Đã hơn 1 năm có hiệu lực thi hành, nhưng Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 mới thực sự được triển khai trong cuộc sống mấy tháng gần đây. Theo Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất, chiếm phần lớn thời gian là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Chú trọng hoàn thiện thể chế
Ngay sau khi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 4 và được sự nhất trí của các Bộ ngành liên quan, ngày 29/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 4204/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật. Trong Kế hoạch, nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch được đặt lên hàng đầu với vai trò chủ trì của Bộ Tư pháp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư pháp đã làm tốt phần việc của mình theo Kế hoạch. Cụ thể, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; ban hành Thông tư liên tịch số 05 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an ngày 01/3/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 78; ban hành Thông tư số 08 ngày 25/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn mẫu giấy tờ về quốc tịch và mẫu sổ tiếp nhận các việc về quốc tịch. “Chỉ riêng việc hoàn thiện thể chế đã mất khoảng 8 - 9 tháng rồi, còn việc triển khai thi hành Luật trong thực tế đời sống mới chỉ tiến hành mấy tháng nay thôi và kết quả ban đầu là khả quan”, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất khẳng định.
Cũng theo Kế hoạch, Bộ Tư pháp là đầu mối tuyên truyền phổ biến Luật và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho số cán bộ, chuyên viên làm công tác quốc tịch ở trong nước. Chương trình tập huấn căn cứ vào tình hình đặc điểm của từng vùng miền mà có chuyên đề liên quan sát với thực tế. Chẳng hạn, với khu vực miền Trung và Tây Nguyên tập huấn hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 31 ngày 20/8/2008 của Thủ tướng về giải quyết hộ tịch, quốc tịch cho đồng bào cư trú dọc 2 biên giới Việt - Lào; với các tỉnh phía Nam hướng dẫn chuyên đề giải quyết quốc tịch cho người dân Campuchia tỵ nạn đang cư trú tại địa bàn.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phổ biến cho người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đối tượng là cán bộ làm công tác quốc tịch tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa được chú trọng. Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan chủ trì phần việc này là Bộ Ngoại giao chưa có báo cáo chính thức về việc thực hiện Kế hoạch. Được biết, để đẩy mạnh triển khai Kế hoạch, sắp tới đây, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức một số hội nghị tập huấn ở những nước đông kiều bào Việt Nam sinh sống.
Luật đang bị hiểu sai?
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 ra đời có độ “thoáng” hơn một chút so với Luật 1998 trong thực hiện nguyên tắc 1 quốc tịch. Luật 2008 mở rộng những trường hợp cho phép có thể được giữ 2 quốc tịch nhưng phải thực sự đặc biệt như có công lao đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, có lợi cho Nhà nước Việt Nam…
Sau khi Luật 2008 ra đời, khá nhiều người nộp hồ sơ, liên hệ qua email, gọi điện thoại hỏi về việc trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời được giữ quốc tịch nước ngoài. Không ít người ngộ nhận rằng Luật 2008 có chủ trương mở đại trà: ai đã mất quốc tịch Việt Nam, giờ đều có thể trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời vẫn giữ được quốc tịch nước ngoài. Như vậy, có thể nói cách hiểu Luật 2008 cho phép mở rộng đại trà 2 quốc tịch của một số kiều bào Việt Nam cũng cho thấy việc tuyên truyền phổ biến cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn rất hạn chế.
Ông Thất nhấn mạnh: Có tình trạng này là do chưa hiểu hết, hiểu rõ về Luật Quốc tịch Việt Nam. Nhiều người quan tâm đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng trên thực tế là không giải quyết. Chỉ là những trường hợp thật đặc biệt mà Luật đã quy định rồi thì có thể trở lại quốc tịch Việt Nam mà không bắt buộc phải thôi quốc tịch nước ngoài. “Anh có quốc tịch Đức, đã xin thôi quốc tịch Việt Nam, rồi nghe nói Luật Quốc tịch cho trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời vẫn giữ quốc tịch Đức thì đó là không được vì tinh thần của Luật vẫn là nguyên tắc 1 quốc tịch”, ông Thất phân tích.
Không những thế, việc giải quyết nhập tịch đồng thời được giữ quốc tịch gốc cho một số cầu thủ nước ngoài cũng có thể coi là một câu chuyện “nóng” trong quá trình chuẩn bị thi hành Luật 2008. Trước khi Luật có hiệu lực, đã có 14 cầu thủ đang thi đấu tại các câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam được nhập tịch. Việc giải quyết nhập quốc tịch cho số cầu thủ trên theo tiêu chí là có lợi cho bóng đá Việt Nam cùng với sự xác nhận của UBND tỉnh, của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, do chưa có đánh giá là thực sự có lợi cho bóng đá Việt Nam hay không nên Việt Nam đưa ra chủ trương hết sức hạn chế. Có điều, một số Sở Tư pháp vẫn tiếp nhận và gửi lên Bộ Tư pháp bất chấp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ. Vụ việc chính thức khép lại khi Chủ tịch nước có ý kiến chỉ đạo nói chung không giải quyết nữa, chỉ trừ những trường hợp thật đặc biệt, có lợi thực sự mới giải quyết nhập tịch.
Cẩm Vân