Chưa có bộ phận chuyên trách
Rất khó khăn nếu như ở cơ quan tư pháp (cụ thể là Sở Tư pháp) không có một đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nói đúng hơn, người dân sẽ ở thế “chông chênh” khi không có một cơ quan quản lý về bồi thường nhà nước đứng sau họ. Luật TNBTCNN đã giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án. Nghị định 16/2010/NĐ-CP ngày 3/3/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN đã chỉ rõ: Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương.
Thực hiện các quy định này, cùng với việc tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung cơ bản của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, nhiều địa phương đã sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự bước đầu để tiếp nhận các hồ sơ yêu cầu bồi thường. Giám đốc Sở Tư pháp Hưng Yên Trần Quốc Toản cho biết: mảng việc này đã được giao cho một cán bộ của Phòng Hành chính tư pháp đảm nhiệm, còn với các Sở ngành, đề nghị phân công cán bộ theo dõi, giải quyết công việc.
Tương tự, Quảng Ngãi cũng chưa thành lập phòng chuyên môn vì hiện tại còn đang thiếu biên chế (cả Sở chỉ có 21 cán bộ với 6 phòng chuyên môn, biên chế hiện tại chỉ đủ “bộ khung”) do đó phần việc về bồi thường nhà nước được giao cho một cán bộ của Thanh tra Sở. “Từ khi triển khai Luật, chúng tôi cũng chưa nhận được một hồ sơ nào yêu cầu bồi thường” Giám đốc Sở Tư pháp Bùi Thị Lệ Thủy thông tin. Bà Thủy cho biết thêm: hiện Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh ra Chỉ thị triển khai luật này để làm rõ và tăng cường sự phối hợp với các ngành liên quan.
Tại báo cáo chuyên đề 6 tháng triển khai Luật TNBTCNN, Bộ Tư pháp cũng nhận xét: việc phân công, bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường, mặc dù đã được Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương coi đây là khâu quan trọng có ý nghĩa to lớn trong việc thực thi Luật nhưng do thiếu biên chế nên chưa thể thành lập được bộ phận chuyên trách để thực hiện công tác này.
Trong bối cảnh như vậy, một số địa phương đã có sáng kiến giao nhiệm vụ này cho Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Thái Bình), Phòng Theo dõi thi hành pháp luật hoặc một đơn vị khác trong Sở. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời nên hiệu quả chưa cao.
Do thiếu biên chế
Bồi thường nhà nước là lĩnh vực mới đối với các cơ quan tư pháp địa phương. Mặc dù đã cố gắng hình thành các đầu mối tiếp nhận công việc tuy nhiên đến nay nhân sự của các Sở Tư pháp vẫn là kiêm nhiệm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu biên chế.
Giám đốc Sở Tư pháp Hưng Yên Trần Quốc Toản cho biết thêm: hiện tại Sở này chỉ có gần 30 biên chế, chia đều cho 7 phòng chuyên môn (đây là con số đã được kiện toàn thời gian gần đây), do đó việc bố trí chuyên trách ở thời điểm này là chưa thể.
Nhiều địa phương trong tình trạng tương tự: khi quỹ biên chế còn eo hẹp, thì ngay lập tức không thể xin thêm vì vấn đề này do... UBND quyết.
Khác với các tỉnh đồng bằng, mặc dù được tỉnh “cho” biên chế nhưng Sở Tư pháp Hà Giang lại không thể kiếm đâu ra người (nhiệm vụ về bồi thường nhà nước hiện được giao cho cán bộ Phòng theo dõi thi hành pháp luật). “Có những lần Sở Tư pháp đăng thông báo thi tuyển, đợi mãi không có hồ sơ nào đăng ký. Tình trạng như vậy đã diễn ra nhiều năm nay. Hiện Sở Tư pháp đang thiếu hơn 10 người nhưng vẫn không tuyển được”, một lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Giang cho biết.
Trong khi chưa có quyết định chính thức của Chính phủ về việc thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường, và khi biên chế cho các cơ quan tư pháp còn đang khó khăn, chưa thể giải quyết một sớm một chiều, Bộ Tư pháp kiến nghị với Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương tạm thời phân công cán bộ để phụ trách công tác này, khắc phục tình trạng có việc mà không có cán bộ tổ chức thực hiện.
Huy Hoàng
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
…c) Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường;
d) Định kỳ sáu tháng và hàng năm thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện bồi thường trong phạm vi do mình quản lý, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
2. Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương theo quy định tại Điều này.
(Trích điều 24 Nghị định 16/2010/NĐ-CP ngày 3/3/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN) |