Trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của các Thông tư hiện hành, đồng thời có sửa đổi, bổ sung những quy định mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra, nhất là sau khi hệ thống đăng ký trực tuyến đi vào hoạt động, dự thảo Thông tư được xây dựng với bố cục 3 Chương, gồm 22 Điều với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Dự thảo Thông tư dự kiến hướng dẫn về một số vấn đề sau đây: (1) Trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; (2) Trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ; (3) Trình tự, thủ tục thông báo việc kê biên tài sản thi hành án và cung cấp thông tin về tài sản kê biên.
2. Về thời điểm đăng ký (Điều 7)
Thời điểm đăng ký được quy định trên nguyên tắc sau: thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án được xác định là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, văn bản thông báo kê biên tài sản thi hành án được nhập vào Cơ sở dữ liệu.
Khi người yêu cầu đăng ký, Chấp hành viên có yêu cầu đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án thì thời điểm được xác định cụ thể áp dụng đối với từng trường hợp như thời điểm nội dung đơn, thông báo yêu cầu đăng ký thay đổi đó được nhập vào Cơ sở dữ liệu hoặc giữ nguyên thời điểm đăng ký, thông báo ban đầu.
3. Thực hiện ký đơn yêu cầu đăng ký (Điều 9)
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định đang thực hiện, cụ thể như sau:
Đơn yêu cầu đăng ký phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của tổ chức, cá nhân là các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng hoặc người được tổ chức, cá nhân đó uỷ quyền; của Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản hoặc người được uỷ quyền, trong trường hợp Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản là người yêu cầu đăng ký.
Trong một số trường hợp Đơn yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của một trong các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng hoặc người được bên này uỷ quyền, như một trong các bên không chịu ký vào đơn; yêu cầu đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm, rút bớt tài sản bảo đảm, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm; yêu cầu đăng ký bên bán trả chậm, trả dần, bên cho thuê tài sản, bên cho thuê tài chính, bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ.
4. Lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin (Điều 10)
Tại Điều 10 của Dự thảo Thông tư đã nêu rõ các cá nhân, tổ chức yêu cầu đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án phải nộp lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin, trừ các trường hợp sau đây:
- Xoá đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng; thông báo về việc kê biên tài sản và xoá thông báo về việc kê biên tài sản;
- Yêu cầu xác minh về tài sản dự định kê biên của Chấp hành viên.
5. Về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án (Điều 12, 13, 14, 15 và 16)
Dự thảo Thông tư quy định rõ về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án bao gồm: đăng ký (Điều 12); đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký, thông báo (Điều 13); sửa chữa sai sót do lỗi của người thực hiện đăng ký (Điều 14); xóa đăng ký, thông báo (Điều 15); đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm (Điều 16).
6. Về cung cấp thông tin (Điều 17, 18 và 19)
Dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục cung cấp thông tin (Điều 19) và quyền tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng đã đăng ký, thông tin về tài sản kê biên để thi hành án (Điều 18). Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đã đề cập đến giá trị pháp lý của Văn bản cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên để thi hành án có xác nhận của Trung tâm Đăng ký. Theo đó, Văn bản này có giá trị chứng cứ để Toà án xem xét khi giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật (Điều 17).
7. Những vấn đề liên quan đến điều khoản thi hành
Dự thảo Thông tư quy định về 4 nội dung chuyển tiếp, đó là:
- Trong trường hợp giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án còn hiệu lực đăng ký thì đơn yêu cầu đăng ký, văn bản thông báo kê biên chỉ chấm dứt hiệu lực khi có đơn yêu cầu xóa đăng ký hoặc văn bản xóa thông báo.
- Trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, Chấp hành viên thực hiện thông báo kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử mà muốn thực hiện đăng ký theo phương thức trực tuyến thì thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm.
- Trong trường hợp giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên đã đăng ký, thông báo theo quy định tại các Thông tư số 06/2006/TT-BTP, 03/2007/TT-BTP, Thông tư số 04/2007/TT-BTP và Thông tư số 07/2007/TT-BTP nhưng có yêu cầu đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký, thông báo, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, cấp bản sao, cung cấp thông tin thì thực hiện việc đăng ký, thông báo theo trình tự, thủ tục quy định tại Chương II của Thông tư này.
- Trong trường hợp thông báo kê biên tài sản thi hành án, thì khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay về việc kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 12 của Thông tư này.
Đối với thi hành án cấp quân khu, thi hành án dân sự tại các địa phương thuộc nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà không thể thông báo ngay về việc kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký thì thời hạn này được tăng thêm, nhưng không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định kê biên tài sản.
Trong trường hợp gửi Văn bản thông báo về việc kê biên tài sản cho Trung tâm Đăng ký theo đường bưu điện thì thời hạn năm ngày được tính theo dấu xác nhận gửi đi của Bưu điện.
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm