Để củng cố, tăng cường công tác pháp chế phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, thống nhất, từ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác pháp chế; đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; tăng cường công tác tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi thi hành pháp luật... Xác định được vị trí, vai trò của công tác pháp chế tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước xây dựng thể chế, thực hiện nhiều biện pháp nhằm thành lập, củng cố về tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức pháp chế, nhất là trong giai đoạn chiến lược triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội, yêu cầu thực tế của công tác pháp chế, ngày 18/5/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2004/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 122/2004/NĐ-CP). Đây là văn bản pháp lý quan trọng, là cơ sở pháp lý nhằm tiếp tục thành lập, củng cố, nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức pháp chế tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như các doanh nghiệp nhà nước. Triển khai Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, ngày 24/01/2005, liên Bộ Tư pháp - Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTP-BNV), theo đó hướng dẫn cụ thể các quy định về việc thành lập, củng cố về mặt tổ chức và cán bộ làm công tác pháp chế.
Sau 06 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP, tổ chức và cán bộ làm công tác pháp chế đã từng bước được thành lập, củng cố, nâng cao năng lực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công tác pháp chế tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như doanh nghiệp nhà nước.
I. THỰC TRẠNG VỀ MẶT TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC PHÁP CHẾ
1. Tổ chức và cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
1.1. Về tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
a. Trước hết, tại Bộ Tư pháp, với tư cách là một cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác pháp chế trong phạm vi cả nước, giao cho Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ quản lý công tác pháp chế. Từ tháng 12/2008, thực hiện chủ trương kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ Tư pháp; đồng thời, tập trung, chú trọng đến việc xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế đủ mạnh, xứng tầm với nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã thành lập Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện các quản lý công tác pháp chế; theo đó Phòng Công tác pháp chế tại Vụ được thành lập với mục tiêu làm chuyên trách, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý công tác pháp chế.
b. Tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có Vụ Pháp chế thì tiếp tục củng cố và kiện toàn. Riêng các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa có Vụ Pháp chế thì đã tiến hành xây dựng đề án thành lập trên cơ sở kế thừa tổ chức pháp chế trước đó như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ,… Đến nay, 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ (100%) đã thành lập và tiến hành củng cố, kiện toàn Vụ Pháp chế. Về cơ cấu tổ chức, một số Vụ pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được cơ cấu thành các phòng/ban chuyên môn như Bộ Công an, Bộ Tài chính… nhưng một số Bộ, cơ quan ngang Bộ khác, do nhu cầu công việc không thành lập phòng, mà chia thành các nhóm hoặc tổ công tác chuyên môn chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế….
Đối với các Tổng cục hoặc tương đương và các Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng đã thành lập tổ chức pháp chế dưới mô hình Vụ hoặc cấp phòng như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính… hoặc phân công đầu mối đảm nhiệm công tác pháp chế như Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… Cụ thể như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 03 Tổng cục (Tổng cục Thuỷ sản, Tổng cục Thuỷ lợi và Tổng cục Lâm nghiệp) thì đều không có tổ chức pháp chế chuyên trách, công tác pháp chế được giao cho Văn phòng Tổng cục kiêm nhiệm; Cục thuộc Bộ (Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục bảo vệ thực vật, Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối, Cục Quản lý xây dựng công trình, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản) không có phòng pháp chế chuyên trách, công tác pháp chế được giao cho Phòng Thanh tra - Pháp chế hoặc Thanh tra thực hiện. Mặc dù không được cơ cấu cấp phòng độc lập nhưng công tác pháp chế một số Cục (như Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi) luôn được đảm bảo về nhân sự và chất lượng hoạt động. Mô hình pháp chế gắn với thanh tra được nhận định là có hạt nhân hợp lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhằm tăng cường vai trò, vị trí của tổ chức pháp chế trong tổ chức và hoạt động của các Cục, cần thiết phải thành lập tổ chức pháp chế độc lập.
Bên cạnh đó, do đặc thù trong quản lý ngành, lĩnh vực, tại một số Bộ, cơ quan ngang Bộ đã bố trí cán bộ làm công tác pháp chế tại một số đơn vị cấp Vụ/Viện như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ,… hay như Ngân hàng nhà nước Việt Nam, bên cạnh việc tổ chức Vụ Pháp chế trực thuộc, thì tại các ngân hàng thương mại thuộc sự quản lý, điều hành của Ngân hàng nhà nước đã thành lập các Phòng/ Ban Pháp chế.
c. Tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đến nay cả 08 cơ quan đã có tổ chức pháp chế chuyên trách với mô hình cấp Phòng/Ban trực thuộc hoặc cấp Phòng/Ban trực thuộc Văn phòng, cá biệt tại một số cơ quan đã kết hợp công tác pháp chế với một số công tác khác như công tác hành chính tổng hợp, công tác thanh tra… để thành lập cấp Phòng, như Phòng pháp chế trực thuộc Văn phòng Thông tấn xã và đến năm 2008, kết hợp với công tác hành chính tổng hợp thành lập Phòng Tổng hợp - pháp chế, do 01 Phó Chánh Văn phòng kiêm Trưởng phòng; Phòng Tổng hợp - pháp chế thuộc Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Phòng Tổng hợp - Pháp chế thuộc Văn phòng Viện Khoa học và Công nghệ; Phòng pháp chế thuộc Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Kiểm tra thuộc Đài truyền hình Việt Nam.
1.2. Về cán bộ làm công tác pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Hầu hết các tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tăng cường về biên chế, đồng thời có cơ chế tuyển dụng linh hoạt nhằm thu hút cán bộ có năng lực và tâm huyết với nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hàng năm nhiều cán bộ pháp chế đã được cử đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác pháp chế. Kết quả khảo sát cho thấy, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cũng như tại các Tổng cục và tương đương, các Cục trực thuộc, đã có đội ngũ cán bộ pháp chế mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, chẳng hạn như Vụ Pháp chế - Bộ Công an, Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước, Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông Vận tải, Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ pháp chế - Bộ Công thương...
Hiện nay, tổng số cán bộ làm công tác pháp chế ở 30 cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (có 18 Bộ, 04 cơ quan ngang Bộ, 06 cơ quan thuộc Chính phủ) là hơn 500 người. Bình quân mỗi tổ chức pháp chế có từ 10 - 20 cán bộ, công chức. Một số Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có số lượng cán bộ làm công tác pháp chế hết sức đông đảo như Vụ pháp chế, Bộ Công an có 50 cánbộ, công chức; Vụ Pháp chế, Ngân hàng nhà nước Việt nam 29 cán bộ, công chức; Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông là 26 cán bộ, công chức; Vụ pháp chế của Thanh tra Chính phủ là 17 cán bộ công chức;… Tuy nhiên, có Bộ, ngành chưa được tăng cường biên chế, do đó, số lượng cán bộ làm công tác pháp chế chưa được đảm bảo so với yêu cầu như Vụ pháp chế của Bộ Y tế có 07 cán bộ, công chức; Vụ pháp chế của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch có 11 cán bộ, công chức;... Đối với các cơ quan thuộc chính phủ, là những đơn vị sự nghiệp như Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,… số lượng cán bộ pháp chế chưa đủ mạnh, trung bình chỉ có từ 05 - 08 cán bộ làm công tác pháp chế.
Về trình độ, hiện nay cán bộ pháp chế có trình độ chuyên môn tương đối cao, trong số hơn 500 cán bộ pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì có hơn 150 cán bộ có trình độ trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ), đa số cán bộ có trình độ đại học luật và trình độ đại học chuyên ngành phù hợp. Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng hết sức quan tâm đến việc bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có kinh nghiệm làm công tác pháp chế, nhiều cán bộ đã từng bước được nâng cao trình độ, cả trình độ chuyên môn luật và chuyên ngành, các cán bộ lãnh đạo tổ chức pháp chế đều tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp. Chính vì vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ pháp chế tại các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong những năm qua đã từng bước được nâng lên một bước rõ rệt.
2. Tổ chức và cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
2.1. Về tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTP-BNV của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình thành lập Phòng pháp chế hoặc phân công đầu mối đảm nhiệm công tác pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Kết quả, đến nay do điều kiện khách quan và nhu cầu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, mỗi địa phương tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức theo một mô hình sau đây:
- Phòng/Ban/Đội pháp chế (cơ quan công an) độc lập trực thuộc các cơ quan chuyên môn;
- Phòng pháp chế ở cơ quan chuyên môn có khối lượng công việc nhiều/bố trí các cán bộ chuyên trách đảm nhiệm;
- Tổ công tác pháp chế và giao do một cán bộ chuyên trách phụ trách/các thành viên khác là kiêm nhiệm.
- Bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác pháp chế;
Do yêu cầu công việc, căn cứ vào biên chế và các điều kiện về tổ chức, cán bộ, nhiều địa phương đã kết hợp các mô hình khác nhau để thành lập, củng cố tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, theo đó, tại một số cơ quan chuyên môn thành lập Phòng pháp chế độc lập, nhưng một số cơ quan chuyên môn khác lại kết hợp với công tác khác như công tác hành chính - tổng hợp để thành lập Phòng/Ban thuộc Văn phòng cơ quan. Một số cơ quan chuyên môn thì chỉ bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế thuộc biên chế của Văn phòng hay một số cơ quan khác thì chỉ bố trí được cán bộ kiêm nhiệm. Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay có 10 cơ quan chuyên môn thành lập Phòng pháp chế, 09 cơ quan thành lập Tổ pháp chế, 06 cơ quan thì chỉ bố trí cán bộ chuyên trách. Tại Bắc Giang, chỉ có 01 cơ quan thành lập Tổ pháp chế (Sở Giao thông vận tải), 11 cơ quan bố trí cán bộ chuyên trách, 08 cơ quan chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm; Tại Đà Nẵng, chỉ có cơ quan Thanh tra thành lập Phòng pháp chế, 02 cơ quan thành lập Tổ/Đội pháp chế (Công An, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), 04 cơ quan bố trí cán bộ chuyên trách, 14 cơ quan chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm.
2.2. Về cán bộ làm công tác pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
a. Về số lượng, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đến nay đã bố trí cán bộ làm công tác pháp chế, ít nhất là 01 cán bộ và nhiều nhất là 09 cán bộ, trung bình mỗi cơ quan có từ 02 - 05 cán bộ làm công tác pháp chế. Như vậy, nếu tính bình quân một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 20 - 50 cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, như Tại Hà Nội có tổng cộng là 64 cán bộ làm công tác pháp chế trong 19 cơ quan chuyên môn, trong đó có 14 cán bộ chuyên trách, còn lại 50 cán bộ kiêm nhiệm; Tại Đà Nẵng, chỉ có Công an thành phố thành lập Đội pháp chế với 03 biên chế (02 chuyên trách, 01 kiêm nhiệm), 01 cơ quan chuyên môn thành lập Tổ công tác thực hiện công tác pháp chế với 03 cán bộ kiêm nhiệm; 04 cơ quan chuyên môn bố trí từ 01 - 07 cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách, 14 cơ quan chuyên môn chỉ bố trí 02 - 03 cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp chế.
b. Về chất lượng, hầu hết cán bộ pháp chế của các cơ quan chuyên môn đều có trình độ đại học luật hoặc trình độ đại học chuyên ngành khác, nhiều cán bộ đã có cả bằng đại học luật và chuyên ngành. Trong số cán bộ pháp chế, nhiều người đã có trình độ trên đại học tiến sĩ, thạc sĩ luật hoặc chuyên ngành như tại tỉnh Nam Định tổng công có 19 cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thì trong đó có 01 trình độ thạc sĩ, 11 trình độ đại học luật và 07 trình độ đại học chuyên ngành; Nghệ An trong số 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND được thống kê thì 07 cơ quan bố trí cán bộ chuyên trách (có 02 - 03 cán bộ), 11 cơ quan bố trí cán bộ văn phòng hoặc Thanh tra kiêm nhiệm, như 100% cán bộ pháp chế đều có trình độ đại học (50% đại học luật). Tuy nhiên, tại một số tỉnh cán bộ làm công tác pháp chế còn có trình độ cao đẳng, tung cấp như tại Lai Châu, trong tổ số 44 cán bộ làm công tác pháp chế, có 04 trình độ đại học luật, 32 có trình độ đại học chuyên ngành, 07 có trình độ cao đẳng và 01 có trình độ trung cấp;…
c. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế, cán bộ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đã bước đầu đào tạo, tập huấn, từng bước đã được nâng cao. Trên cơ sở yêu cầu thực tế, nhận thức được vai trò quan trọng của công tác pháp chế, UBND cấp tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hội nghị tập huấn, hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn cho các cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, hàng năm UBND cấp tỉnh đều cử cán bộ pháp chế ở các cơ quan chuyên môn tham gia các đợt tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức.
3. Tổ chức và cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp nhà nước
3.1.Tại các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương
a. Về tổ chức pháp chế, đến nay, đa số các doanh nghiệp đã thành lập Phòng/Ban Pháp chế độc lập như Tập đoàn Điện lực Việt Nam... Một số ít doanh nghiệp nhà nước, công tác pháp chế kết hợp với công tác khác thành lập Phòng/Ban pháp chế như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam… hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách để thực hiện chứcnăng, nhiệm vụ của mình như Tổng Công ty Thuốc lá. Qua kết quả khảo sát và báo cáo của 14 doanh nghiệp nhà nước Trung ương cho thấy: 2/14 doanhnghiệp có Phòng/Ban pháp chế độc lập; 3/14 doanh nghiệp có Phòng/Ban pháp chế trực thuộc Văn phòng; 8/14 doanh nghiệp có Phòng/Ban trên cơ sở kết hợp với công tác khác và 01/14 doanh nghiệp bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thành viên của các doanh nghiệp tổ chức theo mô hình Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ con cũng đã thành lập Ban/Bộ phận pháp chế trực thuộc hoặc thuộc Văn phòng để thực hiện công tác pháp chế.
Qua báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong lĩnh vực giao thông vận tải, có 01 tập đoàn và 3 tổng Công ty đều đã thành lập tổ chức pháp chế chuyên trách. Trong đó, 02 doanh nghiệp thành lập Ban Pháp chế; 02 thành lập Phòng Thanh tra - Pháp chế. Đối với các doanh nghiệp khác thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý thì hầu hết công tác pháp chế đều được giao cho các phòng/ban kiêm nhiệm thực hiện, cụ thể 02 doanh nghiệp giao cho Phòng Tổ chức cán bộ - Lao động, 01 doanh nghiệp giao Văn phòng; 01 doanh nghiệp giao Thanh tra và 01 doanh nghiệp giao cho các phòng chuyên môn kiêm nhiệm thực hiện công tác pháp chế.
b. Về cán bộ, hầu hết mỗi doanh nghiệp có từ 03 - 07 cán bộ làm công tác pháp chế có trình độ đại học và trên đại học, chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Ngân hàng thương mại… 100% cán bộ pháp chế có trình độ đại học, trên đại học chuyên ngành luật. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ cũng có trình độ đại học, trên đại học về chuyên ngành kinh tế, thương mại quốc tế.
3.2. Tại các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương
Đến nay, một số doanh nghiệp đã thành lập Phòng/Ban pháp chế hoặc thành lập các tổ công tác pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để đảm nhiệm công tác pháp chế, như tại TP. Hồ Chí Minh có 03 doanh nghiệp đã thành lập Phòng pháp chế, 07 doanh nghiệp thành lập Tổ pháp chế, 03 doanh nghiệp bố trí cán bộ chuyên trách; TP. Cần Thơ thì các doanh nghiệp đều thành lập các Tổ pháp chế có từ 02 - 13 cán bộ hoạt động kiêm nhiệm… Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát thì nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp thuộc UBND quản lý không thành lập tổ chức pháp chế cũng như không bố trí cán bộ làm công tác pháp chế, điển hình như các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang.
Do tính chất đặc thù, một số doanh nghiệp ở các địa phương đã bố trí từ 01 - 02 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế, nhiều doanh nghiệp do chưa coi trọng công tác pháp chế nên không bố trí cán bộ làm công tác pháp chế… Tại các doanh nghiệp nhà nước ở các địa phương có bố trí cán bộ làm công tác pháp chế thì số lượng và trình độ cán bộ pháp chế chưa đồng đều, chuyên môn chưa cao và thường không được cơ cấu thành tổ chức pháp chế độc lập, mà còn phải lồng ghép vào tổ chức của Văn phòng, như tại tỉnh Ninh Thuận, một số doanh nghiệp đã bố trí cán bộ thuộc Phòng Hành chính - Tổng hợp trực thuộc Văn phòng kiêm nhiệm công tác pháp chế; tại Vĩnh phúc, với 18 doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý, có 14 doanh nghiệp bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế, 04 doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ làm công tác pháp chế.
4. Về tổ chức pháp chế tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành không điều chỉnh và cũng không có quy định về công tác pháp chế tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Song thực tế thì tổ chức pháp chế ở các tổ chức này vẫn được thành lập và hoạt động có hiệu quả, như tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành lập Ban Dân chủ và Pháp luật, Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành lập Ban Pháp luật chính sách, Hội Nông dân thành lập Ban Pháp luật, Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành lập ban Ban Pháp luật,...).
II. NHẬN XÉT
1. Tổ chức pháp chế chưa xứng tầm với công việc được giao
Thực tế hiện nay, tổ chức pháp chế đã được giao thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới như theo dõi thi hành pháp luật, trách nhiệm bồi thường của nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp,... Tuy nhiên, tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (nhất là các Tổng cục và tương đương, các Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ), cơ quan chuyên môn thuộc UBND và các doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn nhiều bất cập, quá lỏng lẻo; việc thành lập tổ chức pháp chế nhiều nơi mang tính tùy nghi, không có sự thống nhất. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải kiện toàn, củng cố về mặt tổ chức của các tổ chức pháp chế. Thực tế cho thấy:
- Ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đều thành lập Vụ pháp chế, với chức năng, nhiệm vụ là đơn vị chuyên môn giúp cho lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ đó. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phải tổ chức Vụ pháp chế trên cơ sở kết hợp với công tác khác như tại Bộ Y tế, thành lập Vụ Pháp chế trên cơ sở kết hợp với công tác thi đua - khen thưởng và công tác tuyên truyền báo chí.
- Ở các Tổng cục và tương đương, các Cục trực thuộc Bộ, cơ ngang Bộ, thì tổ chức pháp chế được tổ chức rất khác nhau, có Tổng cục, Cục được thành lập tổ chức pháp chế chuyên trách; có Tổng cục, Cục không thành lập tổ chức mà giao công tác pháp chế cho văn phòng làm đầu mối thực hiện, một số khác thì chỉ bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Do đó, dẫn đến công tác pháp chế ở các Tổng cục, Cục trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa phát huy được hiệu quả.
- Ở các cơ quan thuộc Chính phủ, một số cơ quan thành lập các phòng/ban pháp chế độc lập, một số cơ quan khác thì lại tổ chức thành phòng/ban pháp chế thuộc Văn phòng và còn lại thì kết hợp với công tác khác như thanh tra, tổng hợp để thành lập cơ cấu cấp phòng/ban.
- Ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thì tùy nghi trong việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc chỉ bố trí cán bộ làm công tác pháp chế. Thực tế hiện nay, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, có nơi thì thành lập Phòng/Ban/Đội pháp chế độc lập, có nơi thì bố trí cán bộ chuyên trách và có nơi chỉ bố trí cán bộ kiêm nhiệm. Trường hợp đặc biệt, có địa phương, mỗi cơ quan chuyên môn lại thành lập tổ chức pháp chế theo một mô hình khác nhau.
2. Số lượng và chất lượng của cán bộ làm công tác pháp chế còn có nhiều hạn chế
- Cán bộ pháp chế tại một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuy có trình độ cao, song lại mỏng về số lượng, trong khi đó, công việc được giao ngày càng nhiều, như Bộ Y tế, Vụ pháp chế chỉ có 07 cán bộ pháp chế (có 02 có trình độ trên đại học, và 05 trình độ đại học), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ chỉ có 13 cán bộ pháp chế… hay như Ủy Ban Dân tộc chỉ có 08 cán bộ pháp chế… Bên cạnh đó, tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quanthuộc Chính phủ với lực lượng cán bộ đã mỏng, nhưng trong năm gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng chảy máu chất xám, có cán bộ, lãnh đạo làm công tác pháp chế xin ra khỏi biên chế đi làm việc cho các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh với nhiều ưu đãi về kinh tế, dẫn đến một số tổ chức pháp chế vốn đã thiếu cán bộ, thiếu lãnh đạo có kinh nghiệm lại càng thiếu hơn.
Ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thì không bố trí được cán bộ làm công tác pháp chế vì thiếu biên chế, nhiều khi có biên chế lại không tìm được cán bộ thích hợp, đủ tiêu chuẩn. Có nhiều địa phương đã lấy cán bộ trẻ, song với chế độ, chính sách như hiện nay đã không thu hút được cán bộ pháp chế làm việc lâu dài, nhiều cán bộ sau vài năm làm việc đã xin chuyển công tác khác.
- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ pháp chế còn hạn chế, nhất là cán bộ pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tuy đã có kiến thức chuyên ngành nhưng kiến thức về pháp luật thì hạn chế hoặc có kiến thức pháp luật nhưng chưa có kiến thức chuyên ngành. Nhiều cơ quan do chưa bố trí được cán bộ chuyên trách nên công tác pháp chế còn hạn chế, nhiều nội dung chưa được triển khai sâu rộng.
- Một số cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước ở địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác pháp chế, bố trí cán bộ thực hiện công tác pháp chế còn mang tính hình thức, hiệu quả hoạt động chưa cao.
- Cán bộ được bố trí làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn đa số là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế; mặt khác, cán bộ làm công tác này lại thường xuyên thay đổi vị trí công tác.
- Chưa có chế độ, chính sách ưu đãi cho cán bộ làm công tác pháp chế, dẫn đến tình trạng khó có thể tuyển dụng; tình trạng chảy máu chất xám.
- Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại Sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước chưa đồng đều. Hàng năm, Bộ Tư pháp có tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác pháp chế nhưng chưa có sự hỗ trợ về kinh phí, số lượng cán bộ tham gia còn hạn chế, thời gian tập huấn rất ngắn so với yêu cầu.
- Đối với các doanh nghiệp nhà nước, số lượng cán bộ làm công tác pháp chế còn ít, phần lớn cán bộ pháp chế tại các doanh nghiệp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; trình độ, chuyên môn pháp lý chưa cao; kinh nghiệm thực tiễn trong công tác pháp chế này chưa nhiều, nhất là kinh nghiệm đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng thương mại… Mặt khác, cán bộ pháp chế doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế về ngoại ngữ, thiếu hiểu biết về pháp luật nước ngoài.
TAĐ