Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học “Nghiên cứu Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” mới đây đã tổ chức cuộc toạ đàm nhằm tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Đề tài cấp Nhà nước này.
Trình bày chuyên đề “Vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong bộ máy nhà nước trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”, TS. Dương Thị Thanh Mai cho biết, đây là chuyên đề có bối cảnh nghiên cứu rộng. Không chỉ tổng kết 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH; 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược Cải cách tư pháp và 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính, chuyên đề còn nghiên cứu cả 65 năm kể từ khi ra đời cùng Nhà nước dân chủ nhân dân với 20 năm gián đoạn và gần 30 năm tái thành lập ngành Tư pháp.
Thông qua các kết quả nghiên cứu, bà Mai nhận xét, trong lĩnh vực pháp luật và hành chính tư pháp, Chính phủ hiện nay chưa được hiến định đủ các nhiệm vụ, quyền hạn để thực thi vai trò của hành pháp trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Riêng đối với Bộ Tư pháp, các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực pháp luật và thi hành pháp luật đã và đang định hình phù hợp với vị trí là một bộ phận cấu thành của Chính phủ và vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hành chính tư pháp, các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp hoặc thừa, hoặc thiếu, hoặc là được giao nhưng không đầy đủ, trọn vẹn.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bà Mai nhận thấy, Bộ Tư pháp các nước là một bộ phận thuộc Chính phủ hành pháp với 2 chức năng xây dựng pháp luật và hành chính tư pháp. Về xây dựng pháp luật, thường có mô hình lập pháp tập trung. Bà Mai đánh giá, mô hình này là rất có ích vì tránh được lợi ích cục bộ. Về hành chính tư pháp, đều có chức năng quản lý cơ quan công tố, quản lý nhà nước các tổ chức cung cấp dịch vụ công, tư vấn và đại diện cho Chính phủ về mặt pháp lý. Từ đó, bà Mai đề xuất Bộ Tư pháp trong tương lai sẽ mang tên là Bộ Pháp luật + Bộ Hành chính tư pháp.
Về vị trí, tiếp tục khẳng định là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và hành chính tư pháp với những nội dung mới. Chẳng hạn, trong xây dựng pháp luật, ngoài việc lập dự kiến các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì phải đề xuất chiến lược cải cách pháp luật cho Chính phủ, phải là trung tâm làm luật của Chính phủ trong quy trình lập pháp tập trung cũng như là trung tâm minh bạch hoá, đơn giản hoá hệ thống pháp luật. Hay trong thi hành pháp luật, bên cạnh việc theo dõi chung, còn phải phối hợp cùng các cơ quan chức năng phát hiện để yêu cầu Toà án hoặc Chính phủ xử lý các vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong hành chính tư pháp cần sự điều chỉnh lớn để có thể quản lý thống nhất công tác thi hành án, quản lý hoạt động công tố, đảm bảo các nguồn lực cho hệ thống toà án xét xử… Bà Mai hy vọng, sau năm 2015 sẽ được chứng kiến sự thay đổi lớn trong vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp tương lai.
Theo PGS-TS. Dương Đăng Huệ, Bộ Tư pháp trong tương lai như đề xuất của bà Mai là một sáng tạo. Ông Huệ bổ sung, ở khía cạnh là Bộ Pháp luật, Bộ Tư pháp tương lai còn phải là trung tâm nghiên cứu các vấn đề khoa học pháp lý, xây dựng một số văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến xã hội dân sự và quyền con người, là trung tâm nghiên cứu thi hành pháp luật… Ở khía cạnh Bộ Hành chính tư pháp, ông Huệ yêu cầu, phải nhấn mạnh được là Bộ không quản lý kinh tế mà chỉ quản lý nhà nước các hoạt động luật sư, hộ tịch, lý lịch tư pháp, công chứng… Song, ông Huệ lại ủng hộ mô hình xây dựng pháp luật phân tán. “Cán bộ ngành nào sẽ hiểu sâu sắc về tình hình của ngành đó hơn. Còn muốn hạn chế tính cục bộ ngành, chúng ta có nhiều cơ chế khác để khắc phục”, ông Huệ lý giải.
Một số đại biểu băn khoăn về tên gọi của Bộ Tư pháp trong tương lai. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, mặc dù chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhiều nhưng các nước vẫn chỉ gọi là Bộ Tư pháp. GS-TS. Lê Minh Tâm phản biện, nếu đặt tên như sáng kiến của bà Mai thì cần xác định lại nội hàm của khái niệm hành chính tư pháp, không chỉ đơn thuần bao gồm hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp, luật sư… Lúc đó, cần phải hiểu hành chính tư pháp rộng hơn, các lĩnh vực hành chính đều thuộc Bộ Tư pháp.
Hoàng Thư