Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên: Tránh “dán mác” tội phạm cho trẻ em

03/12/2009
Việt Nam tuy đã có khung pháp lý về phòng ngừa tội phạm, nhưng vẫn chưa có chương trình quốc gia về phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên (NCTN). Vì thế, theo Ủy ban Quyền trẻ em về báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em tại Việt Nam, thì các hoạt động phòng ngừa tội phạm NCTN của Việt Nam đang không phù hợp với Hướng dẫn Riyadh. Vậy, bên cạnh Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Hướng dẫn Riyadh là gì và có tầm quan trọng như thế nào đến tiến trình “tất cả vì lợi ích trẻ em” ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?

Yêu cầu nỗ lực của toàn xã hội

Trong 20 năm qua, Liên hợp quốc đã không ngừng quan tâm đến mức độ gia tăng tội phạm nhanh chóng ở các vùng đô thị và việc Chính phủ thiếu khả năng cung cấp những dịch vụ cơ bản cho nhóm đối tượng này. Vì thế, Liên hợp quốc rất chú trọng đến việc cân đối giữa các biện pháp phòng ngừa và biện pháp can thiệp cho vấn đề tội phạm và bạo hành.

Trên cơ sở này, Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa tội phạm NCTN (gọi tắt là Hướng dẫn Riyadh ) đã được thông qua năm 1990 để nhằm đưa ra một phương pháp toàn diện và tích cực cho phòng ngừa tội phạm NCTN liên quan đến các khía cạnh cuộc sống của trẻ. Hướng dẫn Riyadh bao gồm cả việc xem xét vai trò của gia đình, trường học và cộng đồng, các cơ quan thông tin đại chúng, chính sách xã hội, luật pháp và hệ thống tư pháp NCTN đối với đời sống NCTN. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu, việc ưu tiên cho đối tượng NCTN có nguy cơ bị bỏ rơi, xao nhãng, bóc lột và xâm hại, thì phòng ngừa không chỉ đơn thuần được xem là một vấn đề xử lý các tình huống tiêu cực mà còn là biện pháp tăng cường tích cực phúc lợi xã hội nói chung và đời sống của trẻ nói riêng. Hay nói cách khác, Hướng dẫn Riyadh yêu cầu nỗ lực của toàn xã hội để đảm bảo sự phát triển hài hòa của NCTN.

Các quốc gia được Hướng dẫn Riyadh khuyến cáo phát triển các biện pháp can thiệp dựa vào cộng đồng để hỗ trợ phòng ngừa NCTN vi phạm pháp luật. Phòng ngừa nói chung bao gồm những kế hoạch phòng ngừa tổng thể ở các cấp, cơ chế điều phối giữa các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ, hệ thống theo dõi và đánh giá liên tục, sự tham gia của cộng đồng và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, Hướng dẫn Riyadh cũng yêu cầu “các tổ chức kiểm soát xã hội chính thức” chỉ nên sử dụng như một biện pháp cuối cùng.

Nhà trường không được hành hạ thể chất trẻ     

Như đã nói ở trên, Hướng dẫn Riyadh xem xét vai trò của gia đình, trường học và cộng đồng, các cơ quan thông tin đại chúng, chính sách xã hội, luật pháp và hệ thống tư pháp NCTN đối với đời sống NCTN. Điều này có nghĩa những nội dung của Hướng dẫn Riyadh mang tính bắt buộc về trách nhiệm đối với chính phủ, nhà trường và cộng đồng trong việc cung cấp dịch vụ cho trẻ em và gia đình.

Đối với Chính phủ, Hướng dẫn Riyadh yêu cầu Chính phủ phải xây dựng chính sách, chương trình và thực tiễn tránh hình sự hóa trẻ em, đặc biệt đối với những hành vi không gây hại. Để làm được điều này, Chính phủ phải điều phối các chương trình phòng ngừa tội phạm liên kết giữa các cấp và giữa các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ; giám sát và đánh giá các chương trình phòng ngừa để đảm bảo hiệu quả; cung cấp dịch vụ cho trẻ em có nguy cơ và gia đình. Đặc biệt, Hướng dẫn Riyadh cũng nhấn mạnh việc “dán mác”  tội phạm cho trẻ em là cần thiết phải tránh.

Đối với nhà trường, Hướng dẫn Riyadh yêu cầu nhà trường tăng cường khả năng riêng biệt của tất cả các trẻ em, khuyến khích, tôn trọng sự đa dạng; tăng cường bổn phận của học sinh với nhà trường; hỗ trợ trẻ em co nguy cơ bằng việc xây dựng và thực hiện các chương trình phòng ngừa, kết nối cộng đồng để hỗ trợ trẻ khi cần thiết. Hướng dẫn Riyadh cũng nhấn mạnh vấn đề giáo dục pháp luật cho trẻ em trong nhà trường thông qua giáo dục về Công ước quyền trẻ em; giáo dục trẻ em về quyền và trách nhiệm tuân thủ pháp luật; cho trẻ tham gia vào xây dựng các kỷ luật công bằng. Đặc biệt, cũng như với Chính phủ, Hướng dẫn Riyadh yêu cầu nhà trường tuyệt đối không sử dụng những kỷ luật nặng nề và hành hạ thể chất trẻ.

Đóng vai trò hỗ trợ cho Chính phủ và nhà trường thực hiện Hướng dẫn Riyadh, cộng đồng theo Hướng dẫn Riyadh có trách nhiệm hình thành những dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp thông qua việc xây dựng các biện pháp tham vấn và chăm sóc để hỗ trợ trẻ em

Khi người lớn chung tay

Các báo cáo thống kê tình hình tội phạm ở Việt Nam trong thời gian gần đây đều cho thấy số tội phạm NCTN đang gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tỷ lệ tái phạm cũng rất cao. Có nhiều lý do dẫn đến các hành vi phạm tội của NCTN ở Việt Nam. Đó là gia đình nghèo, học vấn thấp, cha mẹ ít quan tâm, bạo hành gia đình, thiếu tự trọng, bị bạn bè lôi kéo, áp lực trong học tập, xã hội...Bên cạnh đó, chiến lược phòng ngừa còn yếu cũng là một phần nguyên nhân.

Nhìn nhận được vấn đề này, trong thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để  xây dựng các biện pháp, chương trình  phòng ngừa tội phạm NCTN. Nhiều mô hình đã được áp dụng tại các tỉnh, thành.           Ví dụ như chương trình phòng ngừa, quản lý, giáo dục NCTN vi phạm pháp luật tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. Phường Lê Lợi nằm ở trung tâm thành phố Vinh, dân số đông và trên địa bàn có nhiều tụ điểm phức tạp về trật tự công cộng như bến xe, nhà ga và chợ. Vì thế, tình hình trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật rất phức tạp, trong số 20 đối tượng cần được quan tâm thì có em không nơi nương tựa vì bố mẹ đi tù, có em gia đình bố mẹ tan vỡ nên thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình, có em bỏ học, bị đuổi học...Từ tình hình này, năm 2000, chính quyền phường Lê Lợi đã thành lập Ban chỉ đạo bao gồm nhiều thành phần như công an, phụ nữ, cựu chiến binh...để xây dựng kế hoạch, mô hình phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật trên địa bàn phường. Các hoạt động đã được triển khai như đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng, tổ chức các chiến dịch thông qua các tổ chức như MTTQ, phụ nữ, thanh niên... để huy động quần chúng tham gia quản lý, giáo dục; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, công an, các tổ chức dân sự để giáo dục pháp luật cho các em. Đặc biệt, bên cạnh việc ký cam kết không làm trái pháp luật, toàn bộ số trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn phường đã được các tổ chức chính trị xã hội phân công nhận đỡ đầu giúp các em hòa nhập với cộng đồng.

Kết  quả, trong 3 năm thực hiện (2000-2003), đã có 13/20 em tiến bộ, thậm chí có em đã gia nhập quân đội, hoặc được học nghề và có công ăn việc làm ổn định. Không chỉ vậy, mô hình đã có tác dụng ngăn chặn, kìm hãm sự gia tăng tội phạm, nhất là tội phạm NCTN (cụ thể trong 3 năm đó chỉ phát sinh 5 em bị đưa vào diện quản lý giáo dục tại phường)

Hồng Minh

Mặc dù Việt Nam đã có những thành tựu được cộng đồng quốc tế công nhận trong việc bảo đảm các quyền của trẻ em, nhưng một số lĩnh vực vẫn chưa hoàn toàn được đáp ứng như: quyền học tập và vui chơi của trẻ em ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện đủ, văn hóa phẩm phù hợp với lứa tuổi trẻ em còn thiếu nhiều nên trẻ em dễ bị văn hóa phẩm độc hại làm ảnh hưởng, vấn đề bóc lột và xâm hại trẻ em vẫn xảy ra ở một số địa phương, gia đình... Đặc biệt, ở lĩnh vực pháp luật, hiện nay trong vấn đề bảo vệ trẻ em, NCTN vẫn còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái, trách nhiệm hỗ trợ của Nhà nước đối với các gia đình khó khăn không đủ điều kiện để nuôi dạy con cái. Mặt khác, công tác tuyên truyền pháp luật cho NCTN vẫn còn nặng nề về bề rộng, thiếu chiều sâu nên gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu truyền thông, giáo dục làm thay đổi hành vi.

Công ước quốc tế quyền trẻ em là một tài liệu chính cho biết các quyền của trẻ em trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong việc thực hiện quyền trẻ em là tăng cường sự phát triển đầy đủ và hài hòa về mặt thể chất, tinh thần và trí lực, nhân cách. Trẻ em cần được chuẩn bị để trở thành công dân trong một xã hội mà ở đó chúng phải biết tôn trọng quyền con người và những tự do cơ bản. Theo Công ước, lợi ích của trẻ sẽ không được đặt lên hàng đầu nếu như chúng phải lớn lên trong môi trường có nguy cơ phạm tội. Vì thế, bên cạnh Công ước, Hướng dẫn Riyadh đã quy định trách nhiệm của các nước thành viên Công ước về thiết kế chương trình và chính sách phòng ngừa tội phạm NCTN nhằm giảm nguy cơ trẻ em phạm tội.