Góp ý xây dựng Luật Thủ đô: Nên có mục riêng về quy hoạch

30/09/2009
Tại buổi họp góp ý cho dự án Luật Thủ đô mới đây, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội kiến nghị nên xây dựng một mục riêng về quy hoạch nhằm khắc phục khuyết điểm lớn của Pháp lệnh Thủ đô hiện hành vốn chỉ có một điều khoản.

Không thể “giật gấu vá vai”

Một cán bộ của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, qua nghiên cứu một số báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô liên quan đến quy hoạch thì thường chỉ thấy nêu lên những thành tích, chứ không chỉ ra đâu là vướng mắc nên Viện không thể tổng kết được. Tuy nhiên, qua thực tiễn công việc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thấy có 6 bất cập chính về tiêu chuẩn, quy phạm; thủ tục, quy trình lập quy hoạch; công tác đấu thầu và chỉ định thầu; đơn giá quy hoạch; thanh quyết toán và bộ máy tổ chức. Chẳng hạn, Hà Nội áp dụng tiêu chuẩn, quy phạm chung của cả nước trong khi thủ đô có nhiều loại khu phố nên rất khó lập quy hoạch. Về tổ chức bộ máy, Sở Quy hoạch kiến trúc là một đặc thù của Hà Nội nhưng chưa được luật hóa. Hay đối với một số công trình ở Hà Nội nếu tuân thủ pháp luật hiện hành thì phải đấu thầu song khi trúng thấu, các nhà thầu thường không kế thừa các công trình cũ…

Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Tô Anh Tuấn lại cho rằng, việc lập quy hoạch của thành phố cơ bản là ổn, vấn đề bức xúc phần lớn nằm trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch. Ông Tuấn dẫn chứng, Hà Nội đã có một số quy hoạch ngành như giao thông, môi trường, trường học… nhưng cách thức thực hiện không được phân công rõ ràng giữa nhà nước, các tổ chức xã hội nói chung và chính quyền thủ đô nói riêng. Ngoài ra, nếu quy mô phát triển dân số không được kiểm soát thì khó có thể ổn định quy hoạch tổng thể.

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô cần giải quyết 2 bài toán quan trọng là vấn đề quy hoạch và các giải pháp chống ùn tắc giao thông, trong đó bao trùm là khâu quy hoạch. “Câu chuyện quy hoạch không thể “giật gấu vá vai” mà đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, thậm chí lên đến 50 – 60 năm”.

Quá nhiều quy định cần đưa vào Luật

Theo ông Tuấn, cần có quy chuẩn linh hoạt phù hợp với từng khu vực của Hà Nội từ phố cổ, phố cũ, phố mới đến các khu đô thị, thậm chí có thể nghiên cứu áp dụng quy chuẩn nước ngoài trong thời đại hội nhập hiện nay. Đại diện Sở Giao thông vận tải lưu ý, cần phải quan tâm đến quản lý sau quy hoạch, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với việc tuân thủ qui hoạch. Đại diện Sở Tài nguyên môi trường và Sở Kế hoạch đầu tư cùng cho rằng, nên có quy hoạch sử dụng đất đai song song với quy hoạch Thủ đô. Nếu được có thể quy định Thủ tướng ủy quyền cho UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch sử dụng đất.

Quan điểm của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là cần khẳng định trong dự luật tinh thần “tất cả các loại quy hoạch của Hà Nội phải do chính quyền Hà Nội chủ trì lập và thông qua”. Chủ trương này đã được đề cập trong Luật Xây dựng song chúng ta chưa triển khai được. Theo Viện, trong quy trình, thủ tục lập quy hoạch cũng phải có đặc thù cho Hà Nội. Chẳng hạn, Hà Nội sẽ có một số công trình khó có thể tuân theo quy định hiện hành (theo kiểu Trung tâm hành chính quốc gia) mà nên có thủ tục rút gọn hoặc điều chỉnh cục bộ. Về kinh phí, cần khuyến khích xã hội hoá công tác lập quy hoạch. Đặc biệt, với trình độ nhận thức, trình độ tư duy và năng lực cán bộ hiện nay, chưa nên phân cấp công tác quy hoạch cho các quận huyện mà chỉ coi đây là chủ trương lâu dài. Ngoài ra, phải có quy định về tính pháp lý của sản phẩm (bản vẽ) quy hoạch, áp dụng cứng cho tất cả các đối tượng kể cả Thủ tướng, đồng thời giám sát sản phẩm này khi được công bố cũng như giám sát liên ngành quá trình thực hiện quy hoạch.

Một vị lãnh đạo của Viện đề xuất thêm, trong luật cần cho phép TP được huy động trái phiếu, chất xám để đầu tư công tác quy hoạch. Trong sử dụng đất, Hà Nội được phép lập quỹ đất sạch, đỡ gây thiệt hại cho cả nhà nước lẫn người dân mà thực tiễn giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 là một nhức nhối từ nhiều năm nay. Trong quản lý, xây dựng, phát triển quỹ nhà, thành phố thống nhất quản lý các loại quỹ nhà trên địa bàn thủ đô, không có vùng “cấm”. Về thời hạn điều chỉnh quy hoạch, Hà Nội nên được phép điều chỉnh quy hoạch theo nhu cầu phát triển, trong trường hợp cần thiết, chứ không nhất thiết kéo dài 5 năm như quy định chung. Trong quản lý đầu tư, Hà Nội được quyền chỉ định thầu đối với các công trình phục vụ dân sinh, các công trình cũ hỏng cần cải tạo ngay. Trong bộ máy tổ chức cần tách bạch 2 chức năng quản lý và nghiên cứu quy hoạch cho Sở Quy hoạch kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng… Có như vậy, mới có cái “gậy” pháp lý để Hà Nội làm tốt vấn đề quy hoạch.

Cẩm Vân