Thực trạng và nhu cầu ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp của Việt Nam

04/09/2010
Tương trợ tư pháp quốc tế (TTTP) là một biểu hiện của nguyên tắc về nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia - một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại. Các Hiệp định tương trợ tư pháp mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là văn bản pháp lý quốc tế thể hiện quy luật phát triển trên.

Bài viết dưới đây của tác giả Đặng Hoàng Oanh phân tích thực trạng và nhu cầu ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về TTTP của Việt Nam. Hy vọng những đề xuất, kiến nghị mà tác giả đưa ra sẽ được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cân nhắc, tham khảo, áp dụng nhằm góp phần thực hiện chủ trương tiếp tục ký kết các Hiệp định TTTP đã được đề ra trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, bài viết gồm 2 phần. Phần 1 nêu thực trạng công tác đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp của Việt Nam. Trong phần này, việc ký kết, gia nhập và thực hiện các Hiệp định TTTP song phương và đa phương trên từng lĩnh vực dân sự - thương mại; hình sự, chuyển giao người bị kết án sẽ được tổng kết và phân tích cụ thể. Từ bức tranh tổng thể về thực trạng điều ước quốc tế về TTTP của Việt Nam nêu tại Phần 1, dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn của tư pháp quốc tế nói chung và TTTP nói riêng, Phần 2 kiến nghị một số đề xuất toàn diện, cụ thể về nhu cầu ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế  về TTTP (cả song phương và đa phương) của nước ta trong thời gian tới.  

LỜI NÓI ĐẦU                             

Ngày nay, không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển một cách biệt lập mà không có quan hệ với các quốc gia khác. Nói cách khác quan hệ hợp tác quốc tế không chỉ là nhu cầu nội tại thiết thực của bản thân mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước, mà còn là trách nhiệm - nghĩa vụ của các quốc gia xét dưới góc độ pháp luật quốc tế. Tương trợ tư pháp quốc tế là một biểu hiện của nguyên tắc về nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia - một trong các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại. Các Hiệp định tương trợ tư pháp mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là văn bản pháp lý quốc tế thể hiện quy luật phát triển trên.

Mục tiêu của các Điều ước quốc tế về TTTP là nhằm thiết lập một cơ chế pháp lý quốc tế chung điều chỉnh quan hệ giữa công dân và pháp nhân của các nước ký kết, xây dựng những quy tắc chuẩn mực cho các bên tham gia điều ước để giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại quốc tế và các tranh chấp khác phù hợp với điều ước quốc tế  cũng như pháp luật của quốc gia thành  viên.

Nhận thức được mục đích, vai trò và ý nghĩa quan trọng của điều ước quốc tế về TTTP, từ đầu những năm 80 cho đến nay, Nhà nước ta đã đàm phán, ký kết và gia nhập các Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với nhiều quốc gia trên thế giới. Các Hiệp định TTTP đều quy định rõ ràng về quy trình, cách thức thực hiện TTTP trong các lĩnh vực cụ thể, phù hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước  trong hệ thống cơ quan tư pháp ở mỗi quốc gia ký kết, theo đó các cơ quan tư pháp của mỗi bên có thể xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các yêu cầu về TTTP một cách nghiêm túc, tận tâm và thiện chí.  Các Hiệp định TTTP mà nước ta ký kết với các nước trước đây thuộc hệ thống XHCN cơ bản có đặc điểm và nội dung giống nhau, dựa trên nền tảng thống nhất về hợp tác XHCN giữa các nước có cùng một chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, có cùng mục tiêu và lý tưởng giống nhau trên nguyên tắc luật quốc tế xã hội chủ nghĩa. Còn các Hiệp định mới được ký kết trong thời gian gần đây là các điều ước được xây dựng trong bối cảnh pháp luật Việt Nam và các nước đang trong thời kỳ thay đổi mạnh mẽ, nhận thức và tư duy pháp luật trong lý luận cũng như thực tiễn có những đột biến, nhảy vọt, phù hợp với chính sách đối ngoại rộng mở nhằm thực hiện chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. 

Phần 1. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀM PHÁN, KÝ KẾT CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

I. Loại Hiệp định song phương về TTTP

1. Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự, thương mại

a. Các Hiệp định đã ký

 Hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực dân sự với các nước được thực hiện trên cơ sở các Hiệp định Tương trợ tư pháp (và pháp lý) được ký kết giữa Nhà nước ta với nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện nay, trên đầy đủ các lĩnh vực dân sự, thương mại, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án, Việt Nam đã ký 26 Hiệp định TTTP với các nước (trong đó có 15 Hiệp định điều chỉnh TTTP về dân sự, thương mại); đã và đang chuẩn bị đàm phán 18 Hiệp định TTTP trên các lĩnh vực, đã và đang chuẩn bị rà soát, sửa đổi, hiện đại hóa 04 Hiệp định đã ký với các nước XHCN trước đây. Cụ thể về 26 Hiệp định TTTP đã ký như sau:

 - 12 Hiệp định TTTP với phạm vi rộng, điều chỉnh TTTP trên đầy đủ các lĩnh vực dân sự, hình sự và dẫn độ: đó là các Hiệp định với Liên Xô cũ (10/12/1981), Tiệp khắc (12/10/1982), Cu Ba (30/11/1984), Hung-ga-ri (18/01/1985), Bun-ga-ri (03/10/1986),  Ba Lan (22/3/1993), CHDCND Lào (06/7/1998), Nga (25/8/1998), Ucraina (16/4/2000), Mông Cổ (17/4/2000), Bê-la-rút (14/9/2000), CHDCND Triều Tiên (04/5/200)[1];

- 03  Hiệp định quy định riêng về TTTP chỉ trên lĩnh vực dân sự và thương mại: với CH Pháp (24/02/1999), Trung Quốc (19/10/1998) và  Angeri (14 /4/2010);

-  02 Hiệp định quy định riêng về TTTP chỉ trên lĩnh vực hình sự: với Angeri (14/4/2010)[2] và Hàn quốc (9/2003).[3] 

- 01 Hiệp định ASEAN về TTTP trong lĩnh vực hình sự.

- 02  Hiệp định quy định riêng về TTTP chỉ trên lĩnh vực dẫn độ: với Hàn Quốc (9/2003) và Angeri (14/4/2010).[4] 

-  05 Hiệp định quy định riêng về TTTP trên lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với các nước: Vương quốc Anh và Bắc Ailen (12/9/2008)[5], với Australia (12/9/2008), Hàn quốc (29/5/2009), Thái Lan (19/7/2010)[6], Ấn Độ (đã đàm phán xong và hoàn thành thủ tục ký tắt ngày 19/6/2009).

- 01 Hiệp định về TTTP trong lĩnh vực hình sự giữa các nước ASEAN (Việt Nam phê chuẩn năm 2008)

Ngoài ra, trong lĩnh vực hợp tác về hình sự, trong đó có hợp tác phòng chống tội phạm quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, hợp tác phòng chống ma túy, Việt Nam đã ký kết, tham gia rất nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương. Có thể kể đến việc ngay từ năm 1997, Việt Nam đã tham gia ký 03 Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý của Liên Hợp Quốc (Công ước 1961, 1971 và 1988);  đã ký nhiều Hiệp định, Thoả thuận hợp tác quốc tế về phòng chống ma tuý và Hiệp định có liên quan đến phòng chống ma tuý với các nước trong khu vực và trên thế giới; 01 Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Việt Nam tham gia ký ngày 13/12/2000).

b. Các Hiệp định đang được đàm phán/ chuẩn bị đàm phán:

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị các điều kiện, thủ tục cần thiết để triển khai việc đàm phán và ký kết mới 06 Hiệp định TTTP về dân sự, thương mại với các nước Anh, Hàn Quốc, Campuchia, Kazakhtan, Ấn Độ.

c. Các Hiệp định đang được rà soát và sửa đổi, bổ sung, hiện đại hóa:

Đa phần các Hiệp định TTTP với các nước trước đây thuộc hệ thống XHCN được Nhà nước Việt Nam ký vào những năm 80, khi thể chế về TTTP của nước ta còn rất sơ sài. Cùng với sự phát triển của thể chế về tư pháp quốc tế trong đó đặc biệt là về TTTP, nhu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, hiện đại hóa hoặc thay mới (nếu cần thiết) các Hiệp định đã ký trước đây là rất cần thiết để đảm bảo sự tương thích giữa các Hiệp định đó với Luật Tương trợ tư pháp, các Hiệp định đa phương về TTTP cũng như phù hợp với thực tiễn triển khai công tác tương trợ tư pháp.

Vào đầu năm 2010, Bộ Tư pháp đã tiến hành đàm phán với Cộng hoà Séc về việc sửa đổi Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp Khắc ký ngày 12 tháng 10 năm 1982, đã được Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlô-va-kia kế thừa.

Hiện nay Bộ Tư pháp đang chuẩn bị các điều kiện, thủ tục cần thiết để triển khai việc rà soát, hiện đại hóa các Hiệp định TTTP đã ký với các nước XHCN cũ, trước mắt là với 03 nước Ba Lan, Xlovakia, Hungari.

2. Hiệp định TTTP trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ

a. Đối với vấn đề TTTP về hình sự:

* Các Hiệp định đã ký:

  Việt Nam đã ký 14 Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ với các nước, trong đó, có 12 hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự (có quy định về TTTP về hình sự)[7] và 02 hiệp định riêng về hình sự với Angeri (14/4/2010)[8] và Hàn quốc (9/2003).[9] 

* Các Hiệp định đang được đàm phán:

Hiện tại Việt Nam đang đàm phán 04 Hiệp định TTTP về hình sự với các nước Ôx-trây-lia, Pê-ru, Tây Ban Nha và Séc. Dự kiến Hiệp định TTTP về hình sự giữa Việt Nam và Ôx-trây-lia sẽ được ký trong năm 2010.

b. Đối với vấn đề dẫn độ

* Các Hiệp định đã ký:

 Tương tự như trong lĩnh vực hình sự, về dẫn độ tội phạm, Việt Nam đã ký 13 Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ với các nước, trong đó, có 12 hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự, gia đình và hình sự (có quy định về dẫn độ)[10] và 02 hiệp định riêng về dẫn độ với Hàn Quốc (9/2003) và Angeri (14/4/2010).[11] 

* Các Hiệp định đang được đàm phán:

Hiện tại Việt Nam đang đàm phán 04 Hiệp định TTTP về dẫn độ với các nước Ôxtrâylia, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Philipines và đang chuẩn bị các điều kiện, thủ tục cần thiết để ký kết với một số nước khác.

          Về cơ bản, trong các Hiệp định TTTP có quy định về dẫn độ nêu trên, chế định dẫn độ đã được quy định khá chi tiết và đầy đủ với nhiều nguyên tắc cơ bản hình thành trong thực tiễn pháp luật quốc tế về dẫn độ như: không dẫn độ công dân nước mình, nguyên tắc tội phạm kép... Hiệp định về dẫn độ đã tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động dẫn độ nói riêng và hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước nói chung. Tuy nhiên, trong các hiệp định cũng có các quy định không đồng nhất về tiêu đề của phần dẫn độ. Sự khác nhau về tiêu đề dẫn đến việc giới hạn phạm vi các vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự trong đó có dẫn độ thiếu hệ thống. Ngoài ra, trong một số hiệp định, nhiều thuật ngữ còn  được dùng không thống nhất.

          Do số lượng các Hiệp định TTTP về dẫn độ còn khiêm tốn, và do nhu cầu của từng nước, nên trên thực tế các yêu cầu về dẫn độ lại chủ yếu được thực hiện giữa Việt Nam và các quốc gia chưa có Hiệp định quy định về vấn đề này. Việc thực hiện dẫn độ chủ yếu được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại, đáp ứng các yêu cầu về chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và các nước. Một cơ sở nữa của việc dẫn độ này chính là điều lệ Interpol, theo đó, các quốc gia thành viên của Interpol có trách nhiệm hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với nhau trong các hoạt động bắt, truy nã và dẫn độ tội phạm. Có thể nói đây cũng chính là điểm làm hạn chế hiệu quả của công tác dẫn độ tại Việt Nam bởi lẽ khi chưa ký hiệp định dẫn độ cũng như hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ, trong trường hợp không có thiện chí, các quốc gia có thể viện dẫn nguyên tắc có đi có lại để làm cơ sở cho việc từ chối dẫn độ.

3. Hiệp định TTTP về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù:

a. Các Hiệp định đã ký:

Trước khi Luật tương trợ tư pháp được ban hành, việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài mới chỉ được quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết với các nước như: với Hung-ga-ri (năm 1985) quy định về chuyển giao việc thi hành hình phạt tước tự do tại Chương III, từ Điều 79 đến Điều 95; với Ba Lan (năm 1993) quy định về chuyển giao người thi hành án phạt tù tại Chương IV, từ Điều 79 đến Điều 85. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện các điều khoản về chuyển giao người bị kết án phạt tù của các hiệp định nêu trên và trên thực tế chúng ta cũng chưa thực hiện việc chuyển giao người bị kết án phạt tù theo các hiệp định này.  

Từ khi Luật TTTP ra đời đến nay, Nhà nước Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết 05 Hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với các nước: Vương quốc Anh và Bắc Ailen (có hiệu lực từ ngày 21/8/2009), với Australia (12/9/2008), Hàn Quốc (29/5/2009), Thái Lan (19/7/2010), Ấn Độ (đã đàm phán xong và hoàn thành thủ tục ký tắt ngày 19/6/2009 tại New Deli -Ấn độ, hiện đang làm thủ tục trình ký chính thức). 

b. Các Hiệp định đang được đàm phán:

Hiện Chính phủ ta đang tiến hành đàm phán 04 Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù với các nước Séc, Nga, Tây Ban Nha và Philippines.

II. Loại Hiệp định đa phương về TTTP

Hiện nay, cơ chế hợp tác đa phương đang là sự lựa chọn ưu tiên của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và các nước phát triển khác. Do đó thực chất việc ký kết các Hiệp định song phương về TTTP giữa các nước đã ngày càng giảm. Cơ chế TTTP đa phương, xét về phương diện tổng thể có hiệu quả hơn điều ước song phương, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay. TTTP ngày càng trở nên đa dạng và dựa trên những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường như tư nhân hóa, cổ phần hóa, đề cao vai trò của pháp nhân và thể nhân trong các giao dich dân sự, hạn chế giao dịch dân sự của các cơ quan Nhà nước, xã hội hóa hoạt động của các cơ quan tư pháp v.v… Cùng với đó, các biện pháp TTTP ngày càng được tiêu chuẩn hóa theo pháp luật và thông lệ của các nước Tây Âu. Thông qua cơ chế nhất thể hóa quy phạm thực chất và quy phạm xung đột thống nhất trong các Hiệp định đa phương, TTTP sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn cho nhiều quốc gia thành viên.

1. Hợp tác đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại

a. Trong khuôn khổ các thiết chế toàn cầu

Cho đến nay, đối với Việt Nam và các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực, cơ chế hợp tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Hiện hầu hết các nước trong khối vẫn chỉ tiến hành triển khai hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại với nhau trên cơ sở của nguyên tắc có đi có lại đối với từng vấn đề cụ thể. 

Thông qua nhiều cuộc thảo luận cởi mở, tích cực tại các Diễn đàn pháp luật, các hội nghị, hội thảo khu vực và quốc tế, trong đó có Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội tháng 4.2008 về tăng cường công tác tương trợ tư pháp, Việt Nam và nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực đã thống nhất quan điểm về nhu cầu khách quan, bức xúc đặt ra trong tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại, đòi hỏi phải có sự hợp tác xuyên quốc gia mới có thể giải quyết được. Đồng thời, Việt Nam và các nước trong khu vực cũng nhất trí cho rằng, trong điều kiện toàn cầu hoá, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các Công ước (mang tính toàn cầu) của Hội nghị có vai trò to lớn, góp phần quan trọng vào việc giải quyết hiệu quả nhất nhu cầu hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại, và việc nghiên cứu kỹ lưỡng để thấy  hết giá trị thực tế của Hội nghị La Hay, cũng như các Công ước của tổ chức này là hết sức cần thiết. Hội nghị cũng đã nhận thấy việc tiến tới gia nhập các điều ước quốc tế La Hay về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại là nhu cầu đặt ra đối với các nước ASEAN và là con đường đúng trong sự lựa chọn của Việt Nam và các nước trong Hiệp hội.

Sau khi tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật các nước ASEAN lần thứ tư tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả của Hội nghị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt những kiến nghị nêu trong Báo cáo về việc tăng cường hợp tác đa phương về TTTP. Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang  chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các công việc sau đây:

a) Phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, các nước thành viên Hiệp hội và Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế tiếp tục triển khai những nội dung đã thảo luận và thống nhất tại các Diễn đàn pháp luật ASEAN và quốc tế, cập nhật và thông tin thường xuyên tiến độ các hoạt động mà các nước trong khu vực và quốc tế đang tiến hành nhằm hoàn thiện và phát triển pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa Việt Nam và các nước;

b) Tích cực tham gia các diễn đàn pháp luật ASEAN cũng như các hội nghị quốc tế khu vực và toàn cầu về tương trợ tư pháp, đặc biệt là các Hội thảo liên quan đến nội dung Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế;

c) Cử đại diện của Việt Nam tham dự các Hội nghị/Hội thảo/ cuộc họp của Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế; tham gia đàm phán (trước mắt với tư cách là nước quan sát viên) các Công ước của Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế;

c) Chủ động huy động và tận dụng thêm nguồn hỗ trợ quốc tế để tổ chức tại Việt Nam các hội nghị, hội thảo quốc tế về tư pháp quốc tế để tìm hiểu thêm về cơ chế tương trợ tư pháp đa phương trong khuôn khổ Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế, các kinh nghiệm, kỹ năng trong việc soạn thảo, đàm phán để thống nhất nội dung điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp…;

d) Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc gia nhập Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế và các Công ước Lahay về tư pháp quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp: (i)Công ước ngày 05/10/1961 về xoá bỏ các yêu cầu về hợp pháp hóa giấy tờ tài liệu công vụ (Công ước Apostille); và (ii) Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (Công ước về tống đạt giấy tờ). Bộ Tư pháp dự kiến sẽ hoàn thành Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế và Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước Apostille vào cuối năm 2010.

b. Hợp tác trong khuôn khổ ASEAN

Các quốc gia đang ngày càng tiếp cận các vấn đề pháp luật quốc tế nói chung và tư pháp quốc tế nói riêng từ viễn cảnh khu vực. Đó là vì các mục tiêu và mối quan tâm chung, đồng thời cũng là phương thức để tập hợp các nguồn lực. Thông qua hợp tác khu vực, các nước thành viên ASEAN đã vượt qua nhiều điểm khác biệt và đứng trên nguyên tắc toàn diện, đồng thuận, tự nguyện, cùng có lợi, không phân biệt đối xử, phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức này để cùng nhau góp phần mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau thương thảo các vấn đề hợp tác trong khu vực. Các bên đều nhận thấy sự cần thiết và lợi ích qua sự gia tăng hợp tác đa phương về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực TTTP trong Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.

 Tháng 4/2010, ngay trước thềm Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp của ASEAN (ASLOM) lần thứ 13 được tổ chức tại Bali, In-đô-nê-xia, Bộ Tư pháp Việt Nam đã chủ trì tổ chức cuộc họp đầu tiên của Nhóm công tác ASEAN nhằm thực hiện sáng kiến của Việt Nam về tăng cường TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Một lần nữa, đại diện các quốc gia thành viên ASEAN tham gia Nhóm công tác đã thống nhất về sự cần thiết của việc tăng cường hơn nữa TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các nước thành viên ASEAN, vai trò quan trong của các Công ước toàn cầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Nhóm công tác cũng nhận thấy để có thể đưa ra quyết định về việc tập trung vào xây dựng hiệp định khu vực hay tham gia các thiết chế hợp tác đa phương, cần có bước đi thích hợp.

Nhóm công tác đã báo cáo và được Hội nghị ASLOM lần thứ 13 nhất trí thông qua các nội dung sau: (i) trước mắt, Nhóm công tác sẽ tập trung vào nội dung về miễn hợp pháp hóa các giấy tờ, tài liệu được sử dụng trong TTTP giữa các nước thành viên ASEAN theo mô hình Công ước Apostille; (ii) đề nghị tất cả các quốc gia thành viên ASEAN tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin pháp luật trong nước về TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại, đặc biệt là pháp luật về hợp pháp hóa các giấy tờ, tài liệu và nghiên cứu tác động của việc miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu thông qua hình thức tổ chức các hội thảo/hội nghị; và (iii) đề nghị Việt Nam triển khai việc xây dựng Hiệp định song phương mẫu về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu, làm nền tảng cho việc xây dựng thỏa thuận khu vực. Hiệp định mẫu này sẽ đươc đưa ra thảo luận, trao đổi giữa các thành viên Nhóm công tác.[12]

2. Hợp tác đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự

a. Các điều ước đã ký kết, gia nhập:

Trong lĩnh vực hình sự, ngoài các Hiệp định song phương về TTTP, Việt Nam còn tham gia khá nhiều điều ước quốc tế đa phương, chẳng hạn như: 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý (Việt Nam gia nhập ngày 30/7/1997); Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Việt Nam tham gia ký ngày 13/12/2000); Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN. Trong năm 2008, Việt Nam là một trong số 9 quốc gia thành viên ASEAN đã phê chuẩn Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Đây là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các quốc gia Đông Nam Á, là cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động hợp tác phòng, chống tội phạm trong khu vực, nhất là tội phạm mang tính chất quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia.

b. Các điều ước đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập

Bên cạnh các điều ước quốc tế đa phương đã ký kết hoặc gia nhập, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn tất các thủ tục để tham gia nhiều Công ước về chống khủng bố của Liên Hợp quốc như: Công ước về chống tài trợ cho khủng bố năm 1999, Công ước về chống bắt cóc con tin năm 1979, Công ước về trừng trị tội khủng bố quốc tế bằng bom thư năm 1997.

III. Nhận xét, đánh giá chung về các Hiệp định TTTP đã ký

1. Nhận xét chung

Có thể nhận thấy rằng các Hiệp định TTTP đã ký trong thời gian qua hoặc đang trong quá trình đàm phán đều có nội dung phù hợp với các quy định của Hiến pháp, Luật TTTP và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế, các điều ước đa phương trong cùng lĩnh vực; việc đàm phán, ký kết được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, nguyên tắc quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

2. Phạm vi điều chỉnh và nội dung chính của các Hiệp định TTTP

Hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký với các nước XHCN trước đây là loại điều ước song phương có phạm vi rất rộng, bao gồm cả các vấn đề bảo hộ pháp lý, những quy phạm xung đột thống nhất để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền, công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên Hiệp định được ký kết gần đây và các dự thảo Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại đang được đàm phán mới có phạm vi hẹp hơn, được xây dựng theo nguyên tắc điều chỉnh các vấn đề mang tính nguyên tắc, thủ tục tương trợ tư pháp và dẫn chiếu đến luật tố tụng và nội dung của quốc gia ký kết. Xu hướng ký kết Hiệp định TTTP theo từng lĩnh vực chuyên ngành (hoặc chỉ chuyên về hình sự, dẫn độ, hoặc chuyên về tố tụng dân sự), không quy định xen kẽ, lồng ghép nhiều lĩnh vực với nhau, đang được các quốc gia và các tổ chức quốc tế ngày càng chú trọng. Dự thảo Hiệp định loại này có ưu thế là đơn giản và dễ thống nhất. Đây cũng là mô hình các Hiệp định TTTP mà ta đã ký với Trung Quốc, Pháp, An-giê-ri, hay Dự thảo Hiệp định đang và sẽ được đàm phán với Vương quốc Anh, Hàn quốc, Ka-dắc-xtan, Ấn Độ v.v…

Phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại quy định trong các dự thảo Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và các nước phù hợp với Điều 10 Luật TTTP, bao gồm tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ và các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.

3. Vấn đề công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự cua Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài:

Mặc dù Luật TTTP của Việt Nam không quy định vấn đề TTTP về công nhận và thi hành quyết định của bản án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài[13], nhưng đây lại là một trong các nội dung quan trọng đã được quy định tại tất cả các Hiệp định TTTP mà ta đã ký với các nước khác. 

Việc công nhận và thi hành bản án của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài cần rất nhiều đến sự can thiệp, hỗ trợ của Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi bản án hoặc quyết định trọng tài cần được thi hành (nơi cư trú của bị đơn, nơi có tài sản tranh chấp). Trong trường hợp bên phải thi hành không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết trọng tài nước ngoài, thì cần có biện pháp cưỡng chế thi hành bằng việc trước hết là quốc gia nơi bản án, quyết định trọng tài cần được thi hành tiến hành thủ tục công nhận để đảm bảo giá trị pháp lý của bản án, quyết định trọng tài trên lãnh thổ nước mình, sau đó là ra quyết định cho thi hành và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự của pháp luật nước mình (nếu cần thiết). Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của trọng tài nước ngoài có mối quan hệ biện chứng, ràng buộc chặt chẽ với các vấn đề của tư pháp quốc tế trong đó có các vấn đề tố tụng dân sự quốc tế, bắt đầu từ việc xác định và giải quyết xung đột pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống dân sự quốc tế, sau nữa là việc xác định thẩm quyền quốc tế giải quyết các tranh chấp nảy sinh, đến việc xét xử, ủy thác tư pháp và sau cùng là việc công nhận và cho thi hành quyết định của tòa án nước ngoài. Quá trình tố tụng dân sự quốc tế không thể kết thúc một cách hoàn chỉnh nếu thiếu một trong các giai đoạn quan trọng của nó là công nhận và thi hành – giai đoạn cuối cùng khép lại toàn bộ quá trình tố tụng dân sự quốc tế. Nếu bản án nước ngoài hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài không được công nhận và thực thi với các điều kiện và trình tự hợp lý thì kết quả của các giai đoạn tố tụng trước đó sẽ trở nên không có tác dụng. Hậu quả tất yếu là các quan hệ mang tính chất dân sự, thương mại được giải quyết theo trình tự trọng tài  sẽ bị kìm hãm. Việc các quốc gia quy định trong pháp luật nước mình hoặc ký kết điều ước quốc tế về trọng tài, trong đó có công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài sẽ có ý nghĩa to lớn trên cả ba phương diện chính trị, kinh tế và pháp luật.[14]

Xuất phát từ lý do nêu trên, phần lớn các nước đã đàm phán với Việt Nam đều nhất trí việc đưa vào Hiệp định nội dung công nhận và thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài.

Với các nước đàm phán Hiệp định TTTP với Việt Nam từ sau khi Luật TTTP ra đời, mặc dù vấn đề công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án NN, quyết định của Trọng tài nước ngoài không được coi là thuộc nội hàm hoạt động TTTP, nhưng các nội dung này cũng vẫn được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Riêng trong đàm phán Hiệp định TTTP với Angeri, Bạn còn đề nghị quy định thêm cả nội dung công nhận và thi hành các công chứng thư trong Dự thảo Hiệp định giữa hai nước bởi lẽ với An-giê-ri và nhiều nước phát triển, đây là chế định pháp luật tiên tiến đã được quy định phổ biến trong pháp luật quốc gia và đã được đưa vào hầu hết các Hiệp định TTTP về dân sự và thương mại  của các nước đó[15]. Tuy nhiên phía Việt Nam đã từ chối với lý do về vấn đề này còn có sự khác biệt trong pháp luật của hai nước.[16] Tương tự như vậy, tại phiên đàm phán sửa đổi Hiệp định TTTP và pháp lý về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Séc diễn ra hồi tháng 4/2010 vừa qua tại Praha, đoàn công tác liên ngành của 2 Chính phủ cũng thảo luận và thống nhất giữ lại các quy định về công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài[17].

Tuy nhiên vẫn còn một vài nước, do sự khác biệt về pháp luật trong nước, đã đề nghị thực hiện các nội dung công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài bằng cơ chế hợp tác khác (Hàn Quốc, Anh)[18]

4. So sánh ưu thế của các loại điều ước quốc tế về TTTP với phạm vi điều chỉnh rộng[19] và hẹp[20]

Mặc dù xu hướng ký kết các Hiệp định TTTP đơn giản theo từng lĩnh vực chuyên ngành đang được các quốc gia áp dụng rộng rãi do loại điều ước quốc tế này có những ưu thế nhất định. Tuy nhiên về mặt lý luận tư pháp quốc tế thì việc xây dựng các quy phạm xung đột thống nhất để  giải quyết xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền có nhiều điểm ưu thế hơn so với quy phạm xung đột được quy định trong các văn bản pháp luật trong nước. Cụ thể là:

Có hiệu lực được ưu tiên thực hiện, qua đó xóa bỏ được tình trạng dẫn chiếu ngược cũng như dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba, và đương nhiên cũng không cần đặt ra vấn đề có đi có lại nữa.

Hạn chế đến mức tối đa mưu đồ “lẩn tránh pháp luật” của các bên trong các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng), bởi trên thực tế việc áp dụng pháp luật đã được xác định theo các quy phạm xung đột thống nhất trong các Hiệp định TTTP.

Tạo cơ hội cho các bên trong các giao dịch dân sự (theo nghĩa rộng) có khả năng lường trước được phần nào những hậu quả pháp lý sẽ phát sinh từ các quan hệ giữa họ, hoặc giúp họ dự đoán trước được rằng quan hệ đó sẽ được hệ thống pháp luật nước nào điều chỉnh. Điều này sẽ có ý nghĩa thúc đẩy việc phát triển mạnh mẽ các giao lưu dân sự (theo nghĩa rộng).

Tạo điều kiện và khả năng cho các cơ quan thi hành pháp luật hoạt động thuận tiện, dẽ dàng và hiệu quả hơn, nhất là trong công tác áp dụng pháp luật của các Tòa án và cơ quan tư pháp khác ở mỗi quốc gia ký kết.

Bảo đảm những điều kiện tốt đẹp cho xu hướng quốc tế hóa ngày càng cao pháp luật của các quốc gia trong quá trình hội nhập, thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại, phát triển kinh tế ở các khu vực và trên toàn cầu.

Giải quyết khá trọn vẹn vấn đề xung đột thẩm quyền giữa Tòa án của các quốc gia ký kết, trên cơ sở lựa chọn các dấu hiệu pháp lý cơ bản dùng làm tiêu chí để Tòa án xác định thẩm quyền của mình đối với một vụ tranh chấp cụ thể; giải quyết được vấn đề xung đột thẩm quyền giữa Tòa án các nước ký kết, đồng thời bảo đảm lợi ích của các đương sự trong tố tụng dân sự quốc tế.

Tóm lại, có thể nói, việc đàm phán, ký kết các Hiệp định TTTP có ý nghĩa hết sức quan trọng, một mặt góp phần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp của Việt Nam và các nước, mặt khác tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh việc xử lý các yêu cầu TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ hoặc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, góp phần tích cực để giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh trong quan hệ giữa công dân, pháp nhân của Việt Nam và các nước.

PHẦN 2. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ VỀ NHU CẦU KÝ KẾT, GIA NHẬP CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ TRONG THỜI GIAN TỚI:

Như trên đã trình bày, Hiệp định TTTP song phương giữa Việt Nam và các nước là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, một mặt góp phần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp của Việt Nam và các nước, mặt khác tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh việc xử lý các yêu cầu TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ hoặc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, góp phần tích cực để giải quyết các tranh chấp và yêu cầu khác phát sinh trong quan hệ giữa công dân, pháp nhân của Việt Nam và các nước.

Nhu cầu đàm phán, ký kết, sửa đổi, bổ sung các Hiệp định tương trợ tư pháp là hoàn toàn khách quan và hết sức cấp thiết. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48 - NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW, hoàn thiện hệ thống các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương giữa Việt Nam và các quốc gia khác nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, tác giả xin đề xuất cần triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Rà soát lại các Hiệp định đã ký trước khi có Luật TTTP và tiến hành đàm phán sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế mới.

Tính đến thời điểm năm 2007 (trước khi có Luật Tương trợ tư pháp), Việt Nam đã ký 13 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý với 13 quốc gia. Phần lớn các Hiệp định này quy định xen kẽ, lồng ghép cả tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Xét về mặt nội dung, nhiều Hiệp định đã ký trước đây quy định cụ thể cả những quy phạm xung đột thống nhất để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp, hoạt động tương trợ tư pháp gồm có 4 lĩnh vực độc lập là dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, nên xu hướng chung hiện nay của Việt Nam và các nước là ký kết các Hiệp định theo từng lĩnh vực chuyên ngành (Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Hiệp định về dẫn độ, Hiệp định về chuyển giao người bị kết án), nội dung Hiệp định chỉ điều chỉnh các vấn đề mang tính nguyên tắc, thủ tục tương trợ tư pháp và dẫn chiếu đến luật tố tụng và nội dung của quốc gia ký kết.

Bên cạnh đó, đa phần các Hiệp định TTTP với các nước trước đây thuộc hệ thống XHCN được Nhà nước Việt Nam ký vào những năm 80, khi thể chế về TTTP của nước ta còn rất sơ sài. Sau khi Luật Tương trợ tư pháp được ban hành, một số quy định trong các Hiệp định đã được ký kết không còn phù hợp với quy định mới.

Như vậy, cùng với sự phát triển của thể chế về tư pháp quốc tế và đặc biệt là về TTTP, đặt ra nhu cầu phai tiến hành việc rà soát để kịp thời phát hiện ra những tồn tại, bất cập, những điểm không phù hợp của các Hiệp định đã ký trước đây nhằm đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hiện đại hóa các Hiệp định đã ký trước đây hoặc hoặc ký kết, gia nhập Hiệp định mới (nếu cần thiết) nhằm đảm bảo sự tương thích giữa các Hiệp định đó với Luật Tương trợ tư pháp, các Hiệp định đa phương về TTTP cũng như phù hợp với thực tiễn triển khai công tác tương trợ tư pháp.

2. Tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết Hiệp định TTTP với các nước, ưu tiên các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống và đặc biệt các nước có nhiều công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài được thực hiện trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai quốc gia; trong trường hợp chưa có Hiệp định thì sẽ thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác tương trợ tư pháp cho thấy kết quả thực hiện các hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam hầu như chỉ có từ các nước có Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/10/2009, Bộ Ngoại giao đã chuyển 2.274 hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam cho Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để yêu cầu thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng đều không có thông tin trả lời.[21]

Trong khi đó, với rất nhiều quốc gia có đông công dân Việt Nam sinh sống, lao động và học tập như: Hoa Kỳ, Ôx-trây-lia, Nhật Bản, Ấn Độ… thì Việt Nam lại chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp. Trên thực tế, số lượng các yêu cầu TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ hoặc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và các quốc gia này là rất lớn nhưng không được thực hiện.  Đặc biệt, theo quy định của một số quốc gia (như Ấn độ chẳng hạn), các yêu cầu TTTP của một nước sẽ không được thực hiện nếu giữa nước đó và Ấn độ chưa có Hiệp định TTTP. Trên thực tế, các ủy thác tư pháp của Việt Nam đều bị phía Ấn độ trả lại do chưa có Hiệp định TTTP giữa hai nước. Phía Bạn cũng mong muốn hai nước sớm tiến hành đàm phán được Hiệp định TTTP, tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác TTTP giữa hai nước.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc tới một thực tế là trái ngược với tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam tại các nước chưa có Hiệp định TTTP, yêu cầu TTTP của các nước này lại được thực hiện rất tích cực tại Việt Nam trên nguyên tắc có đi có lại, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế và quan hệ ngoại giao giữa hai Nhà nước. Theo thống kê từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp, trong 2 năm gần đây[22], Việt Nam chưa bao giờ viện dẫn lý do không có điều ước quốc tế để từ chối thực hiện yêu cầu TTTP của nước ngoài.  Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 50 Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chỉ riêng trong 1,5 năm - từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/12/2009, trong khi các Tòa án Việt Nam  đã thực hiện xong 175/ 210  yêu cầu TTTP của nước ngoài (chiếm 83,3%), thì số lượng hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam (chủ yếu là các yêu cầu tống đạt hồ sơ ly hôn, giấy triệu tập, hồ sơ, bản án, xác minh tên và địa chỉ của đương sự) được thực hiện ở nước ngoài lại chỉ là 16/2.683 yêu cầu (chiếm 0,6%)[23].

Kết quả trái ngược nêu trên cho thấy ủy thác tư pháp của Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian qua không đạt hiệu quả. Theo thống kê của các Tòa án, hiện nay riêng trong lĩnh vực TTTP về dân sự, số lượng ủy thác tư pháp còn tồn đọng cần gửi tới/ hoặc chưa có kết quả thực hiện từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ôx-trây-lia, Canada.. là gần chục ngàn hồ sơ. Tình trạng này dẫn đến hậu quả là các vụ việc dân sự có liên quan phải tạm đình chỉ và đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam cũng như nước ngoài có liên quan.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết mới các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước, trong đó ưu tiên các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống và đặc biệt các nước có nhiều công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bên.

3. Xúc tiến việc ký kết, phê chuẩn, gia nhập các điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực TTTP

Như đã trình bày ở trên, trong xu thế hiện nay, cơ chế hợp tác đa phương đang là sự lựa chọn ưu tiên của các quốc gia phát triển trên thế giới. Các điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực TTTP sẽ tạo ra một cơ chế thực thi chung, có hiệu quả cho các quốc gia thành viên trong việc hợp tác, hỗ trợ nhau khi giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp.

a.  Trong khu vực ASEAN

* Tiếp tục triển khai thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các quốc gia thành viên ASEAN

Hiệp định TTTP trong lĩnh vực hình sự giữa các quốc gia thành viên ASEAN đã được Việt Nam ký kết và phê chuẩn. Việc xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định này giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là hết sức cần thiết.

* Thực hiện các sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại

Bộ Tư pháp cần xúc tiến chủ trì tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm triển khai sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM) lần thứ 6 vào tháng 9/2005 tại Hà Nội, trước mắt là thực hiện các hoạt động với tư cách là chủ trì Nhóm công tác ASEAN về tăng cường TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại, cụ thể như sau:

- Tổ chức các hội thảo/hội nghị khu vực nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin pháp luật của các nước ASEAN về TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại, đặc biệt là pháp luật về hợp pháp hóa các giấy tờ, tài liệu và nghiên cứu tác động của việc miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu;

- Rà soát, tổng hợp, phân tích, đánh giá, so sánh pháp luật của các nước ASEAN về TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại, tập trung vào pháp luật về hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu dùng trong tương trợ tư pháp;

-  Nghiên cứu, xây dựng Hiệp định song phương mẫu về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu, làm nền tảng cho việc xây dựng thỏa thuận khu vực về lĩnh vực này.

* Phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên Hiệp hội cập nhật và thông tin thường xuyên tiến độ các hoạt động

Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an cần tiếp tục phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên Hiệp hội cập nhật và thông tin thường xuyên tiến độ các hoạt động mà các nước trong khu vực đang tiến hành nhằm hoàn thiện và phát triển pháp luật về tương trợ tư pháp.

* Khuyến khích và tham gia tích cực các diễn đàn pháp luật ASEAN cũng như các hội nghị quốc tế khu vực về tương trợ tư pháp

Khuyến khích và tham gia tích cực các diễn đàn pháp luật ASEAN cũng như các hội nghị quốc tế khu vực về tương trợ tư pháp, đặc biệt là các Hội thảo liên quan đến thúc đẩy hài hòa hóa pháp luật về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước, góp phần trực tiếp thúc đẩy thương mại trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

c. Trong khuôn khổ các thiết chế toàn cầu

* Trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ:

Tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế TTTP đa phương mà Nhà nước ta đã tham gia  trong lĩnh vực hình sự (về kiểm soát ma tuý, về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia).

Tăng cường sự phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố quốc tế với các tổ chức INTERPOL, ASEANPOL,... với cảnh sát các nước láng giềng và khu vực, với cảnh sát một số quốc gia có nhiều công dân Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Tích cực hoàn tất các thủ tục để tham gia nhiều hơn nữa các Công ước về chống khủng bố của Liên Hợp quốc như: Công ước về chống tài trợ cho khủng bố năm 1999, Công ước về chống bắt cóc con tin năm 1979, Công ước về trừng trị tội khủng bố quốc tế bằng bom thư năm 1997…

* Trong lĩnh vực dân sự - thương mại

Bộ Tư pháp cần tích cực triển khai các hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm tiền đề cho việc gia nhập các Công ước Lahay về tư pháp quốc tế, cụ thể là:

d. Tổ chức các hội nghị, hội thảo về tư pháp quốc tế

Chủ động huy động và tận dụng thêm nguồn hỗ trợ quốc tế để tổ chức tại Việt Nam các hội nghị, hội thảo về tư pháp quốc tế để tìm hiểu thêm về cơ chế tương trợ tư pháp đa phương trong khuôn khổ Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế, đặc biệt là 02 Công ước về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, Công ước về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, các kinh nghiệm, kỹ năng trong việc soạn thảo, đàm phán để thống nhất nội dung điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp…

e  Tăng cường tham gia các sự kiện do Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế tổ chức

Cử đại diện của Việt Nam tham dự các Hội nghị /Hội thảo/ cuộc họp của Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế; tham gia đàm phán (trước mắt với tư cách là nước quan sát viên) các Công ước của Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế và các diễn đàn quốc tế khác liên quan đến tương trợ tư pháp trong cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Thực tế cho thấy, muốn gây ảnh hưởng và tạo quyền lợi lâu dài trong việc gia nhập các Công ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì chúng ta nên tham dự ngay từ quá trình soạn thảo văn kiện đó. Có như vậy, chúng ta mới có cơ hội đề xuất dự thảo Công ước theo hướng phù hợp với pháp luật Việt Nam và tạo thuận lợi nhiều nhất cho công dân nước mình.

f. Hoàn thiện các đề án gia nhập tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và Công ước quốc tế về tương trợ tư pháp

Hoàn thiện việc nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc gia nhập Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế và các Công ước của tổ chức này, trước hết là Công ước Lahay ngày 05/10/1961 về xoá bỏ các yêu cầu về hợp pháp hóa giấy tờ tài liệu công vụ và Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại.

4.  Nghiên cứu, triển khai các Đề án xây dựng Hiệp định khung về tương trợ tư pháp trong từng lĩnh vực cụ thể

Cần sớm triển khai xây dựng Hiệp định khung về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, Hiệp định khung về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Hiệp định khung về dẫn độ, Hiệp định khung về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù để làm cơ sở cho việc đàm phán, ký kết các Hiệp định trong tương lai.

5. Hoàn thiện quy trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nói chung, Hiệp định tương trợ tư pháp nói riêng

a. Sửa đổi một số điều của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế

Đề nghị sửa đổi quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về quy trình thẩm định điều ước quốc tế theo hướng cho phép thẩm định điều ước quốc tế sau khi tiến hành vòng đàm phán thứ nhất vì lý do sau:

Theo quy định tại Điều 20 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, điều ước quốc tế phải được thẩm định trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế, nghĩa là trước thời điểm tổ chức vòng đàm phán thứ nhất. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp đối với việc đàm phán, gia nhập điều ước quốc tế đa phương. Đối với việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế song phương như các Hiệp định tương trợ tư pháp thì cần áp dụng quy trình khác vì trên thực tế, chỉ sau khi kết thúc vòng đàm phán đầu tiên, các Bên mới có thể nắm được tương đối đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Bên kia về việc đàm phán, ký kết cũng như về các nội dung cơ bản của dự thảo điều ước quốc tế. Trong nhiều trường hợp, dự thảo điều ước quốc tế sau vòng đàm phán thứ nhất có nội dung khác hơn rất nhiều so với dự thảo điều ước quốc tế được chuẩn bị để trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.

Việc tiến hành thẩm định trước vòng đàm phán thứ nhất sẽ hạn chế tính chủ động, linh hoạt của đoàn đàm phán, đặc biệt là trong trường hợp có khác biệt cơ bản về quan điểm xây dựng dự thảo giữa Việt Nam và Bạn.

Do vậy, đề xuất của tác giả là cần sửa đổi các quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế của CHXHCN Việt nam theo hướng cho phép áp dụng linh hoạt quy trình, thủ tục đàm phán, ký kết ĐƯQT. Cụ thể là đối với các điều ước đa phương, việc thẩm định không nhất thiết phải được tiến hành trước khi tiến hành đàm phán, ký (Khoản 1 Điều 12 Luật ĐƯQT) với các lý do như đã trình bày ở trên.

Việc thay đổi quy trình thẩm định (sau vòng đàm phán thứ nhất) như đề xuất nêu trên của tác giả, về bản chất không ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung, cơ sở pháp lý của Dự thảo Hiệp định. Thực chất việc sửa đổi quy trình không làm bỏ qua bất kỳ một khâu nào trong các thủ tục trình đàm phán, ký đã được quy định tại Luật ĐƯQT, mà chỉ điều chỉnh thời gian, quy trình thẩm định Dự thảo Hiệp định cho phù hợp hơn với thực tiễn xây dựng ĐƯQT. Nếu không sửa đổi quy trình thẩm định, mà vẫn bắt buộc phải tiến hành công việc này trước khi đàm phán, thì Điều 12 của Luật ĐƯQT chắc chắn sẽ làm hạn chế khả năng linh hoạt của Đoàn đàm phán Chính phủ trong quá trình thảo luận với các đối tác.

b.  Về việc lấy ý kiến thành viên Chính phủ

Một số ý kiến cho rằng trước khi trình Chính phủ, dự thảo điều ước quốc tế (bao gồm cả dự thảo Hiệp định Tương trợ tư pháp) phải được lấy ý kiến thành viên Chính phủ tương tự như đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Về vấn đề này, quan điểm của tác giả là việc áp dụng quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong nước cho việc xây dựng, đàm phán các điều ước quốc tế là hoàn toàn không phù hợp. 

Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong nước, việc lấy ý kiến thành viên Chính phủ được thực hiện trước khi Chính phủ ký ban hành văn bản, hoặc trước khi Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nhằm mục đích thống nhất về nội dung văn bản. Nghĩa là dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được lấy ý kiến thành viên Chính phủ là dự thảo cuối cùng, đã hoàn thiện từ cơ quan soạn thảo.

Trong khi đó, đối với dự thảo điều ước quốc tế, việc trình Chính phủ theo quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (trình đàm phán, ký kết (Điều 12)) nhằm mục đích chính là xin chủ trương đàm phán, ký kết điều ước. Trong trường hợp này, dự thảo điều ước quốc tế hoàn toàn mang tính chất dự thảo, chưa phải là bản hoàn thiện cuối cùng để chuẩn bị trình ký. Trên thực tế, để có thể có được bản dự thảo hoàn thiện cuối cùng, Việt Nam và quốc gia có liên quan phải trải qua nhiều vòng đàm phán, trao đổi giữa hai bên. Hơn nữa, trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký kết, dự thảo điều ước quốc tế đã được các cơ quan chủ trì tiến hành lấy ý kiến thống nhất của các cơ quan có liên quan.

Bên cạnh đó, theo quy định của Điều 19 Luật Tổ chức chính phủ và Quy chế làm việc của Chính phủ thì việc quyết định đàm phán, ký kết điều ước quốc tế không thuộc phạm vi những vấn đề Chính phủ phải thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số.

Do vậy, đề nghị của tác giả là cần thống nhất quan điểm giữa các cơ quan có liên quan về việc không áp dụng quy trình lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo điều ước quốc tế. Việc lấy ý kiến thành viên Chính phủ, ngoài lý do không phù hợp với thực tiễn, còn không phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

c.  Về việc rà soát ngôn ngữ của văn bản Hiệp định TTTP

Theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm “rà soát, đối chiếu văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt với văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng nước ngoài" (Điều 10 và Điều 25). Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp, văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có sự không thống nhất, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Ví dụ như Hiệp định giữa Việt Nam và Séc về nhận trở lại công dân hai nước đã được ký vào ngày 12/9/2007. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Séc và báo cáo của Hội người Việt Nam tại Séc cung cấp cho Đoàn công tác liên ngành trao đổi về việc sửa đổi Hiệp định TTTP và pháp lý về hình sự và dân sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc cũ (hiện do Séc và Xlô-va-kia kế thừa), Hiệp định nhận trở lại công dân Việt Nam và Séc nêu trên có sự khác biệt về ngôn ngữ giữa bản tiếng Séc và bản tiếng Anh, bản tiếng Việt. Trong nhiều trường hợp, phía Séc đã áp dụng các quy định trong bản tiếng Séc (không thống nhất với ngôn ngữ của bản tiếng Anh và bản tiếng Việt) để đưa ra các biện pháp giải quyết không có lợi cho công dân Việt Nam. Để bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam trong giai đoạn trước mắt, Đại sứ quán Việt Nam tại Séc đã trao đổi, thống nhất với cơ quan có thẩm quyền của Séc về việc áp dụng bản tiếng Anh khi giải quyết các trường hợp liên quan đến chuyển giao công dân hai nước, tuy nhiên cần có biện pháp giải quyết mang tính lâu dài hơn[24].

Do vậy, đề xuất của tác giả là đối với những Hiệp định, điều ước quốc tế được ký bằng ba ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng nước sở tại và tiếng trung gian), các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (đặc biệt là Bộ Ngoại giao) cần thực hiện việc rà soát, đối chiếu không chỉ giữa bản tiếng Việt và bản tiếng trung gian mà cả với bản tiếng nước sở tại để đảm bảo tính chính xác và sự thống nhất về hình thức và nội dung giữa các văn bản. 

KẾT LUẬN 

Tương trợ tư pháp quốc tế là một hoạt động phức tạp. Nội tại của hoạt động này chính là sự hỗ trợ của các cơ quan tư pháp các quốc gia trong việc giải quyết một vụ việc cụ thể về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Qua những phân tích ở trên có thể nhận thấy Hiệp định TTTP là công cụ pháp lý hữu hiệu và thiết thực nhất trong hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và các nước. Một mặt, Hiệp định TTTP làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, làm tăng cường khả năng và nghĩa vụ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của các quốc gia, mặt khác giúp cho việc giải quyết một yêu cầu tương trợ tư pháp cụ thể về dân sự, hình sự, dẫn độ hoặc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của một quốc gia này đối với một quốc gia khác được nhanh chóng, thuận tiện và mang đến hiệu quả cao. 

Nhu cầu đàm phán, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam là hết sức cần thiết và cấp bách. Với việc ngày càng mở rộng ký kết các Hiệp định Tương trợ tư pháp với những nước không có cùng chế độ chính trị-kinh tế- xã hội đối với Việt Nam ... và việc tham gia vào một số điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp, hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế của nước ta dần dần đã có những bước thay đổi tích cực đáng kể. Việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế song phương và đa phương về TTTP một mặt khẳng định Việt Nam sẵn sàng với những thách thức mới của thế giới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu cầu hóa sâu rộng hiện nay, mặt khác là minh chứng để thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực nói riêng và các nước trên thế giới nói chung trong việc cùng hỗ trợ nhau giải quyết những yêu cầu về tương trợ tư pháp trong cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù./.

 

Đặng Hoàng Oanh,  Vụ  Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

 

Bài có liên quan:

Tăng cường tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN: nâng tầm hợp tác khu vực với vai trò quan trọng của Việt Nam trong đề xuất Sáng kiến và điều phối triển khai

Kết thúc tốt đẹp Hội nghị lần thứ 13 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN

Kết thúc tốt đẹp đàm phán sửa đổi Hiệp định tương trợ TP và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp Khắc ký ngày 12/10/1982, đã được CH Séc và CH Xlô-va-kia kế thừa.

Đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại: Nhu cầu nội tại thiết thực, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ hợp tác giữa Việt Nam và An-giê-ri nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước

Kết thúc tốt đẹp đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND An-giê-ri và Bản Ghi nhớ về hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp hai nước

Đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại: Nhu cầu nội tại thiết thực, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ hợp tác giữa Việt Nam và An-giê-ri nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước

Việt Nam – An-giê-ri tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc)

Đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) 

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn chuyên gia của Bộ Tư pháp Anh đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại với Việt Nam

Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Hong Kong sẽ sớm được xúc tiến

Triển khai rà soát, sửa đổi Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Séc

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tiếp Ngài Chhuon Chantha, Phó Tổng Chưởng lý Tòa án tối cao Vương quốc Căm-pu-chia

Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN cam kết tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp

ASLOM 12 xem xét và thông qua một phần Sáng kiến mới về tự do hoá thương mại dịch vụ pháp lý giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN 12 thông qua kiến nghị của Nhóm Công tác ASEAN về hài hoà hoá pháp luật thương mại

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khai mạc Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4: Tăng cường hơn nữa tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực dân sự và thương mại

Các Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Tổng quan về Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế

Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại 

 


[1] Phần TTTP về hình sự và dẫn độ quy định tại 12 Hiệp định đó là:

1.      Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang CHXHCN Xô viết ký ngày 10/12/1981, nội dung về hình sự và dẫn độ quy định tại Chương III "Tương trợ tư pháp về hình sự dẫn độ" , gồm 16 điều từ Điều 53 đến Điều 68. Hiệp định này hiện nay Liên bang Nga đã kế thừa.

2.      Hiệp định giữa Việt Nam và Tiệp Khắc ký ngày 12/10/1982, nội dung về hình sự và  dẫn độ được quy định tại Phần III "Những vấn đề về hình sự", gồm 19 điều từ Điều 61 đến 79. Hiện nay Séc và Xlôvakia kế thừa Hiệp định này.

3.      Hiệp định giữa Việt Nam và Hungari ký ngày 18/01/1985, nội dung về hình sự và dẫn độ được quy định ở Chương I, phần 2 "Tương trợ tư pháp về hình sự" gồm 18 điều từ Điều 58 đến Điều 75.

4.      Hiệp định giữa Việt Nam và Bungari ký ngày 30/10/1986, nội dung về hình sự và dẫn độ được quy định tại Chương VIII "Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự" gồm 16 điều từ Điều 59 đến Điều 74.

5.      Hiệp định giữa Việt Nam và Cu Ba ký ngày 30/11/1984, nội dung về hình sự và dẫn độ được quy định tại Chương I, phần 3 "Luật hình sự" gồm 16 điều từ Điều 58 đến Điều 73.

6.      Hiệp định giữa Việt Nam và Ba Lan ký ngày 23/3/1993, nội dung về dẫn độ quy định tại Phần thứ ba, Chương I "Dẫn độ" gồm 18 điều từ Điều 52 đến Điều 69 và Chương II "Quá cảnh và những quy định khác về hình sự" gồm 6 điều từ Điều 70 đến Điều 75.

7.      Hiệp định giữa Việt Nam và Lào ký ngày 06/7/1998, nội dung về dẫn độ được quy định tại Chương III "Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự", phần II "Dẫn độ người phạm tội" gồm 18 điều từ Điều 59 đến Điều 76.

8.      Hiệp định giữa Việt Nam và Ucraina ký ngày 06/4/2000, nội dung về dẫn độ quy định tại Chương III "Tương trợ tư pháp và quan hệ pháp lý về các vấn đề hình sự" gồm 15 điều từ Điều 48 đến Điều 62.

9.      Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga ký ngày 25/8/1998, nội dung về dẫn độ quy định tại Phần thứ ba "Các vấn đề hình sự", Chương II "Dẫn độ để truy tố hình sự và thi hành án" gồm 16 điều từ Điều 62 đến Điều 77.

10.  Hiệp định giữa Việt Nam và Mông Cổ ký ngày 17/4/2000, nội dung về dẫn độ được quy định tại Phần thứ ba "Tương trợ tư pháp về hình sự" gồm 16 điều từ Điều 54 đến Điều 69.

11.  Hiệp định giữa Việt Nam và Bêlarút ký ngày 14/9/2000, nội dung về dẫn độ được quy định tại Chương II "Dẫn độ để truy tố hình sự và thi hành án" gồm 17 điều từ Điều 69 đến Điều 85.

12.  Hiệp định giữa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, nội dung về dẫn độ được quy định tại Phần 2 "Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự" gồm 12 điều từ Điều 33 đến Điều 44. 

[2] Hiệp định này đang được hai nước làm thủ tục phê chuẩn.

[3] Đây là các điều ước quốc tế song phương đầu tiên về hình sự mà Việt Nam ký kết với một quốc gia khác.

[4] Đây là các điều ước quốc tế song phương đầu tiên về dẫn độ mà Việt Nam ký kết với một quốc gia khác.

[5] Hiệp định có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ Vương quốc Anh và Bắc Ai-len gồm các vùng lãnh thổ mà Anh có chủ quyền (Anguillla, Bermuda, British, Antactic, British Indian Ocean, đảo British Virgin, đảo Cayman, đảo Falkland, Gibraltar, Montserrat, đảo Pitcaim, Saint Helena và các đảo lệ thuộc, đảo Nam Georgia và Nam Sandwich, đảo Turks và Caicos).

[6] Tên đầy đủ của Hiệp định với Thái Lan là “Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự”

[7]Như chú thích 1 

[8] Các Hiệp định với Hàn Quốc và Angerri đang được hai nước làm thủ tục phê chuẩn.

[9] Đây là các điều ước quốc tế song phương đầu tiên về hình sự mà Việt Nam ký kết với một quốc gia khác.

[10] Như chú thích 1

[11] Đây là các điều ước quốc tế song phương đầu tiên về dẫn độ mà Việt Nam ký kết với một quốc gia khác. Tại thời điểm này, Hiệp định với Angeri đang được hai nước tiến hành các thủ tục trình phê chuẩn.

[12] Về nhu cầu tăng cường  TTTP giữa các nước ASEAN, đề nghị xem thêm Đặng Hoàng Oanh -  1) “Tăng cường tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN: nâng tầm hợp tác khu vực với vai trò quan trọng của Việt Nam trong đề xuất Sáng kiến và điều phối triển khai”, 2) Kết thúc tốt đẹp Hội nghị lần thứ 13 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp http://www.moj.gov.vn, ngày 1- 3/5/2010  

[13] Vấn đề này được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng các quy định của Bộ luật TTDS về công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài còn nhiều bất cập. Cụ thể về  những tồn tại này và hướng xử lý, đề nghị  xem thêm Đặng Hoàng Oanh: Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005 về  nguyên tắc công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài”, đăng trên Cỏng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, http://www.moj.gov.vn ngày 30/7/2010 hoặc truy cập địa chỉ http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Lists/Nghin%20cu%20trao%20i/View_Detail.aspx?ItemID=2774 

[14] Chi tiết về vấn đề công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, xem thêm Đặng Hoàng Oanh, “Recognition and enforcement of foreign arbitral awards: a look for a comparable regime for Viet Nam - Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài: thử tìm một cơ chế thích hợp cho Việt Nam” - Luận văn Thạc sỹ Khoa Sau Đại học Luật, Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật bản, lưu tại Thư viện Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật bản; tr. 45 – 56.; Đặng Hoàng Oanh, “ Vietnamese Regime on Recognition and enforcement of foreign arbitral awards - Pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài, Tạp chí Griffin’s View về Luật Quốc tế và So sánh của Hà Lan (Amsterdam), Tháng 2.  2003.

[15] Angeri đã ký gần 100 Hiệp định TTTP với các nước, trong đó có gần 40 Hiệp định về TTTP trong lĩnh vực dân sự, thương mại.

[16] Thực tế hiện nay có sự không thống nhất trong quy định của pháp luật Việt Nam về giá trị pháp lý của các văn bản công chứng, chứng thực. Cụ thể là trong Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định về việc các bên có quyền yêu cầu Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ nếu bên có nghĩa vụ trong văn bản công chứng không thực hiện nghĩa vụ, trong đó có việc yêu cầu công nhận và thi hành các văn bản công chứng, chứng thực của nước ngoài; nhưng theo Luật Công chứng thì văn bản công chứng cũng có hiệu lực thi hành đối với các bên, và trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật. Như vậy, đề xuất của phía Angeri về việc công nhận và thi hành các công chứng thư là phù hợp với Luật Công chứng, nhưng lại chưa tương thích với  Bộ Luật Tố tụng dân sự. Về vấn đề này, xem thêm Báo cáo kết quả đàm phán Hiệp định TTTP về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và nước CH Dân chủ và Nhân dân Angeri”, tháng 3/2010 (Trưởng đoàn đàm phán phán của Chính phủ Việt Nam: Bà Đặng Hoàng Oanh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp). 

[17] Xem “Báo cáo kết quả đàm phán sửa đổi Hiệp định TTTP và pháp lý về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp khắc” (ký năm 1982) – Trưởng đoàn công tác liên ngành của Chính phủ Việt Nam: Bà Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT Bộ Tư pháp; tháng 4/2010.  

[18] Xem “Báo cáo kết quả đàm phán Hiệp định TTTP về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Hàn Quốc”, tháng 10/2009 (Trưởng đoàn đàm phán phán của Chính phủ Việt Nam:Bà Đặng Hoàng Oanh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp); “Báo cáo kết quả đàm phán Hiệp định TTTP về dân sự, thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len”, tháng 11/2009 (Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam: Ông Hoàng Phước Hiệp – Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp);

[19]Chủ yếu là Hiệp định đã ký với các nước XHCN trước đây.

[20] Các Hiệp định được đàm phán và ký trong thời gian gần đây với các nước không cùng hệ thống XHCN trước đây. 

[21] Công văn của Bộ Ngoại giao số 3932/BNG-LS ngày 29/10/2009 gửi Bộ Tư pháp thông báo tình hình thực hiện Luật Tương trợ tư pháp của Bộ Ngoại giao .

[22] Với các năm trước đây, do hiện tại các cơ quan chưa tiến hành tổng kết nên chưa có các số liệu cụ thể.

[23] Công văn của Tòa án nhân dân tối cao số 58/TANDTC-HTQT ngày 27/5/2010  gửi Bộ Tư pháp thông báo tình hình thực hiện Luật Tương trợ tư pháp.

[24] Xem “Báo cáo kết quả đàm phán sửa đổi Hiệp định TTTP và pháp lý về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Tiệp khắc” (ký năm 1982) – Trưởng đoàn công tác liên ngành của Chính phủ Việt Nam: Bà Đặng Hoàng Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT Bộ Tư pháp; tháng 4/2010.