đất đai, thương mại quốc tế... đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập.
“Trong năm 2011, để củng cố thêm hiệu quả cho các đề án phát triển đội ngũ LS, Bộ sẽ thí điểm thành lập Trung tâm đào tạo LS phục vụ hội nhập kinh tế và nghiên cứu xây dựng Đề án Câu lạc bộ LS phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế” - ông Bốn hào hứng “khoe”. “Khi có Trung tâm này, Bộ dự kiến mời các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy, tạo điều kiện cho các LS được tiếp cận những kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hành nghề của đồng nghiệp nước ngoài một cách nhanh nhất”.
Kiểm tra kết quả tập sự “ngày càng khó”
Đó là nhận xét chung của những người được tham gia các kỳ kiểm tra hết tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức, do “việc tổ chức kiểm tra hết tập sự hành nghề LS được thực hiện nghiêm túc, khách quan và công bằng”. Nhờ đó, “kết quả kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS đã phản ánh đúng chất lượng người tập sự”.
Mặc dù tính theo tỷ lệ thì thí sinh không đạt yêu cầu của đợt kiểm tra quý III và IV/2010 cao hơn so với Quý I, II/2010, nhưng tỷ lệ thí sinh đạt điểm khá, giỏi của Quý III, IV/2010 lại cao hơn Quý I, II/2010, chứng tỏ “phần lớn những người tập sự hành nghề LS đã có nhận thức đúng đắn hơn về việc tập sự hành nghề LS và có sự chuẩn bị chu đáo hơn cho đợt kiểm tra này” – Vụ Bổ trợ Tư pháp đánh giá. Tuy nhiên, thông qua việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS khu vực TP.Hà Nội, TP.HCM và TP.Đà Nẵng, nảy sinh những tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng tập sự.
Theo quy định của Luật LS, người tập sự hành nghề LS được giúp LS hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp; không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Thực tế này đã gây “bức xúc” đối với những người tập sự hành nghề LS nói riêng và đội ngũ LS nói chung. Vì tập sự là để thời gian người tập sự “học” và “tập” làm LS, những với qui định này, người tập sự “ít được học nghề, không có cơ hội va chạm với các vụ việc thực tế, nên phần nào làm hạn chế chất lượng tập sự hành nghề của họ.
Từ phía các Đoàn LS việc quản lý tập sự còn chưa chặt chẽ. Nhiều Đoàn chưa thực sự nắm bắt được số lượng và giám sát được việc tập sự hành nghề LS của Đoàn mình (trong tồn tại này còn có một phần trách nhiệm không nhỏ của các LS nhận hướng dẫn tập sự), chưa thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm đối với người tập sự nên có tình trạng một số người tập sự việc đủ điều kiện tham dự kiểm tra nhưng không được Đoàn thông báo, hướng dẫn nên không kịp làm hồ sơ tham dự kiểm tra....
Những tồn tại cần được “xử lý” triệt để nhằm phát huy vai trò của hoạt động tập sự trong việc và “cung cấp” cho đội ngũ LS nước nhà những LS “đảm bảo chất lượng về kiến thức, kỹ năng, đạo đức hành nghề”.
Kết thúc một năm với nhiều kết quả “nổi bật nhất lĩnh vực bổ trợ tư pháp”, năm 2011, Bộ Tư pháp sẽ “tăng cường chất lượng tập sự, phối hợp với Liên đoàn LS Việt Nam, kiểm tra các tổ chức hành nghề LS, xây dựng phần mềm quản lý LS, triển khai hiệu quả các Đề án đào tạo, bồi dưỡng LS cho hội nhập quốc tế” để hoạt động LS có thể “vững tin” hội nhập với thế giới./.
Hương Giang
Tính đến ngày 30/10/2010, Tỉnh, Thành ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đoàn LS ở 55/62 tỉnh để thông qua Điều lệ Đoàn LS. Trong những tháng đầu năm 2011, các ĐLS còn lại sẽ tổ chức Đại hội. Nhiều Đoàn LS đang khẩn trương tiến hành các thủ tục trình Tỉnh, Thành ủy cho phép thành lập tổ chức Đảng của Đoàn LS. |
Năm 2010, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS cho khoảng 1.000 người tập sự hành nghề LS; cấp Chứng chỉ hành nghề LS cho gần 500 LS trong nước; cấp phép cho 18 LS nước ngoài, 02 công ty luật nước ngoài và 01 chi nhánh tổ chức LS nước ngoài.
Bộ đã tổ chức 02 lớp bồi dưỡng LS phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế cho khoảng 800 LS và 03 lớp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn và tranh tụng cho 600 LS trong năm 2010. |