Xuất phát từ quan điểm hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật phải được xã hội hóa để phát huy trách nhiệm của mỗi chủ thể cũng như cả cộng đồng, các vấn đề về Quỹ giáo dục pháp luật đã được đưa ra cân nhắc trước khi đưa vào dự thảo sao cho khả thi nhất.
Xã hội hóa - đòn bẩy cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật
Xưa nay, việc phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn là trách nhiệm của Nhà nước và cũng duy chỉ có Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện công việc này ở tất cả các khía cạnh nội dung, nhân lực, vật chất... Nhưng, thực tế cho thấy khi xã hội phát triển, mở rộng hội nhập cũng như các mục tiêu về Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự đang được đặt ra thì nhu cầu về “món ăn” pháp luật trở nên rất cấp thiết với mỗi cá nhân, tổ chức. Và, nếu như vẫn mãi duy trì vai trò “đứng mũi chịu sào” của Nhà nước trong hoạt động này thì sẽ không thể đáp ứng được hết nhu cầu của xã hội. Vì thế, nhất thiết phải có sự xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật như đã từng diễn ra ở các hoạt động khác như y tế, giáo dục, văn hóa...
Trong dự thảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, xuất phát từ quan điểm xã hội hóa công tác PBGDPL là đúng đắn và cần thiết, vừa nhằm đảm bảo phát huy trách nhiệm của mỗi chủ thể, vừa phát huy trách nhiệm của cộng đồng nên bước đầu Ban soạn thảo đã cụ thể hóa vấn đề này trên một số khía cạnh. Ví dụ như: quy định chính sách của Nhà nước đối với hoạt động này là khuyến khích, tạo điều kiện để MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân... tham gia hỗ trợ, đóng góp cho hoạt động PBGDPL; quy định về trách nhiệm tham gia, thực hiện PBGDPL của các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - nghề nghiệp...
Tuy nhiên, xét về mặt nội dung việc quy định như vậy tuy đầy đủ nhưng vẫn tản mạn, chưa tập trung được “sức mạnh pháp lý” để nêu bật vấn đề. Chính vì thế bên cạnh các quan điểm tán đồng, nhiều chuyên gia pháp lý đã mạnh dạn cho rằng cần đưa nội dung xã hội hóa thành điều luật hoặc chính sách Nhà nước cụ thể. Mặt khác, cũng nên quy định một số quyền để đảm bảo những lợi ích nhất định khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhất là đối tượng DN tham gia hoạt động PBGDPL (như được miễn hoặc giảm thuế có thời hạn, được tính % chi phí vào lợi nhuận DN...)
Quỹ phổ biến giáo dục pháp luật - được khuyến khích thành lập
Là một trong những khía cạnh của nội dung xã hội hóa hoạt động PBGDPL, mô hình Quỹ PBGDPL đã được đề cập tới theo hướng là một loại hình quỹ xã hội do các cơ quan tổ chức, DN hoặc có thể là cả cá nhân được phép thành lập trên tinh thần tự nguyện để kêu gọi, khuyến khích sự đóng góp của các chủ thể nhằm phục vụ cho hoạt động PBGDPL.
Nhưng vì sao lại là loại hình quỹ xã hội? Bởi lẽ, nếu xét trên khía cạnh cơ quan quản lý quỹ và nguồn hình thành quỹ thì những khó khăn nội tại của việc thành lập quỹ như cơ chế quản lý, nguồn hình thành... sẽ là rào cản không nhỏ, nhất là khi quỹ chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước và chúng ta đã có quỹ trợ giúp pháp lý. Chính vì thế, khi xây dựng, Ban soạn thảo đã nghiêng về việc hình thành quỹ với tư cách như là một loại hình quỹ xã hội được thành lập tại các cơ quan, tổ chức, DN nếu có điều kiện và có nhu cầu để đảm bảo nguồn kinh phí ổn định. Tuy nhiên, việc quản lý quỹ - vốn là vấn đề khó nhất - vẫn còn được để ngỏ cho hai phương án: chính tổ chức, cá nhân thành lập ra quỹ sẽ lên phương án quản lý hoặc Chính phủ sẽ quy định các vấn đề chi tiết liên quan.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý cũng như DN, Chính phủ chỉ nên dừng lại ở một quy định khung về phương thức quản lý, sử dụng quỹ, còn nội tình thu - chi ra sao nên để cho chính tổ chức, cá nhân thành lập ra quỹ quyết định, như vậy sẽ hợp lý và thuận lợi hơn.
Trường Khanh