Phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường: Bao giờ thoát khỏi khiên cưỡng?

30/11/2009
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường". Theo đó, không những phải tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, mà việc lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cũng phải phù hợp với tuổi, ngành nghề, vùng miền theo hướng kết hợp lý luận thực tiễn, học đi đôi với hành. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề vướng nhất hiện nay...

Dạy cho đủ, học cho xong

Bất kỳ ai bỏ công theo dõi dư luận, báo chí về hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học trước nay đều biết có thể đánh giá thực trạng của hoạt động này qua hiệu quả của môn học giáo dục công dân, bởi đây chính là môn học mang hơi thở pháp luật đến với nhà trường. Trước hết, cần biết, so với nhiều môn học khác thì môn GDCD là môn học mới, từ năm 2000 trở lại đây mới có sách giáo khoa và sách giáo viên (trước đó chỉ gọi là tài liệu). Có lẽ vì thế nên nội dung bài giảng bộ môn giáo dục pháp luật ở nhà trường vẫn rất quá khô khan, biên soạn cứng nhắc trên cơ sở bám sát văn bản pháp quy, không truyền cảm đối với cả hai đối tượng: người dạy và người học, dù tiêu chí đổi mới luôn được đặt lên hàng đầu. Mà đã không có cảm xúc, thì việc người dạy và người học miễn cưỡng dạy cho đủ, miễn cương tiếp thu bài để lấy điểm, để thi cử và sau đó, chẳng nhớ được bao nhiêu điều đã học cũng là dễ hiểu. 

Mặt khác, GDCD là môn học mới nên vẫn còn một bộ phận thầy cô giáo (ở THCS) chưa qua đào tạo để dạy. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo giáo viên dạy GDCD ở các trường sư phạm còn chậm đổi mới dẫn đến việc một số ít giáo viên chưa đam mê, thiếu sáng tạo, thiếu năng lực sư phạm... như lời nhận xét của PGS-TS Hà Nhật Thăng – Trưởng Tiểu ban xây dựng chương trình môn Đạo đức, GDCD, Chủ tịch Hội động Bộ môn của Bộ GD-ĐT và là Chủ biên của sách giáo khoa môn GDCD trong trường học.

Học và hành chiếu lệ nên vừa học xong, rời khỏi trường lớp, học sinh đã có những hành vi vi phạm pháp luật, và trớ trêu thay không ít trong số những em đó học tốt, điểm cao môn giáo dục công dân. Trách nhiệm lập tức quy cho ban giám hiệu, cho giáo viên chủ nhiệm, còn giáo viên môn giáo dục pháp luật thuộc diện “vô can”. Hơn lúc nào hết suy nghĩ “dạy cho đủ, học cho xong” đối với môn học này trong tâm lý cả người dạy lẫn người học đã thể hiện rõ.

Giáo dục công dân - học để làm người

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ môn Đạo đức, GDCD trong nhà trường hiện nay hay bị rút ngắn bài giảng hoặc xem nhẹ, dạy qua loa cho xong chuyện, bên cạnh lý do nội dung đơn điệu, nghèo nàn, giáo viên đảm nhiệm môn học này thường kiêm nhiệm nên thiếu kiến thức về pháp luật, thì còn có lý do của chính ngành giáo dục nói chung và Ban giám hiệu các nhà trường nói riêng. Thẳng thắn mà nói định hướng giáo dục chung hiện nay phần nhiều coi trọng việc dạy chữ, học để thi hơn là học để làm người. Vì thế, chuyện lãnh đạo nhà trường coi nặng các môn văn hóa, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của môn GDCD cũng dễ hiểu. Về vấn đề này, PGS-TS Hà Nhật Thăng cũng đã phải đau lòng thốt lên: “Môn GDCD là môn học chỉ được bố trí 1 tiết/tuần, lại không phải môn thi lên lớp, thi tốt nghiệp (không chỉ được coi là môn phụ mà là môn phụ của môn phụ). Bên cạnh đó, còn hàng loạt các nguyên nhân không lành mạnh ảnh hướng đến việc dạy - học môn này như tác động tiêu cực của người lớn ở gia đình, xã hội thì làm sao đòi hỏi việc dạy - học môn GDCD có thể đạt mục tiêu đặt ra?”

Vì thế, trong nhiều cuộc tọa đàm được tổ chức trong ngành giáo dục và giữa ngành giáo dục với tư pháp đã có nhiều ý kiến cho rằng muốn tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh trước hết phải coi trọng vị trí, vai trò của môn GDCD, từ đó đầu tư đổi mới nội dung, phương pháp, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Hẳn như vậy, nếu môn học này cũng là môn thi chắc việc dạy và học môn này sẽ có chuyển biến tốt hơn? Nhưng, nếu như thế thì lại sa vào “vết xe đổ” học để thi mất rồi! Vì vậy, bao giờ để hoạt động PBGDPL trong nhà trường hết khiên cưỡng luôn là câu hỏi khó tìm thấy sự trả lời hoàn hảo.

Xuân Hoa

 

Hạn chế tính phong trào trong PBGDPL

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, PV đã đặt câu hỏi về hoạt động PBGDPL với một số lãnh đạo tổ chức pháp chế các trường đại học thì thấy hầu hết quan điểm đều cho rằng để pháp luật đến và ở lại được với sinh viên thì điều quan trọng và rất cơ bản là làm sao cho sinh viên nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích thiết thực của việc hiểu biết pháp luật. Nếu bản thân sinh viên tự tìm hiểu và đến với pháp luật, thì sẽ sớm hình thành hành vi sống, làm việc theo pháp luật, biết thế nào quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của chính bản thân mình. Nhưng, điều quan trong nhất vẫn là phải hạn chế hoạt động theo dạng phong trào, thay vào đó nên có nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật như thi tìm hiểu, thi đố vui giữa các đội nhóm, bằng các hoạt động (kịch, tấu hài, vẽ tranh, làm thơ châm biếm hay giáo dục…), lồng ghép đưa vào các môn học. Đặc biệt, điều cần quan tâm nhất là tăng tính sinh động, thiết thực khi giảng dạy, tuyên truyền, gắn với từng ngành nghề đào tạo của sinh viên và tâm lý lứa tuổi.

PGS-TS Hà Nhật Thăng: Giáo dục pháp luật phải có sự đồng thuận, thống nhất

Giáo dục pháp luật ở phổ thông không phải trang bị kiến thức luật là chủ yếu mà giáo dục thái độ và hành vi tự giác thực hiện pháp luật mới là trọng tâm. Tuy nhiên, sự hình thành, phát triển nhân cách học sinh, sinh viên không chỉ chịu tác động của giáo dục nhà trường mà còn bị chi phối của gia đình, xã hội, thông tin đại chúng, các thế hệ đi trước.... Vì vậy, giáo dục đạo đức, pháp luật nhất thiết phải có sự đồng thuận, thống nhất từ nhà trường đến gia đình, cộng đồng nhằm xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực