1. Khái quát về nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của của Bộ Tư pháp CHLB Đức:
1.1 Nhiệm vụ:
- Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật:
Bộ Tư pháp CHLB Đức có trách nhiệm toàn diện trong việc giúp chính phủ liên bang soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực cơ bản, bao gồm luật dân sự (luật nghĩa vụ, luật tài sản, luật gia đình và luật thừa kế), luật công ty và luật thương mại, luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và luật bản quyền, luật hình sự, các quy định pháp luật chuyên môn về hoạt động của thẩm phán, công tố viên, công chứng, luật sư và các công chức tư pháp cao cấp…
Ngoài ra, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp có trách nhiệm cùng với Bộ Nội vụ tư vấn cho chính phủ liên bang các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực luật hiến pháp và tranh tụng tại Toà Hiến pháp liên bang. Bộ Tư pháp cũng có trách nhiệm kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với luật quốc tế, luật của liên minh Châu Âu và luật pháp hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo bởi các bộ khác trước khi các đạo luật này được đệ trình lên chính phủ liên bang.
- Trong lĩnh vực quản lý hành chính:
Trong lĩnh vực quản lý tư pháp, Bộ Tư pháp liên bang có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về tổ chức, ngân sách, cơ sở vật chất và nhân sự của Bộ và các toà án liên bang thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Theo quy định hiện hành, Bộ Tư pháp liên bang quản lý 3/5 toà án liên bang và tham gia quản lý 04 toà án và cơ quan công tố khác.
1.2 Cơ cấu tổ chức:
Về cơ cấu quyền lực, đứng đầu Bộ Tư pháp liên bang là Bộ trưởng. Giúp việc cho Bộ trưởng có 01 Thư ký chịu trách nhiệm trong quan hệ với Thượng nghị viện, Hạ nghị viện và các đảng chính trị và 01 Thư ký đại diện cho Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu trong cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Bộ trưởng và 02 thư ký này tạo thành cơ cấu quyền lực chính trị của Bộ Tư pháp liên bang.
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp liên bang được chia thành 06 tổng cục quản lý các lĩnh vực hành chính, hệ thống tư pháp, luật dân sự, luật hình sự, luật kinh tế và thương mại, luật hiến pháp và hành chính, luật Châu Âu và luật quốc tế. Tổng cục được chia thành các cục, các cục được chia thành các phòng. Lãnh đạo đứng đầu tổng cục cũng được coi là 01 công chức chính trị có quyền lực sau Bộ trưởng và các thư ký trong quá trình ra các quyết định.
1. Một số kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng công chức của Bộ Tư pháp CHLB Đức:
Năm 1949, Bộ Tư pháp CHLB Đức đi vào hoạt động với 80 công chức. Tính đến tháng 11 năm 2009, Bộ Tư pháp đã có 623 công chức với 247 công chức có tư cách luật gia đầy đủ, số còn lại là cán bộ trung cấp. Tổng số nữ công chức là 105. Trong nhiều năm qua, công tác tuyển dụng công chức của Bộ Tư pháp liên bang được thực hiện chủ yếu thông qua 02 con đường là biệt phái và tuyển dụng mới công chức.
2.1 Kì thi quốc gia đối với sinh viên luật:
Theo quy định của pháp luật CHLB, để trở thành thẩm phán, công tố viên, luật sư, sinh viên luật các trường đại học phải hoàn thành chương trình đạo tạo đại học luật với thời gian đào tạo từ 4 - 4,5 năm. Để khắc phục những hạn chế từ những kiến thức khoa học pháp lý hàn lâm, học thuật, thiếu thực tế, sinh viên luật phải tham gia kỳ thi tuyển quốc gia lần 1, chương trình học tập thực tế trong 02 năm và kỳ thi tuyển quốc gia lần 2. Tại kỳ thi quốc gia lần 1, để thể hiện tính kết nối giữa kiến thức hàn lâm được đào tạo tại trường đại học với nhu cầu công tác tư pháp thực tế, thành phần Hội đồng kiểm tra lần 1 bao gồm các thẩm phán, công tố viên, luật sư giỏi và giáo sư các trường đại học. Do chỉ tập trung đánh giá sinh viên đã có đủ kiến thức thích hợp để đưa vào đào tạo các kiến thức thực tế nên đề thi chỉ đưa ra những vụ việc không phức tạp để kiểm tra kiến thức và cấu trúc tư duy của sinh viên. Theo đánh giá của Cục Khảo thí kỳ thi quốc gia bang Berlin, kỳ thi này thường có 30% thí sinh dự thi thi trượt. Qua kỳ thi quốc gia lần 1, sinh viên phải học thực tế 02 năm tại Toà án, cơ quan công tố, cơ quan hành chính, cơ quan đại diện tại nước ngoài và các văn phòng luật sư. Do chỉ tập trung đánh giá khả năng áp dụng kiến thức trong quá trình giải quyết các vụ việc thực tế của thí sinh, Hội đồng kiểm tra lần 2 chỉ có thẩm phán, công tố viên và luật sư. Đề thi lần 2 tập trung vào việc giải quyết một hồ sơ vụ việc phức tạp một cách toàn diện từ cách tiếp cận của thẩm phán, công tố viên và luật sư. Thí sinh phải thực hiện 7 bài thi viết trong 05 tuần, thời gian hoàn thành mỗi bài là 05 giờ, và 01 cuộc thi vấn đáp. Theo đánh giá của Cục Khảo thí kỳ thi quốc gia bang Berlin, kỳ thi này thường có 20% thí sinh dự thi thi trượt. Qua 02 kỳ thi quốc gia, sinh viên luật sẽ được công nhận có đủ tư cách luật gia đầy đủ để được tuyển dụng và hành nghề trong lĩnh vực tư pháp.
Nếu được tuyển dụng về Toà án, cơ quan công tố, người này phải thực tập từ 3-5 năm để đủ điều kiện được xem xét, bổ nhiệm thẩm phán, công tố. Về cơ bản, các cơ quan tư pháp, các hiệp hội tư pháp và các cơ sở đào tạo luật đánh giá cao và coi đây là một “bộ lọc” có chất lượng và hiệu quả đối với quá trình xây dựng đội ngũ công chức tư pháp của CHLB Đức.
2.2 Điều động công chức:
Một trong những nguồn công chức quan trọng trong lực lượng công chức của Bộ Tư pháp liên bang là những công chức là thẩm phán, công tố viên được điều động từ các Toà án về. Thời gian được điều động công tác tại Bộ Tư pháp liên bang là từ 3-5 năm. Bộ Tư pháp liên bang cho rằng đây là đội ngũ công chức đã giữ những chức danh tư pháp với vai trò độc lập, vì vậy phương pháp làm việc sẽ cởi mở, độc lập hơn trong quá trình trao đổi, tác nghiệp, không phụ thuộc quá nhiều vào lãnh đạo quản lý hành chính. Ngoài ra, việc kết hợp giữa điều động công chức đã có kinh nghiệm với tuyển dụng mới công chức cũng sẽ đảm bảo sự ổn định, kế thừa lâu dài trong đội ngũ công chức của Bộ, đảm bảo cơ cấu tuổi hợp lý. Ngoài ra, mô hình này giúp đưa những kiến thức thực tế vào công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là công chức sẽ phải tổ chức lại công việc khi mới được biệt phái, ngoài ra, thẩm phán, luật sư không thực sự có kinh nghiệm chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực nên công tác nghiên cứu có những hạn chế nhất định.
Đối với vị trí công tác này, các phòng, ban thuộc Bộ Tư pháp liên bang chỉ giao những công việc mang tính chuyên môn, nghiên cứu trực tiếp mà không giao tham gia các hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Sau thời gian biệt phái, các thẩm phán, công tố viên sẽ được tiếp nhận trở lại toà án. Nếu Bộ Tư pháp có nhu cầu tuyển dụng các thẩm phán, công tố viên này thì trưởng các phòng, ban sẽ nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm để làm căn cứ đề nghị tuyển dụng.
2.3 Tuyển dụng mới:
Một năm hai lần Bộ Tư pháp liên bang thông báo công khai nhu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng về Bộ Tư pháp các bang. Kỳ thi tuyển công chức được tổ chức mang tính cạnh tranh theo quy định của pháp luật công và pháp luật về công chức. Nói chung, tiêu chuẩn về chuyên môn đòi hỏi thí sinh phải thuộc tốp 15% thí sinh có điểm thi quốc gia lần 1 và lần 2 cao nhất.
Việc tuyển dụng công chức được dựa trên các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá nhân. Cần chú ý rằng ngoài các quy định của pháp luật về công chức, Bộ Tư pháp liên bang đã xây dựng riêng một bản phác hoạ những yêu cầu khung đối với các vị trí công việc, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về năng lực phương pháp, bao gồm: khả năng tổ chức công việc, tư duy phân tích, khả năng diễn đạt văn bản và phát biểu, năng lực xã hội, bao gồm: khả năng hoà nhập tập thể, cộng tác, khả năng giao tiếp, khả năng giải quyết mâu thuẫn và phê bình, năng lực cá nhân, bao gồm: khả năng chịu đựng trước áp lực công việc, cường độ công việc, tính kiên trì, tính trách nhiệm và sáng tạo.
Sau khi tuyển dụng, Vụ nhân sự của Bộ Tư pháp liên bang sẽ có một chương trình cụ thể về hỗ trợ các vị trí công tác để tiếp tục hỗ trợ các công chức này phát triển. Để được bổ nhiệm làm lãnh đạo, số công chức này được khuyến khích luân chuyển 4 năm 1 lần qua các vị trí công tác khác nhau như nghiên cứu, trợ lí, phát ngôn viên để học hỏi, rút kinh nghiệm và rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo.
Về bố trí công việc, đội ngũ công chức của Bộ Tư pháp được chia thành hai nhóm: nhóm công chức cao cấp và nhóm công chức trung cấp. Đối với Vụ nhân sự Bộ Tư pháp liên bang, chỉ có Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và 03 công chức nghiên cứu cao cấp. Đối với những công việc mà pháp luật đã quy định trình tự, thủ tục cụ thể, chi tiết thì chỉ bố trí công chức trung cấp thực hiện.
Nguyễn Xuân Tùng