Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Cần xây dựng Đề án củng cố tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp

11/09/2009
Nhận thấy tầm quan trọng của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (viết tắt là CLB) trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như đối với Bộ Tư pháp và ngành tư pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá kết quả 10 năm hoạt động của CLB, trên cơ sở đó xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của CLB giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020[1].

Theo yêu cầu của Bộ trưởng, phải xây dựng Đề án nhằm tăng cường hoạt động của CLB; xây dựng kênh phản hồi thông tin về thực tiễn thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật, thông qua hoạt động của mình đề xuất, kiến nghị với Bộ Tư pháp về định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ CLB thông qua việc cử các chuyên gia tham gia với CLB trong các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến doanh nghiệp.   

CLB là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi thực hiện các chức năng hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên; cung cấp kịp thời các thông tin, chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước, tiếp thu ý kiến phản hồi của doanh nghiệp thành viên về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng thời CLB thu hút đóng góp về kinh phí của các hội viên trong việc chăm lo cho hoạt động của chính doanh nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy ngay từ khi thành lập theo Quyết định số 212/1999/QĐ-TCCB ngày 22/7/1999; yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp thành viên và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm tại Đại hội thành lập CLB năm 2000 với các yêu cầu sau:

Thứ nhất, CLB phải là một địa chỉ mới, đáng tin cậy cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tìm đến để được giới thiệu kịp thời, thường xuyên, có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội;

Thứ hai, Câu lạc bộ phải là cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật kinh tế, là diễn đàn để kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, đưa ra kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cách làm mới của Chính phủ chuyển từ truyền đạt sang đối thoại, tham gia ý kiến thông qua các diễn đàn. Để tồn tại và phát triển, Câu lạc bộ có những hình thức sinh hoạt phong phú, linh hoạt đem lại lợi ích thiết thực cho Hội viên [2].

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nhận thức được vị trí, vai trò của CLB, để xây dựng Đề án, Ban Soạn thảo đã nghiên cứu, đánh giá vị trí, vai trò, cơ cấu tổ chức cũng như những kết quả hoạt động của CLB trong thời gian qua để từ đó xây dựng dự thảo Đề án trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp mang tính khả thi và hiệu qủa cao:

1. Về cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của CLB được quy định rõ tại Điều lệ CLB gồm có:

+ Đại hội thành viên: gồm tất cả các doanh nghiệp thành viên CLB trên cả nước, Đại hội được tổ chức 5 năm/lần. CLB đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ I (2000-2006) năm 2000; Đại hội nhiệm kỳ II (2007-2011) năm 2007.

+ Ban Chủ nhiệm: gồm 44 đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban ngành và các Tổng Công ty, Tập đoàn trên cả nước do Đại hội nhiệm kỳ II (2007-2011) năm 2007 bầu.

+ Thường trực Ban Chủ nhiệm: gồm 9 đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành và các Tổng Công ty, Tập đoàn do Ban Chủ nhiệm Đại hội nhiệm kỳ II (2007-2011) năm 2007 bầu.

+ Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ của CLB: Văn phòng, Ban Kiểm tra, Trung tâm Thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Văn phòng đại diện tại 5 tỉnh thành phố trên cả nước [3].

1. Về kết quả hoạt động

CLB đã và đang triển khai các hoạt động cụ thể như sau:

a. Công tác thu hút và phát triển hội viên

Đến nay, CLB đã thu hút được sự tham gia của 1156 doanh nghiệp, gồm các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp Nhà nước, Văn phòng Luật sư, Luật gia.

b. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên

- Hoạt động thông tin pháp lý: Thông qua trang thông tin điện tử chính thức của CLB với 2 tên miền www.pcdn.vn và www.phapche.org, CLB đã cung cấp tới các doanh nghiệp thành viên các thông tin, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin, CLB đã triển khai các hoạt động tư vấn trực tuyến, tiếp thu ý kiến, phản hồi của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện pháp luật kinh doanh. Thông qua hoạt động này, CLB đã tạo được sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

- Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp: Xác định đây là hoạt động trọng tâm, CLB đã tổ chức được trên 55 chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ pháp chế nhằm thúc đẩy hoạt động thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên, các chương trình đã thu hút trên 8000 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp tham dự.

- Hoạt động tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên: Một trong những chức năng quan trọng của CLB là hoạt động bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp thành viên thông qua các hình thức như tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý,... Trong thời gian qua, có gần 100 vụ việc tranh chấp pháp lý, tư vấn pháp luật đã được CLB kịp thời giải quyết vướng mắc, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh của doanh nghiệp.    

c. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp

- Trong thời gian qua, CLB đã tổ chức được gần 25 hội thảo, diễn đàn nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp thành viên đối với các dự án luật, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Cụ thể như: Luật Phá sản năm 2004, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Bồi thường nhà nước...

- Trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như trực tiếp tham gia xây dựng, Đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tham gia soạn thảo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 66), hiện đang xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

3.       Đánh giá chung về kết quả hoạt động của CLB trong thời gian qua

Kết quả hoạt động của CLB trong thời gian vừa qua cho thấy mặc dù còn có những thế mạnh chưa phát huy được, nhưng CLB đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội nhiệm kỳ II đã đề ra là "duy trì và phát triển hoạt động của CLB". Điều này được thể hiện thông qua các mặt sau đây:

Thứ nhất, CLB đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp thành viên. Thông qua khảo sát, trong tổng số 400 phiếu thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp thành viên được phát ra cho thấy 380 doanh nghiệp kể từ khi trở thành thành viên của CLB (đạt tỉ lệ 95%) đã có những nhận thức đúng đắn hơn, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của pháp luật và hiệu quả của nó đối với hoạt động sản xuất kinh doanh;

Thứ hai, CLB đã thúc đẩy hoạt động thực thi pháp luật của doanh nghiệp thành viên. Thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, các thành viên CLB đã có những sự quan tâm và đầu tư đúng mực cho công tác pháp chế, chú trọng nhiều hơn vào hoạt động thông tin và tư vấn pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đã đào tạo được cán bộ pháp chế giỏi, có đủ trình độ, kỹ năng cần thiết để tư vấn hiệu quả cho đơn vị mình. Điển hình là Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng mạng lưới pháp chế đến tất cả các đơn vị thành viên với khoảng 100 cán bộ pháp chế;

Thứ ba, CLB đã tạo ra sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp qua sợi dây liên kết về hỗ trợ doanh nghiệp thực thi pháp luật. Thông qua đầu mối CLB, các doanh nghiệp được giới thiệu, tiếp cận với các chuyên gia, luật sư uy tín và có kinh nghiệm nhằm thực hiện các hoạt động tư vấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Đồng thời, CLB thu thập được các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật;

Thứ tư, hoạt động của CLB là mô hình xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, CLB vận động sự tham gia tự nguyện của các thành viên đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho chính doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật, thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp bằng pháp luật; 

Thứ năm, bên cạnh việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên, CLB còn khẳng định được sự đóng góp tích cực, có hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Bộ Tư pháp như tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật về kinh tế, tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

4.       Hạn chế, khó khăn trong tổ chức và hoạt động

a. Những hạn chế, khó khăn trong tổ chức và hoạt động của CLB

Hoạt động của CLB trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực, khắc phục được những hạn chế trong nhiệm kỳ trước đó, từng bước nâng cao vị thế và đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy công tác pháp chế trong doanh nghiệp và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tuy nhiên, CLB vẫn chưa thực sự phát huy hết thế mạnh của mình nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của CLB. Những tồn tại này xuất phát từ những hạn chế, khó khăn trong tổ chức và hoạt động của CLB, cụ thể như sau:

- Công tác phát triển hội viên còn hạn chế, tính đến nay tuy có hơn 1156 đơn vị thành viên đăng ký tham gia nhưng thực tế hoạt động cho thấy chỉ có hơn 650 đơn vị thường xuyên tham gia vào các hoạt động của CLB;

- Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên mới chỉ tập trung ở khu vực Hà Nội mà chưa có điều kiện mở rộng hoạt động ở các vùng, miền khác;

- Chưa phát huy được vị thế của CLB trong cộng đồng doanh nghiệp.

b. Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn trong tổ chức và hoạt động của CLB

Thứ nhất, về nguồn lực của CLB

- Hạn chế về nguồn kinh phí hoạt động: Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, CLB không được cấp phát kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, do đó, CLB phải tự chủ về tài chính, trong khi đó, hiện nay, CLB đang được củng cố và phát triển nên công tác thu phí doanh nghiệp hội viên còn chưa đạt được hiệu quả cao.  

- Hạn chế về nguồn nhân lực: Lãnh đạo điều hành CLB đều kiêm nhiệm. Chưa thu hút đông đảo các đối tượng là luật sư, luật gia, các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực pháp lý để tham gia vào hoạt động của CLB. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ của CLB tại Văn phòng CLB đa số là các cán bộ mới được tuyển dụng nên còn thiếu nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đòi hỏi phải có thời gian để trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc.

Thứ hai, hoạt động quảng bá hình ảnh cho CLB chưa được đầu tư đúng mức, do đó tầm ảnh hưởng của CLB trong cộng đồng doanh nghiệp không phát huy đúng với vị thế và vai trò.

Trên cơ sở vị trí, vai trò, những kết quả hoạt động trong thời gian qua cũng như những hạn chế khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới, trên tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Ban Soạn thảo đã đưa ra đề xuất xây dựng Đề án nhằm bám sát vị trí, vai trò, nhiệm vụ của CLB, đồng thời bảo đảm các nội dung của đề án có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với yêu cầu hiện nay đối với nhiệm vụ của CLB; khắc phục được những hạn chế, bất cập trong hoạt động, tạo chuyển biến mới, tích cực trong công tác pháp chế doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục tiêu chung là kiện toàn về tổ chức và đổi mới hoạt động của CLB, nâng cao vị thế của CLB trong cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp cũng như việc “tăng cường năng lực cho Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của Câu lạc bộ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Tư pháp tại Chỉ thị số 22/2007/CT-TTg ngày 26/10/2007 về phát triển doanh nghiệp dân doanh, qua đó thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào CLB, phấn đấu 5% trong tổng số doanh nghiệp (nhất là những doanh nghiệp có cán bộ hoặc tổ chức pháp chế trực thuộc) tham gia hoạt động của CLB[4] trong quá trình triển khai Đề án. Dự kiến Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của CLB sẽ được hoàn thành để lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ, các thành viên Ban Chủ nhiệm trong tháng 9/2009 và trình báo cáo Bộ trưởng tháng 10/2009.

Trần Minh Sơn


[1] Ngày 15 tháng 6 năm 2009, tại cuộc họp giao ban Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có kết luận cuộc họp: Phân công Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng chỉ đạo Ban Chủ nhiệm CLB phối hợp với Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan đánh giá kết quả 10 năm hoạt động của CLB, trên cơ sở đó xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của CLB giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020, tổ chức lấy ý kiến tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2009 của CLB, góp phần thiết thực kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập CLB.

[2] Ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Giam Khiêm tại Đại hội thành lập CLB năm 2000.

[3] Văn phòng đại diện của CLB đặt tại: Hải Phòng, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa  VŨng Tàu và Bạc Liêu.

[4] Theo Tổng kết của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện có khoảng 3% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam có cán bộ hoặc tổ chức pháp chế.

Hiện nay, CLB có 1156 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 0,25% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là: 413.000 doanh nghiệp. Phấn đấu đến 2016, nâng tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia CLB chiếm tỷ lệ 5% doanh nghiệp Việt Nam, đạt khoảng 20.000 doanh nghiệp hội viên.