Một số nội dung cơ bản của Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và tăng cường năng lực của Cục Trợ giúp pháp lý

26/11/2009
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL), bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật TGPL trong phạm vi toàn quốc, đáp ứng yêu cầu của công tác TGPL trong tình hình mới, thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật TGPL, ngày 25/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 3425/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và tăng cường năng lực của Cục TGPL (Giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030)” (sau đây gọi tắt là Đề án).

Đề án gồm 03 Phần: Phần I, Sự cần thiết và cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án; Phần II, Nội dung kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và tăng cường năng lực của Cục Trợ giúp pháp lý (Giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030) và Phần III, Tổ chức thực hiện.

Phần I: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án. Phần này phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Cục Trợ giúp pháp lý trong những năm qua, đặc biệt là sau 03 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý; phân tích những kết quả đã đạt được trên các mặt: tổ chức bộ máy, biên chế; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ, các nhiệm vụ được giao bổ sung, đặc biệt là những nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao theo Luật TGPL, thể hiện trên các mặt công tác như: xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp lý; quản lý, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực; thực hiện TGPL, tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu khoa học và thông tin; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ TGPL; xây dựng, hướng dẫn, triển khai và theo dõi việc thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; hợp tác quốc tế về TGPL và các điều kiện bảo đảm hoạt động. Từ thực trạng đó, phần này cũng phân tích và làm rõ một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời dự báo sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; phân tích và làm rõ cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án và phân tích về các nhiệm vụ, quyền hạn mới được bổ sung cho Cục kể từ thời điểm Luật TGPL có hiệu lực pháp luật đến nay làm cơ sở cho việc xác định tổ chức bộ máy của Cục TGPL. 

Phần II. Nội dung kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và tăng cường năng lực của Cục TGPL (Giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030). Phần này tập trung phân tích và làm rõ các vấn đề như mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của Đề án; các giải pháp chủ yếu để thực hiện Đề án; các giai đoạn thực hiện Đề án.

Đề án tập trung vào các mục tiêu như: củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực của Cục; tăng cường năng lực của Cục trong quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống TGPL; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ Cơ quan Bộ Tư pháp; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác và một số các mục tiêu cụ thể khác.

Đề án dự kiến các nhóm nhiệm vụ như: củng cố, kiện toàn, xác định hợp lý về tổ chức bộ máy của Cục, bảo đảm chuyên môn hoá, khoa học, gọn nhẹ và hợp lý; xây dựng cơ chế quản lý, điều hành hiệu quả; xác định hợp lý về cơ cấu, số lượng công chức, viên chức, người lao động và nhiệm vụ của từng chức danh; chuẩn hoá các quy trình hoạt động theo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008, xác định rõ trách nhiệm của từng khâu, bộ phận, vị trí công tác; xây dựng phương pháp làm việc khoa học, tiết kiệm, hiệu quả.

Đề án dự kiến 05 nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, bao gồm: 1) Nhận thức đúng đắn về chính sách TGPL và vị trí, vai trò của Cục trong chỉ đạo, điều hành để đổi mới và phát triển TGPL bảo đảm chất lượng, hiệu quả; kịp thời dự báo xu hướng phát triển của TGPL để đề xuất điều chỉnh chính sách cho phù hợp; 2) Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của Cục; 3) Đổi mới hoạt động của Cục để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; 4) Tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện để bảo đảm hoạt động; 5) Tăng cường sự lãnh đạo của Bộ trưởng, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Đảng uỷ cơ quan Bộ Tư pháp đối với Cục và sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp trong công tác TGPL.

Đề án được thực hiện theo lộ trình như sau:

1) Từ năm 2010 đến năm 2015, tập trung hoàn thành việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, từng bước đổi mới hoạt động để nâng cao năng lực của Cục để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1989/QĐ-BTP ngày 17/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục TGPL. Về lãnh đạo Cục, từ năm 2010 đến 2012, sẽ có 03 công chức lãnh đạo Cục hiện nay được nghỉ chế độ (Cục trưởng và 02 Phó Cục trưởng). Vì vậy, cần rà soát lại quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nguồn, tạo cơ sở cho việc củng cố, lựa chọn người có đủ phẩm chất, tiêu chuẩn, kinh nghiệm thực tiễn TGPL và năng lực để bổ nhiệm, bố trí vào các chức danh còn khuyết.

Đối với 06 đơn vị trực thuộc Cục sẽ xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ một cách hợp lý; thực hiện quy hoạch đội ngũ lãnh đạo cấp Phòng để bồi dưỡng, bổ nhiệm Trưởng phòng, các Phó Trưởng phòng và tương đương. Về nhân sự, ngoài Trưởng phòng, Văn phòng Cục có không quá 03 Phó Chánh Văn phòng, 06 chuyên viên, 06 người lao động; Phòng Quản lý nghiệp vụ có không quá 03 Phó Trưởng phòng, 10 chuyên viên; Phòng Quản lý chất lượng vụ việc có không quá 02 Phó Trưởng phòng, 08 chuyên viên; Phòng Tài chính - Kế toán có 03 kế toán viên và 01 thủ quỹ. Đối với Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL sẽ có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc, 08 viên chức và 01 hợp đồng lao động. Dự kiến nhân sự của Quỹ gồm Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 01 kế toán viên, 02 viên chức phát triển Quỹ và 01 thủ quỹ. Với cơ cấu nêu trên, dự kiến tổng biên chế của Cục đến năm 2015 khoảng 68 người (khoảng  49 công chức hành chính; 12 viên chức sự nghiệp và 07 người lao động). Riêng nhân sự để bảo đảm thực hiện các cam kết của Dự án hợp tác quốc tế về TGPL được thực hiện theo quy định của Dự án.

2) Định hướng đến năm 2020: Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Cục tương xứng với các nhiệm vụ, quyền hạn được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; chuẩn bị các điều kiện để nghiên cứu, đề xuất nâng cấp Cục thành Cục loại I; nghiên cứu và khi đủ điều kiện thì đề xuất thành lập một số đơn vị mới để thực hiện các chức năng hợp tác quốc tế về TGPL; nghiên cứu, thông tin, truyền thông về TGPL, Tạp chí TGPL và các Trung tâm hoặc Văn phòng TGPL cho các đối tượng đặc thù để tham gia tranh tụng tại Toà Thượng thẩm. Xác định hợp lý cơ cấu, số lượng biên chế cần điều chỉnh, bổ sung hàng năm và cả giai đoạn 2015-2020 để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mỗi năm đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao bổ sung cho Cục và các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục từ 05 đến 06 biên chế để có điều kiện bồi dưỡng kèm cặp nghiệp vụ; đến hết năm 2020, tổng biên chế hành chính và sự nghiệp của Cục khoảng 100 người (khoảng 70 công chức và 30 viên chức). Về phương thức hoạt động của Cục sẽ được nghiên cứu, đổi mới một cách căn bản, tạo lập môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, chuyên môn hoá.

3) Tầm nhìn đến năm 2030: Đổi mới căn bản về tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cục; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu để nếu đủ điều kiện cần thiết thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền nâng cấp Cục thành Tổng Cục TGPL theo Chiến lược phát triển TGPL; định hướng phát triển tổ chức TGPL phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Tư pháp và lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp của đất nước.

Phần III: Tổ chức thực hiện. Phần này phân công cụ thể trách nhiệm cho Cục TGPL và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện Đề án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình với lộ trình cụ thể.

Có thể khẳng định, Quyết định số 3425/QĐ-BTP ngày 25/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu bước tiến về nhận thức và tầm nhìn đối với công tác TGPL nói chung, công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về TGPL nói riêng, là một đòi hỏi mang tính khách quan, cấp bách và phải sớm được tổ chức triển khai thực hiện./.

Đỗ Xuân Lân