Hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức xã hội: Còn khiêm tốn so với tiềm năng

10/11/2009
Cùng với 63 Trung tâm và các Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước, công tác TGPL còn được thực hiện bởi các tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề luật sư (LS). Tuy nhiên, sự tham gia của các tổ chức trên lại khá hạn chế so với số lượng hiện có. Đây là đánh giá được nêu lên trong hội thảo 2 ngày về “Vai trò của các tổ chức xã hội trong hoạt động TGPL” do Hội Luật gia Việt Nam và Hiệp hội Luật sư Canada đồng tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Chỉ vì kinh phí hạn hẹp!?

Thống kê của Cục TGPL (Bộ Tư pháp) cho thấy, hiện nay, toàn quốc có hơn 1.200 VPLS và hơn 200 công ty luật. Một số tổ chức xã hội như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) HCM, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Hội Luật gia (HLG)… đã thành lập được Trung tâm tư vấn pháp luật (TVPL). Trong số đó, tính đến hết tháng 9/2009, đã có 106 VPLS và 31 Trung tâm TVPL đăng ký tham gia TGPL. Tuy nhiên, các LS, các tư vấn viên pháp luật chủ yếu tham gia TGPL với tư cách là cộng tác viên và được các Trung tâm TGPL nhà nước trả thù lao theo vụ việc. Phó chánh Văn phòng Cục TGPL Dương Quang Long nhận định, sự tham gia của các tổ chức hành nghề LS và tổ chức xã hội vào hoạt động TGPL còn hạn chế do đặc thù của hoạt động TGPL là không thu phí trong khi kinh phí và nguồn lực con người của bản thân các tổ chức cũng rất thiếu. Số vụ việc TGPL được các tổ chức trên thực hiện còn khiêm tốn so với các Trung tâm TGPL nhà nước và chưa được báo cáo chính thức.

Cũng theo Cục TGPL, đến nay, chưa có số liệu về ngân sách dành cho hoạt động TGPL của các tổ chức TVPL thuộc các tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề LS có tham gia TGPL. Qua khảo sát thực tế, ngân sách của các tổ chức dành cho hoạt động TGPL hầu như không đáng kể, trừ một số rất ít các tổ chức xã hội được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở VN, 2005-2009” của 4 nhà tài trợ quốc tế với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng song hỗ trợ chính cho 63 Trung tâm TGPL nhà nước, 6 Văn phòng TGPL cho phụ nữ. Hiện chỉ có Trung tâm TVPL thuộc TƯ Hội CCB và Đoàn TNCS HCM được thụ hưởng Dự án này. Không những thế, Quỹ TGPL Việt Nam được thành lập bằng Quyết định số 84/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định sẽ hỗ trợ cho các tổ chức tham gia TGPL khác khi có nhu cầu, nhưng ngân sách của Quỹ lại chưa đủ mạnh. Năm 2009, Chính phủ đóng góp cho Quỹ 4,1 tỷ đồng và được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ hoạt động tại 51 tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn nhất.

Cần khơi dậy tiềm năng

Phó Giám đốc Trung tâm TVPL Trường ĐH Luật TP. HCM Đặng Tất Dũng cho rằng, dù có những khó khăn nhất định song nếu mô hình các trung tâm TVPL thuộc các trường ĐH có đào tạo luật được nhân rộng sẽ góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân lên đáng kể và mang lại công bằng xã hội. Mặt khác, trong việc nhân rộng mô hình hỗ trợ pháp lý cho người dân các địa phương mà TGPL chưa là hoạt động phổ biến thì các trung tâm TVPL thuộc các cơ sở đào tạo luật hoàn toàn có thể đóng vai trò nòng cốt. Ông Dũng minh hoạ, với đội ngũ tư vấn viên là 20 giảng viên, 40 sinh viên và một số LS thuộc ĐLS TP. HCM, Trung tâm của Trường có nhiều ưu thế để thực hiện các chương trình xã hội và TGPL cho các đối tượng được quy định tại Luật TGPL.

Theo bà Lương Thị Thuỷ (Ban Chính sách - Pháp luật, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), mặc dù mới có 1 Hội LHPN địa phương thành lập Trung tâm TVPL nhưng nhiệm vụ TGPL cho hội viên, phụ nữ được các cấp Hội thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, người có nhu cầu được TGPL đến với tổ chức Hội không phải chỉ là hội viên, phụ nữ mà còn cả nam giới thuộc mọi tầng lớp xã hội. Bà Thuỷ nhấn mạnh, nếu được lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhận thức đầy đủ về vị trí của tổ chức Hội LHPN trong công tác TGPL, nếu đội ngũ cán làm công tác TGPL của Hội được trang bị kiến thức, kỹ năng, được tập huấn nghiệp vụ… thì hoạt động TGPL của Hội thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa.

Phó Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) Nguyễn Khắc Hải đúc rút, với tính chất và vị trí đặc biệt của mình, HLG Việt Nam có điều kiện đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của nghề luật và hệ thống tư pháp Việt Nam cũng như nâng cao khả năng tiếp cận công lý cho người dân Việt Nam. HLG đã thành lập được 45 Trung tâm TVPL (7 thuộc Văn phòng TƯ Hội tại Hà Nội và 38 HLG tại các tỉnh, trong đó 11 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long). Mỗi năm, các Trung tâm TVPL này cung cấp miễn phí tư vấn pháp lý, thông tin pháp luật và các văn bản pháp lý cho hàng nghìn người dân, từng bước giành được uy tín với công chúng.

Hoàng Thư