Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Việt Nam không có công dân hạng hai”

07/12/2009
Trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam về thông tin VFF hạn chế cầu thủ gốc ngoại đã nhập Quốc tịch Việt Nam ra sân ở V-League 2010, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, động thái này của VFF có phần chưa thấu tình, đạt lý.

“VFF LÀM VẬY LÀ SAI”

PV: Dư luận rất quan tâm tới ý kiến của Bộ Tư pháp xem việc VFF quy định mỗi CLB chỉ có một cầu thủ nhập tịch thi đấu trên sân ở V-League 2010 là đúng hay sai, ý kiến của Bộ trưởng thế nào?

*. Quy định của VFF không phải là văn bản quy phạm pháp luật do VFF là một hội nghề nghiệp. Nếu nó là văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của Bộ Tư pháp là phải kiểm tra về tính hợp hiến, hợp pháp. Ở hiệp hội, người ta có thể thỏa thuận với nhau ở mức độ nhất định về những vấn đề sẽ đáp ứng chung lợi ích của hiệp hội. Tuy nhiên, đứng về phương diện pháp luật, công dân VN bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ, không phân biệt đó là người gốc VN có quốc tịch VN hay là người nước ngoài nhập quốc tịch VN. Nói cách khác, ở Việt Nam không có công dân hạng hai và quyết định của VFF như vậy là không đúng.

PV: Nhưng VFF cho rằng họ làm như vậy chẳng qua cũng chỉ là để bảo vệ nền bóng đá còn non trẻ, tạo điều kiện cho cầu thủ nội ra sân?

*. Cầu thủ gốc ngoại đã nhập quốc tịch Việt Nam thì họ cũng là “nội” chứ. Chúng ta phải thấy rằng, trong những năm gần đây, nền bóng đá Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều và sự có mặt của các cầu thủ gốc ngoại nhập quốc tịch Việt Nam đóng góp không nhỏ vào sự tiến bộ đó.

PV: Dù sao thì VFF cũng vẫn lo nếu dễ dãi quá sẽ dẫn tới chuyện cầu thủ ngoại “ồ ạt” xin nhập quốc tịch Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

*. Có lẽ không nên lo như vậy. Việc nhập quốc tịch Việt Nam đối với bất cứ một công dân nào đều phải tuân theo các quy định pháp luật với những trình tự, thủ tục rất chặt chẽ. Việt Nam từ chỗ ít người biết tới, chưa nói bóng đá Việt Nam thì lại càng ít người quan tâm, nay được thế giới chú ý, được các cầu thủ có trình độ của nước ngoài tha thiết xin nhập quốc tịch Việt Nam để được chơi cho các CLB của mình, thì mình phải thấy đó là điều mừng chứ.

Trên thực tế, số lượng cầu thủ nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam cũng chưa nhiều. Trong thời gian từ năm 2005 cho đến tháng 6/2009, mới có 11 cầu thủ là người nước ngoài đang có hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam được Chủ tịch nước ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Hiện Bộ Tư pháp còn nhận được 10 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của cầu thủ nước ngoài đang có hợp đồng đá bóng với các Câu lạc bộ ở Việt Nam.

Phải tập quen với hệ quả của quá trình hội nhập

PV: Lại nói đến 10 hồ sơ cầu thủ ngoại đang xin nhập quốc tịch Việt Nam, hướng xử lý trong thời gian tới là như thế nào, chúng ta giải quyết theo tinh thần Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 hay Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, thưa Bộ trưởng?

*. Tôi chưa xem từng hồ sơ cụ thể nhưng nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo thì số hồ sơ này đã được gửi đến Bộ Tư pháp từ trước thời điểm Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Nghị định hướng dẫn thi hành luật mới có hiệu lực. Vì vậy, tinh thần là chúng ta sẽ tiếp tục giải quyết số hồ sơ này theo  các quy định ở giai đoạn chuyển tiếp.

PV: Nghĩa là 10 cầu thủ này không nhất thiết phải có thẻ thường trú, đã thường trú 5 năm tại Việt Nam và vẫn được vận dụng tiêu chuẩn ưu tiên quy định tại Điều 20 Luật 1998 “Có lợi cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?

*. Tiêu chuẩn ưu tiên thì Luật năm 1998 và Luật năm 2008 đều có. Tuy nhiên, Nghị định mới của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (có hiệu lực từ 10/11/2009 - PV) có quy định phải có thẻ  thường trú, nhưng không phải là cứng nhắc thường trú 5 năm. Những trường hợp có lợi cho Nhà nước, được xét ưu tiên thì thời gian có thể ngắn hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng nếu VFF vẫn còn muốn hạn chế cầu thủ ngoại và gốc ngoại ra sân mà tránh “đụng chạm” pháp luật thì thay vì quy định hạn chế cầu thủ gốc ngoại, VFF nên chuyển sang hướng quy định ngược lại là mỗi trận phải có tối thiểu 7 hoặc 8 cầu thủ “gốc nội”, được đào tạo tại các cơ sở đào tạo bóng đá Việt Nam?

*. Làm vậy cũng không được vì bản chất của quy định không thay đổi. Tôi nghĩ, chúng ta phải tập làm quen với những hệ quả của quá trình hội nhập. Phải thay đổi tư duy đi.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Thúy (thực hiện)