Ngày 27/02/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước. Sau một thời gian thực hiện Đề án, kết quả cho thấy còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa mặn mà với công tác này, dù rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng, cũng như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Khi pháp chế “mạnh ai nấy biết”
Tại hội nghị báo cáo kết quả thực hiện Đề án trong 7 tháng vừa qua và công việc trọng tâm những tháng còn lại của năm 2009 vừa được tổ chức hôm qua (ngày 22/10), ông Nguyễn Duy Lãm – Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp cho biết, về phía Bộ Tư pháp (ngay sau khi có Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) đã tích cực, chủ động thực hiện một loạt các nhiệm vụ như tiến hành rà soát, thống kê khảo sát nguồn nhân lực, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện về thể chế, biên soạn tài liệu PBGDPL.... Trong đó, nhiệm vụ rà soát, thống kê, khảo sát nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL, cho đến nay Bộ Tư pháp đã xử lý xong số liệu, tổng hợp ý kiến của 18 Bộ, ngành, 40 UBND cấp tỉnh và 59 Sở Tư pháp (những đơn vị còn lại đang được tiếp tục đôn đốc để thực hiện). Bên cạnh đó, Bộ đã tiến hành xây dựng 7 mẫu phiếu khảo sát nhu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL của các đối tượng là báo cáo viên pháp luật, cán bộ pháp chế Bộ, ngành, DN, tổ viên tổ hòa giải.... Hoàn thiện thể chế PBGDPL được xác định là công việc trọng tâm và thường xuyên của Bộ Tư pháp vì thế, đối với Đề án, trong thời gian vừa qua, Bộ đã có những động thái tích cực để thực hiện nhiệm vụ như: phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 63/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL vì mức kinh phí quy định 50.000 đồng cho một báo cáo viên pháp luật như hiện này là quá ít ỏi; xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế báo cáo viên pháp luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương qua 10 năm thực hiện Quy chế này...
Cùng với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành địa phương được chọn điểm (Bộ Quốc phòng, Bộ Công án, Ủy ban TƯMTTQVN, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia HCM, Cao Bằng và Sóc Trăng) đã và đang tích cực thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án – ông Nguyễn Duy Lãm cho biết. Tuy nhiên, cũng theo ông Lãm có một số cơ quan vì lần đầu tham gia Đề án gặp lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cũng có một số cơ quan chưa chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động phối hợp để giúp cho Đề án được triển khai đồng bộ, kịp thời. Đặc biệt, vì một số hoạt động được thực hiện theo phương thức phối hợp giữa các cơ quan, Bộ, ngành nên đã gặp khó khăn do tồn tại tình trạng chờ đợi thực hiện. Đồng tình với nhận định này, ông Lê Trọng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ cho rằng một trong những nguyên nhân chính là tình trạng mạnh ai nấy biết của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành (đơn vị chủ lực để tạo nguồn nhân lực báo cáo viên pháp luật) hiện nay. Hay nói cách khác mối liên hệ giữa các tổ chức này đang trong tình thế hết sức rời rạc và trầm lặng. Không chỉ thế, theo ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, việc thiết lập được mối quan hệ thường xuyên và thông suốt giữa các tổ chức pháp chế trong cùng một Bộ, ngành cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc củng cố, kiện toàn nhân lực cho công tác PBGDPL.
Báo cáo viên pháp luật cũng cần học luật
Không ai nắm chắc luật hơn báo cáo viên pháp luật, đó là lẽ thường tình. Nhưng, tại hội nghị diễn ra sáng qua, khi nói về nhu cầu của báo cáo viên pháp luật, ý kiến của nhiều đại diện các cơ quan tổ chức đưa ra khá... giật mình. Đó là báo cáo viên pháp luật cũng rất “đói” kiến thức luật và cần được học, bồi dưỡng theo đúng yêu cầu của công việc. Ông Lê Trọng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ ví von, bản thân ông cũng như các báo cáo viên pháp luật của Bộ Nội vụ và của những đơn vị khác mà ông biết dù rằng thường xuyên “đánh đông dẹp bắc”, tuyên truyền pháp luật các nơi, nhưng bản thân lại rất ít được bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực. Dao có sắc thì mới mong gọt được chuôi - ông Vinh khẳng định. Còn theo ông Nguyễn Hữu Chí – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương, thì báo cáo viên pháp luật hiện nay có thuận lợi là nhu cầu tiếp cận pháp luật ngày càng cao, nhưng vì chủ yếu vẫn là công tác kiêm nhiệm nên việc bồi dưỡng năng lực (cách truyền tải, cách xử lý tình huống trong quá trình tuyên truyền...) cho đội ngũ này đã và đang gặp nhiều khó khăn.
Chính vì thế, nên một trong những vấn đề đang được đặt ra là làm thế nào để lồng ghép nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL với công tác bố trí biên chế, cán bộ, công chức trên tinh thần của Luật Cán bộ, công chức. Cùng với đó, cũng liên quan tới việc hoàn thiện thể chế PBGDPL, ông Vũ Nhữ Thăng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho rằng khi tiến hành sửa đổi Quy chế báo cáo viên pháp luật rất cần chú ý đến đặc thù của từng Bộ, ngành. Và, mỗi khi kết thúc một chương trình tập huấn nên có mẫu phiếu nhận xét để học viên đánh giá, đề đạt nguyện vọng, từ đó tạo cơ sở tiến hành công tác PBGDPL cho phù hợp, đúng và trúng.
Hồng Minh