Bảo vệ quyền sở hữu - nhìn từ góc độ luật so sánh

07/08/2009
Quyền sở hữu là vấn đề xương sống của luật dân sự, là tiền đề của các quan hệ pháp luật dân sự về tài sản. Chính vì vậy, Bộ luật dân sự của các quốc gia trên thế giới đều coi đây là chế định cơ bản cần tập trung quy định, làm cơ sở cho việc quy định các chế định khác như hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế… Bộ luật dân sự của Việt Nam năm 2005 (sau đây gọi tắt là BLDS) đã dành Phần thứ hai với tổng số 117 điều (từ Điều 163 đến Điều 279) để quy định về ‘‘Tài sản và quyền sở hữu’’.

I. KHÁI NIỆM QUYỀN SỞ HỮU VÀ BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU:

Quyền sở hữu là vấn đề xương sống của luật dân sự, là tiền đề của các quan hệ pháp luật dân sự về tài sản. Chính vì vậy, Bộ luật dân sự của các quốc gia trên thế giới đều coi đây là chế định cơ bản cần tập trung quy định, làm cơ sở cho việc quy định các chế định khác như hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế… Bộ luật dân sự của Việt Nam năm 2005 (sau đây gọi tắt là BLDS) đã dành Phần thứ hai với tổng số 117 điều (từ Điều 163 đến Điều 279) để quy định về ‘‘Tài sản và quyền sở hữu’’.

          Đã có không ít công trình nghiên cứu ở Việt Nam về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu. Trong chuyên đề này, chúng tôi tiếp cận vấn đề này theo phương pháp đánh giá tính khả thi của các quy định, chế định về bảo vệ quyền sở hữu trong thời gian qua, đồng thời đặt nó trong mối tương quan so sánh với pháp luật của các nước tiêu biểu cho các hệ thống luật khác nhau trên thế giới, để từ đó rút ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung BLDS 2005.

          Dưới đây chúng ta cùng xem xét một số khái niệm cơ bản: 

1.Quyền sở hữu:

 Điều 164 BLDS quy định:

Quyền sở hữu 

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản”.

Như vậy, BLDS đã đưa ra một định nghĩa về quyền sở hữu bằng cách liệt kê những nội dung của quyền sở hữu và chủ thể của quyền này. Đây có thể xem là một phương pháp lập pháp rất riêng của Việt Nam, vì qua nghiên cứu luật dân sự của các nước trên thế giới, chúng tôi thấy họ không đưa ra khái niệm về quyền sở hữu trong Bộ luật dân sự, mà khái niệm này chỉ tồn tại trong khoa học luật.

1.1. Quyền chiếm hữu:

Theo cách hiểu thông thường nhất thì chiếm hữu là sự nắm giữ, chi phối vật về mặt thực tế. Điều 182 BLDS quy định:

“Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản”.

Như vậy, BLDSđã coi chiếm hữu là một quyền năng, là một trong ba bộ phận cấu thành quyền sở hữu. Liên quan đến vấn đề này, ở Việt Nam hiện nay đang còn nhiều tranh luận. Tựu trung lại có hai quan điểm phổ biến sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng quyền sở hữu chỉ bao gồm hai nội dung: quyền sử dụng và quyền định đoạt. Còn chiếm hữu thực ra là một tình trạng chứ không phải là một quyền năng. Chiếm hữu là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của quyền sở hữu. Đây cũng là quan điểm trong luật dân sự của đa số các nước trên thế giới như Đức, Pháp, Nhật Bản...

Quan điểm thứ hai cho rằng cách quy định như Điều 173 BLDS hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Những người theo quan điểm này lý giải chiếm hữu là sự nắm giữ vật, tuy nhiên do sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà hiện nay có những vật không thể nắm giữ được (như năng lượng, sóng truyền hình…). Vấn đề chiếm hữu đã có từ thời nguyên thuỷ, từ khi chưa có pháp luật thì loài người đã chiếm hữu những vật sẵn có trong thiên nhiên. Khi có pháp luật rồi thì mới phát sinh khái niệm quyền chiếm hữu. Muốn chứng minh mình là chủ sở hữu thì tuỳ từng trường hợp: đối với bất động sản phải dựa vào việc đăng ký tài sản, còn đối với động sản thì bản thân sự chiếm hữu cũng là một cách thức để chứng minh. Không nên để ‘‘tình trạng chiếm hữu’’ như là khi xã hội chưa có luật pháp.

Chúng tôi cho rằng, tranh luận chiếm hữu là một tình trạng hay là một quyền sẽ có nguy cơ sa vào tranh luận về mặt học thuật. Vấn đề có ý nghĩa đặt ra là: cách quy định chiếm hữu là một bộ phận của quyền sở hữu như BLDS có ích lợi gì không? Dù chiếm hữu là một tình trạng hay một quyền thì vẫn cần phải có những quy định để bảo vệ sự chiếm hữu đó. Có nghĩa là để đảm bảo sự ổn định của các quan hệ pháp luật dân sự thì nên công nhận tình trạng chiếm hữu thực tế. Nếu không ta sẽ phải chứng minh tình trạng sở hữu tuyệt đối - một điều rất khó thực hiện và nhiều khi làm đảo lộn, thậm chí làm đảo lộn các quan hệ pháp luật dân sự. Qua tìm hiểu pháp luật của các nước trên thế giới (Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc…) chúng tôi thấy các nước đều quy định theo hướng đó và do vậy, các quy định về chiếm hữu là một chế định riêng so tách khỏi chế định sở hữu. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần kiến nghị sau.

1.2. Quyền sử dụng:

Điều 192 BLDS quy định:

“Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”.

Nói một cách dễ hiểu thì quyền sử dụng là quyền khai thác những lợi ích mang lại từ tài sản.

1.3. Quyền định đoạt:

Điều 195 BLDS quy định: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó”.

Quyền định đoạt có thể thực hiện bằng hai cách: quyết định số phận về mặt thực tế hoặc quyết định số phận về mặt pháp lý của tài sản.

2. Bảo vệ quyền sở hữu:

Quyền sở hữu là một trong các quyền cơ bản, quan trọng nhất của công dân, nên pháp luật của bất kỳ quốc gia nào cũng đều có những quy định để bảo vệ quyền sở hữu. Điều 58 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định: “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”.

Theo lý luận truyền thống của luật dân sự thì bảo vệ quyền sở hữu được hiểu là những biện pháp trong khuôn khổ pháp luật tác động đến hành vi xử sự của con người, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến quyền sở hữu, khắc phục những thiệt hại vật chất cho chủ sở hữu. Còn phương thức bảo vệ quyền sở hữu là cách thức mà Nhà nước và chủ sở hữu sử dụng để bảo vệ chủ sở hữu khỏi những hành vi xâm hại đến quyền sở hữu, khắc phục những thiệt hại vật chất cho chủ sở hữu. Quyền sở hữu được bảo vệ bằng các biện pháp hình sự,  hành chính hay dân sự. Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi tập trung đề cập đến bảo vệ quyền sở hữu bằng các biện pháp của dân sự.

BLDS năm 1995 đã dành hẳn Chương XV (Phần thứ hai), bao gồm 7 điều từ Điều 255 đến Điều 261 để quy định về bảo vệ quyền sở hữu. Ngoài ra, quy định về bảo vệ quyền sở hữu còn nằm rải rác ở một số điều khác, theo đó, chủ sở hữu có quyền bảo vệ quyền sở hữu thông qua các phương thức sau:

- Tự mình thực hiện hành vi bảo vệ quyền sở hữu;

- Yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp phải chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại;

- Yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

II. CÁC PHƯƠNG THỨC BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ:

1. Chủ sở hữu tự mình thực hiện hành vi bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp:

          Như chúng ta đã biết, đặc trưng lớn nhất của quyền dân sự là nguyên tắc tự định đoạt. Cũng chính vì lý do này mà luật dân sự được xếp vào luật tư ở những nước có sự phân biệt hệ thống pháp luật thành luật công và luật tư. Theo BLDS thì chủ sở hữu có quyền tự thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của chính mình. Ví dụ: chủ sở hữu nhà ở xây tường bao xung quanh nhà của mình để bảo vệ nhà của mình khỏi bị xâm phạm từ bên ngoài, chủ vườn cây ăn quả rào vườn và thuê người bảo vệ, trông nom vườn cây của mình…

  Quyền của chủ sở hữu tự mình thực hiện hành vi bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản của mình không phải là tuyệt đối, mà có giới hạn của nó. Giới hạn đó chính là “không được xâm phạm đến lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Các hành vi như: giăng dây điện quanh ao cá, vườn cây để chống trộm, làm hố chông quanh gốc cây ăn quả … dẫn đến làm người khác bị chết (kể cả kẻ trộm), đều bị coi là hành vi trái pháp luật,  phải bồi thường thiệt hại và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

          Các hành vi tự bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp trong thực tế rất đa dạng. Hiệu quả của các biện pháp này đến đâu phụ thuộc vào chính khả năng của bản thân chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Vấn đề đặt ra là khi chủ sở hữu không có năng lực hành vi dân sự để có thể tự mình bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm  hữu hợp pháp đối với tài sản, thì pháp luật dự liệu như thế nào? Cũng giống như Bộ luật dân sự các nước, BLDS đã có một cơ chế để xử lý vấn đề này, đó chính là chế định giám hộ. Theo Điều 65 BLDS, người giám hộ có nghĩa vụ:

“1. Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ;

2. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;

3. Quản lý tài sản của người được giám hộ;

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ”.

          Tất nhiên, bù lại, người giám hộ sẽ được thanh toán các chi phí cần thiết cho việc quản lý, bảo vệ tài sản của người được giám. Nếu người giám hộ có hành vi vi phạm pháp luật (như lợi dụng việc giám hộ để chiếm đoạt tài sản của người được giám hộ), thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trong trường hợp này, việc giám hộ bị chấm dứt để thay thế bằng một quan hệ giám hộ mới, với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

          Một biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu rất có hiệu quả của chủ sở hữu là biện pháp đăng ký quyền sở hữu. Cơ sở pháp lý của quyền này là Điều 167 của BLDS. Tuy nhiên, để xác định những loại tài sản nào phải đăng ký thì không chỉ dựa vào Bộ luật dân sự mà còn dựa vào các văn bản pháp luật chuyên ngành (Bộ luật Hàng hải, Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng...). Thông thường, tài sản đó là nhà ở, quyền sử dụng đất, ô tô, xe máy, tàu thuỷ, thuyền, máy bay... Việc đăng ký tài sản rất có ý nghĩa, vì trong các hợp đồng dân sự đòi hỏi phải đăng ký, nó là thời điểm hoàn tất việc chuyển giao quyền sở hữu, đồng thời là cũng là thời điểm để chủ sở hữu có quyền “đối kháng” với người thứ ba khi tài sản có tranh chấp. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng việc đăng ký tài sản ở Việt Nam hiện nay được thực hiện chưa nghiêm túc. Nguyên nhân là do thủ tục hành chính còn rườm rà, lệ phí cao so với mức sống trung bình của người dân, song nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa tốt[1]. Đây là một thực tế gây rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp xảy ra.

Trên thực tế, biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình là biện pháp diễn ra phổ biến nhất và cũng có hiệu quả nhất. Người Việt Nam có truyền thống “duy tình”, trường hợp kiện nhau ra Toà cũng không phải là “thói quen” như là một nét văn hoá hết sức bình thường ở các nước phương tây. Tuy nhiên, với sự phát triển của cơ chế thị trường, trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp bắt đầu có xu hướng tăng. Trong những trường hợp này, biện pháp tự bảo vệ xem ra không còn phát huy tác dụng, và chủ sở hữu phải sử dụng đến các biện pháp khác để có thể bảo vệ được quyền lợi của mình.

2.2. Chủ sở hữu yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp phải chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại:

Ví dụ 1: A là chủ sở hữu của một căn nhà. B là hàng xóm của A, trong khi đào móng làm nhà, đã đào sát tường nhà A, làm sụt và nứt tường của nhà A.

Ví dụ 2: C là chủ sở hữu một căn nhà. D là hàng xóm của C đã để ống thoát nước mưa của nhà mình chảy dội sang nhà C, làm ngấm tường của nhà C. Trong một lần mưa to, lượng nước mưa chảy xuống nhiều đã làm hư hỏng bức tranh quý của nhà C treo trên tường.

Các ví dụ trên xảy ra rất phổ biến trong thực tế. Trong các trường hợp trên, A và C với tư cách là chủ sở hữu có quyền gì đối với B và C không? Theo các quy định của BLDS Việt Nam, thì A và C, với tư cách là chủ sở hữu có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, có quyền yêu cầu B và C – những người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền sở hữu của mình – phải chấm dứt hành vi vi phạm. Tức là A có quyền yêu cầu B phải ngừng việc đào móng sát tường nhà của mình để tìm biện pháp khác; C có quyền yêu cầu D phải dẫn nước thoát theo đường ống khác để nước không chảy và ngấm sang tường nhà mình.

Tuy nhiên, tường nhà của A đã bị sụt và nứt, bức tranh quý của nhà C đã bị hư hỏng. A và C có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo cách thức và mức do hai bên thoả thuận.

Đây chính là cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trên thực tế thường thông qua con đường các bên “tự dàn xếp”. Như chúng tôi đã nói ở trên, xuất phát từ nguyên tắc tự định đoạt, nên các bên hoàn toàn có quyền tự bàn bạc, thu xếp với nhau mà không cần thông qua các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ chế này tỏ ra rất hữu hiệu trong rất nhiều trường hợp, vì nó có những lợi ích cơ bản sau đây:

Thứ nhất, các bên không phải mất thời gian, chi phí để khởi kiện tại Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

Thứ hai, xét về mặt tình cảm, như chúng tôi đã nói ở trên, với truyền thống duy tình của người Việt Nam, thì phương thức tự dàn xếp này nếu thành công sẽ giữ gìn được mối quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa các bên, duy trì được tình làng nghĩa xóm;

Thứ ba, nếu dàn xếp được, thì thông thường là các bên sẽ tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục và bồi thường thiệt hại, khỏi phải thông qua cơ chế thi hành bản án, quyết định dân sự-một vấn đề rất nhức nhối hiện nay khi các bản án, quyết định dân sự còn tồn đọng, không được thi hành trên thực tế còn đang chiếm một tỷ lệ rất lớn;

Thứ tư, có một thực tế ở Việt Nam hiện nay là nhiều vụ án hình sự (giết người, cố ý gây thương tích, cố ý huỷ hoại tài sản...) có nguồn gốc từ các tranh chấp dân sự. Nếu hoà giải thành thì có thể tránh được những trường hợp đau lòng, gây thiệt hại cho các bên đương sự và cho xã hội.

Rõ ràng, cơ chế trên vừa đem lại lợi ích cho các bên cũng như cho Nhà nước. Nhận thức được những lợi ích này, Nhà nước ta đã thiết lập cả một thể chế, thiết chế về hoà giải. Về thể chế, đó là Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về thiết chế, đó là các Tổ hoà giải ở cơ sở (xóm, thôn, tổ dân phố) dưới sự quản lý và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Tư pháp xã phường và Uỷ ban mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Cũng cần phân biệt cơ chế hoà giải “tiền tố tụng” này với cơ chế hoà giải mang tính tố tụng do Toà án thực hiện sau khi thụ lý vụ kiện. Đây chính là một trong những điểm ưu việt của pháp luật Việt Nam, được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao.

Cũng giống như biện phápchủ sở hữu tự mình thực hiện hành vi bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp, biện pháp tự dàn xếp này cũng có giới hạn của nó. Giới hạn đó cũng chính là “lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Các hành vi như tự ý tổ chức “cưỡng chế đòi nợ”, thoả thuận dàn xếp với nhau để vi phạm quyền lợi của người thứ ba… đều bị coi là hành vi trái pháp luật và bị xử lý (cả về mặt hình sự hoặc hành chính nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc vi phạm). Pháp lệnh hoà giải cũng quy định phạm vi hoà giải không bao gồm các vụ việc có dấu hiệu hình sự hoặc hành chính. Trong những trường hợp trên, việc chủ sở hữu thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu của mình đã vượt quá giới hạn cần thiết và do vậy, bị coi là bất hợp pháp.

Cơ chế “tự dàn xếp” sẽ không phát huy tác dụng nếu bên vi phạm vẫn cố tình vi phạm mặc dù chủ sở hữu đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, các bên đương sự không thoả thuận được với nhau về cách thức, mức bồi thường thiệt hại… Trong các trường hợp này, chủ sở hữu nếu muốn thực hiện việc bảo vệ quyền sở hữu của mình, thì chỉ còn cách yêu cầu Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác can thiệp.

2.3. Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Xét về mức độ can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ pháp luật, thì trong quan hệ pháp luật dân sự, sự can thiệp này ở mức độ thấp nhất, xuất phát từ chính bản thân quan hệ pháp luật dân sự là quan hệ mang tính bình đẳng thoả thuận giữa các bên, Nhà nước chỉ can thiệp khi thật cần thiết. Trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, mặc dù chủ sở hữu đã yêu cầu người có hành vi vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại, nhưng không đạt được kết quả như mong muốn, thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác - với tư cách là cơ quan công quyền - buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2.3.1. Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu:

Xét về mặt khoa học luật, người ta thường gọi đây là phương thức kiện buộc chấm dứt hành vi. Trở lại ví dụ đã dẫn ở phần trên:

A là chủ sở hữu căn nhà mình đang ở. B là hàng xóm của A. Trong lúc đào móng làm nhà, do không tuân thủ quy trình, quy phạm kỹ thuật xây dựng, B đã đào móng sát tường của nhà A và đã làm tường nhà A sụt, nứt một đoạn. A đã yêu cầu B chấm dứt việc đào móng nhà để hai bên bàn bạc cách giải quyết, nhưng B vẫn tiếp tục đào móng làm nhà và hậu quả là tường nhà A tiếp tục bị sụt, nứt ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình thường trong gia đình.

Trong trường hợp này, theo quy định của BLDS, A có quyền làm đơn gửi đến Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh)[2] để đề nghị các cơ quan này can thiệp. Theo pháp luật hiện hành thì cần phân biệt 02 trường hợp:

- Nếu A gửi đơn yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết, thì Toà án sẽ áp dụng thủ tục tố tụng dân sự (theo Bộ luật tố tụng dân sự) để giải quyết. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của A và xét thấy có đủ các điều kiện cần thiết, Toà án sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để buộc B ngừng việc xây dựng nhằm đảm bảo quyền lợi cho A. Sau khi có phán quyết của Toà án đã có hiệu lực pháp luật về việc buộc B chấm dứt hành vi đào móng sát tường nhà của A, nếu B không tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ buộc B phải thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

 - Nếu A gửi đơn yêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết, thì Uỷ ban nhân dân sẽ áp dụng các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính để giải quyết. Theo Pháp lệnh này cũng có cơ chế áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính bằng cách buộc B chấm dứt hành vi đào móng sát tường của nhà A.

Trong thực tế, các tranh chấp có đối tượng là hành vi trái pháp luật như trên chủ yếu liên quan đến bất động sản. Một ví dụ nữa cũng rất điển hình là hành vi xây tường bao hoặc tường rào chắn lối đi của nhà hàng xóm. Qua thực tiễn giải quyết các tranh chấp dạng này tại Toà án hoặc Uỷ ban nhân dân các cấp, có thể rút ra một số nhận xét sau:

- Hành vi là đối tượng của việc kiện phải là hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật ở đây được hiểu không chỉ là trái với các quy định của Bộ luật dân sự, mà còn trái với quy định của các văn bản pháp luật khác (như đất đai, xây dựng…). Đặc điểm chung của các hành vi này là cản trở chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp thực hiện những quyền năng của mình trong khuôn khổ pháp luật.

-Trên thực tế, loại việc này thường liên quan đến bất động sản liền kề như nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, lối đi chung...

2.3.2. Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản:

Phương thức kiện này được gọi phổ biến là kiện vật quyền (kiện đòi lại tài sản). Loại việc này diễn ra khá phổ biến tại các Toà án trong những năm vừa qua, đặc biệt là kiện đòi nhà, đất.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ luật dân sự đã quy định về nghĩa vụ hoàn trả tài sản do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Theo đó, trong mọi trường hợp, người chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật, thì có nghĩa vụ hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó. Điều kiện để thực hiện biện pháp kiện vật quyền là:

+Vật rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thông qua quan hệ hợp đồng. Ví dụ: bị mất, bị lấy cắp, bị cướp...

+Người thực tế đang chiếm hữu, sử dụng tài sản là người chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật.

+Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp phải chứng minh được vật đang bị chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật là vật thuộc quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình. Trên thực tế, để chứng minh được thì tài sản thường phải là vật đặc định.

+Vật là đối tượng của việc kiện vẫn chưa bị xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.

Liên quan đến vấn đề thời hiệu, Điều 247 BLDS đã quy định rất rõ ràng:

1. Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật thì dù ngay tình, liên tục, công khai, dù thời gian chiếm hữu là bao lâu cũng không thể trở thành chủ sở hữu tài sản đó”.

Vấn đề đặt ra là quan hệ pháp luật dân sự diễn ra trong thực tế rất sinh động, không phải trong trường hợp nào tài sản cũng chỉ rời khỏi chủ sở hữu sang người khác và dừng ở đó, mà có rất nhiều trường hợp người chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật lại chuyển giao tài sản đó cho người thứ ba. Vậy trong trường hợp này, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền đòi lại vật hay không? Liên quan đến vấn đề này, Điều 257 và 258 BLDS quy định:

- Điều 257: Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

- Điều 258: Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

Qua hai điều luật trên có thể thấy BLDS nghiêng về trường phái bảo vệ quyền sở hữu một cách tuyệt đối. Người thứ ba dù ngay tình hay không ngay tình khi chiếm hữu vật do người chiếm hữu, sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật đã chuyển giao cho mình, thì trong mọi trường hợp, khi bị chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp kiện vật quyền, đều phải có nghĩa vụ hoàn trả tài sản (tất nhiên trừ trường hợp xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu).

Về vấn đề này, pháp luật của các nước có quy định rất khác với luật dân sự của Việt Nam:

- Bộ Luật dân sự của Pháp quy định chủ sở hữu có quyền ưu tiên (“droit de référence”) trong việc kiện đòi lại tài sản thuộc sở hữu của mình đã rời khỏi sự chiếm  hữu của mình mà không thông qua quan hệ hợp đồng (không thông qua ý chí của chủ sở hữu). Tuy nhiên, quyền đòi lại vật cũng không phải là tuyệt đối: “Người nào đã đánh mất hoặc đã bị lấy trộm một vật thì có thể đòi lại vật từ người đang giữ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày mất, nhưng người giữ vật có thể kiện lại người đã chuyển nhượng vật cho mình” (Điều 2279). Như vậy, trong trường hợp đánh mất hoặc đã bị lấy trộm một vật, thì chủ sở hữu chỉ có thời hạn là 03 năm để thực hiện quyền đòi lại vật.

- Luật dân sự của Nhật Bản cũng quy định theo cách tương tự, nhưng thời hạn là 02 năm.

- Luật dân sự của Đức cũng quy định tương tự[3].

Qua các cuộc trao đổi với các chuyên gia quốc tế, chúng tôi được biết, quy định trên của pháp luật các nước là xuất phát từ mục đích bảo vệ sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự, mặt khác, tạo cho chủ sở hữu phải có ý thức cảnh giác cao trong việc bảo quản tài sản của mình để không bị mất hoặc bị ăn cắp.

Còn trong Bộ luật dân sự Việt Nam, có thể thấy quyền đòi lại vật của chủ sở hữu là rất mạnh. Trên cơ sở các quy định này, chủ sở hữu có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình phải trả lại tài sản đó, cho dù người thứ ba là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Tất nhiên, phương thức hoàn trả sẽ có sự khác nhau: nếu là không ngay tình thì người chiếm hữu, người sử dụng, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; còn nếu là ngay tình, thì chỉ phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (Điều 606 BLDS). Trong trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đã bỏ chi phí ra để làm tăng giá trị của tài sản, thì sẽ được thanh toán những chi phí đó khi họ phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu.

Vậy phải chăng người thứ ba ngay tình không được pháp luật bảo vệ? Họ vẫn được pháp luật bảo vệ, nhưng theo một phương thức khác, đó là kiện đòi bồi thường thiệt hại (kiện trái quyền) mà chúng tôi sẽ trình bày tiếp ở phần sau.

Có thể thấy rằng việc pháp luật quy định người thứ ba ngay tình phải hoàn trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp sẽ là một bất lợi lớn đối với họ trong rất nhiều trường hợp. Nếu đó là tài sản mà người này đã đầu tư vào kinh doanh (ví dụ máy móc, trang thiết bị kỹ thuật…), thì khi phải trả lại, họ sẽ phải chịu những xáo trộn nhất định trong công việc của mình. Hoặc nếu đó là những tài sản quý hiếm (tranh quý, đồ mỹ nghệ, đồ trang sức…) mà họ đã bỏ tiền ra mua để sưu tập, làm kỷ niệm... nay dù không muốn trả lại thì họ vẫn buộc phải trả lại nếu chủ sở hữu có yêu cầu đòi lại tài sản. Tóm lại là dù không muốn trả lại tài sản vì lý do nào đó, nhưng khi bị chủ sở hữu kiện đòi tài sản, thì người thứ ba ngay tình vẫn phải trả lại tài sản. Rồi để thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình, họ lại phải đeo đuổi một vụ kiện khác: kiện người đã giao tài sản cho mình phải bồi thường thiệt hại, mà điều này cũng không phải là dễ dàng nhất là trong trường hợp tài sản đã qua tay nhiều người[4].

2.3.3. Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải bồi thường thiệt hại:

          Phương thức này còn được gọi là kiện trái quyền.

  Điều 260 BLDS quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại”.

          Ngoài chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người thứ ba ngay tình cũng có quyền khởi kiện yêu cầu người đã xác lập giao dịch với mình phải bồi thường thiệt hại (kiện trái quyền), nếu tài sản bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc trả lại cho người có quyền nhận tài sản đó.

          Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định khá rộng và phức tạp. Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi chỉ xem xét vấn đề dưới góc độ như là một biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, mà không đi sâu phân tích các quy định chi tiết (như năng lực chịu trách nhiệm bồi thường, xác định thiệt hại, bồi thường thiệt hại trong từng trường hợp cụ thể...).

          Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản phát sinh từ hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, pháp nhân như làm mất, phá huỷ, huỷ hoại tài sản... Ý nghĩa của chế định bồi thường thiệt hại về tài sản là một mặt, nhằm khôi phục những thiệt hại về vật chất mà người gây thiệt hại đã gây ra cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp; mặt khác, giáo dục mọi người ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người khác.

          Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu cũng là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, do đó, về nguyên tắc, nó chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

          +Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật;

          +Có thiệt hại thực tế xảy ra;

          +Có lỗi của người gây thiệt hại;

          +Có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra[5].

          Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là phải toàn bộ, kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật, hoặc thực hiện một công việc, về phương thức bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

          Về cơ bản, các quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại đối với tài sản được đánh giá là tương đối hoàn thiện và đã phát huy tác dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

III. THỰC TIỄN TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỞ HỮU TẠI TOÀ ÁN TRONG THỜI GIAN QUA:

          Theo báo cáo tổng kết của Toà án nhân dân tối cao, trong những năm vừa qua, các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 1997, Toà án các cấp đã giải quyết 70.832 vụ tranh chấp về dân sự, năm 1998 là 93.266 vụ, năm 1999 là 92.441 vụ, năm 2000 là111.721 vụ[6]; trong số đó chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến tài sản và quyền sở hữu. Trong điều kiện án lệ vẫn chưa được thừa nhận là một nguồn của pháp luật, thì việc vận dụng các quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan để giải quyết các tranh chấp thuộc loại này đã phát sinh những khó khăn nhất định. Dưới đây, chúng tôi xin đơn cử một số trường hợp điển hình.

1. Một số vụ kiện điển hình:

*Vụ thứ nhất:

Vụ kiện giữa nguyên đơn: anh Nghiêm Ngọc Q, sinh năm 1961

Bị đơn: ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1942 (ở đây chúng tôi không tiện nêu tên cụ thể).

Gia đình anh Nghiên Ngọc Q ở thửa đất tại xóm Núi, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ năm 1987 đến năm 1991. Do nhu cầu về lối đi nên anh Q đã xin địa phương cho phép mở lối đi ra đường mới liên thôn.

Năm 1995, ông H mua quyền sử dụng đất của bà Loan là hàng xóm của anh Q và xây nhà cho con trai là Hà ra ở. Ông H đã đi vào lối đi mà anh Q đã đi từ trước. Đến tháng 2/2000, anh Q cải tạo lại ngõ và không cho ông H đi nhờ nữa, từ đó hai bên xảy ra xô xát, bất hoà. Anh Q cho rằng lối đi này là của riêng gia đình anh vì đã được chính quyền địa phương công nhận và đã được cấp sổ bìa đỏ từ năm 1998. Còn ông H thì cho rằng trong quyết định giao đất cho ông đã ghi rõ phía bắc giáp ngõ nên gia đình ông cứ đi.

          Anh Q khởi kiện vụ án. Tại án dân sự sơ thẩm số 35 ngày 20/10/2000, Toà án nhân dân huyện Từ Sơn đã quyết định: xác nhận phần đất làm lối đi là đối tượng của tranh chấp có diện tích 60,3 m2 là thuộc quyền sử dụng của anh Q.

          Ông H không đồng ý với bản án sơ thẩm và đã kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm dân sự số 90 ngày 15/12/2000, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã quyết định y án sơ thẩm.

          Án có hiệu lực pháp luật, nhưng gia đình ông H không nghiêm túc thực hiện mà thường xuyên có hành vi cản trở anh Q thực hiện quyền của mình. Ngày 6/1/2001, anh Q xây tường trên phần lối đi cũ, ông H cùng các con xông ra ngăn cản, tháo dỡ, chửi bới nên anh Q không xây dựng được. Đến ngày 26/3/2001, Đội thi hành án Từ Sơn ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với gia đình ông H, nên ngày 29/3/2001, gia đình anh Q mới xây dựng được tường ngăn cao 2m.

          Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, trên thực tế loại việc này thường liên quan đến bất động sản liền kề như nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, lối đi chung. Qua trao đổi với các thẩm phán trực tiếp xét xử các loại án này, chúng tôi được biết khó khăn lớn nhất là việc xác định chứng cứ, mà cụ thể là xác định nguồn gốc đất. Trong vụ kiện trên, sở dĩ anh Q thắng kiện là vì anh đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). Trong đa số các trường hợp tranh chấp thường bên nguyên đơn không chứng minh được nguồn gốc đất mà mình đang sử dụng vì không có bìa đỏ và các giấy tờ cần thiết khác.  

*Vụ thứ hai:

          Vụ kiện đòi nhà giữa ông T và ông B tại tỉnh Tiền Giang. Vụ án có nội dung cụ thể như sau:

          Ngôi nhà tại ấp 4, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được toạ lạc trên tổng diện tích 86,12 m2 nguyên thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn B (diện tích này ông B chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Vào năm 1978, ông B cho ông Huỳnh Văn T mượn nền nhà và đất trên để ở tạm. Nay có nhu cầu sử dụng, ông B yêu cầu ông T phải trả nền nhà và đất mà ông đã cho mượn năm 1978, nhưng ông T không thực hiện.

          Sau khi thụ lý và điều tra vụ việc, Toà án nhân dân huyện Cái Bè đã đưa vụ án ra xét xử và đã ra phán quyết (bản án số 129/STDS ngày 22/8/1996) với nội dung: buộc ông T phải trả cho ông B toàn bộ nền nhà trên diện tích đất 86,12m2. Ông B có trách nhiệm thanh toán lại cho ông T tiền chi phí nâng cấp nền nhà, lấp ao, xây dựng... với tổng số tiền là 3.152.920 đồng.

          Ông T không đồng ý với bản án sơ thẩm và kháng cáo. Tại bản án số 159/DSPT ngày 27/5/1997, Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã quyết định: bác yêu cầu đòi nền nhà của ông B và cho rằng không có căn cứ hợp pháp (quyết định khác hẳn án sơ thẩm).

          Sau khi có bản án phúc thẩm nói trên, ông B đã gửi đơn khiếu nại lên Toà án nhân dân tối cao. Sau khi xem xét lại toàn bộ vụ kiện, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang. Tại bản án giám đốc thẩm số 413 ngày 24/9/1997, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao đã quyết định: chấp nhận kháng nghị và xử huỷ án phúc thẩm, giữa nguyên quyết định của án sơ thẩm.

          Sau khi có bản án giám đốc thẩm, ông T lại có đơn khiếu nại lên Chánh án Toà án nhân dân tối cao vì ông T cho rằng án giám đốc thẩm là thiếu khách quan, không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của ông.

          Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã có văn bản trả lời bản án giám đốc thẩm của Toà Dân sự-Toà án nhân dân tối cao là có căn cứ và đúng pháp luật.

          Qua vụ việc trên có thể thấy, bản án sơ thẩm và giám đốc thẩm chỉ chấp nhận quyền sở hữu đối với nền nhà. Nền nhà là phần có liên quan đến nguyên vật liệu có thể được công nhận quyền sở hữu. Đối với quyền sử dụng đất, do ông B chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp nên các bản án không đề cập đến. Đặc trưng của bất động sản là “không di dời được”, nên các bản án chỉ quyết định quyền sở hữu nền nhà trên một khuôn viên đất. Còn quyền sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận hợp pháp nên không được Toà án đề cập đến. Quyết định như vậy, theo chúng tôi, là hợp lý, một mặt bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, mặt khác tránh được sự lợi dụng khi giải quyết tranh chấp hiện nay nhằm hợp pháp hoá quyền sử dụng đất chưa có giấy tờ hợp pháp. 

* Vụ thứ ba:

Ngày 2/7/1994, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang (NHNN&PTNT tỉnh Bắc Giang) - Chi nhánh liên xã số 3, lập khế ước cho anh Nguyễn Minh Hồng, ở thị xã Bắc Giang, vay số tiền 9000.000 đồng, thời hạn 01 năm, tài sản thế chấp là toàn bộ căn nhà và đất của anh Hồng và vợ là chị Vũ Thị Đoàn. Sau đó, phía Ngân hàng gia hạn cho anh Hồng trong khế ước, thời điểm thanh toán nợ là 2/7/1997. Đến thời hạn, anh Hồng không thanh toán được nợ và lãi phát sinh.

Năm 1999, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu anh Hồng, chị Đoàn phải thanh toán nợ gốc và lãi phát sinh cho Ngân hàng. Trong quá trình thực hiện, tiến hành các thủ tục về việc thế chấp tài sản để vay vốn, anh Hồng đã thế chấp toàn bộ nhà đất thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Theo quy định thì tài sản thế chấp thuộc sở hữu chung của nhiều người hoặc sở hữu chung của hộ gia đình thì phải được cam kết bằng văn bản của những đồng sở hữu hoặc của những thành viên đồng sở hữu trong hộ gia đình, đồng ý giao cho người đại diện vay vốn và ký hợp đồng thế chấp tài sản.

Trong trường hợp vụ kiện cụ thể này, tài sản thế chấp thuộc sở hữu của chung của anh Hồng, chị Đoàn. Khi thế chấp, phía Ngân hàng không yêu cầu anh Hồng phải lấy ý kiến đồng ý của đồng sở hữu, dẫn đến việc phát mại tài sản thế chấp để thu hồi vốn gặp rất nhiều khó khăn. Khi giải quyết vụ án, cơ quan Toà án phải mất nhiều thời gian để điều tra, xác minh để xác định việc anh Hồng vay vốn của Ngân hàng và thế chấp tài sản thì chị Đoàn đều biết và không có ý kiến phản đối. Số tiền vay được cũng được sử dụng vào mục đích chung của gia đình. Từ đó Toà án mới ra phán quyết: buộc anh Hồng và chị Đoàn cùng có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi phát sinh cho NHNN&PTNT tỉnh Bắc Giang. 

2. Một số nhận xét:

Trên đây, chúng tôi chỉ dẫn ra một số ví dụ điển hình. Trong thực tế tranh chấp về quyền sở hữu là hết sức phức tạp. có nhiều vụ phải xử đi xử lại đến hàng chục lần, nhiều người phải mất hơn chục năm trời ôm đơn đi khiếu kiện tại Toà án nhân dân từ địa phương lên trung ương. Trong việc giải quyết các tranh chấp thuộc loại này, Toà án thường gặp một số khó khăn vướng mắc sau:

Thứ nhất, nhiều quy định của pháp luật còn thiếu hoặc chưa rõ ràng nên rất khó vận dụng, đặc biệt là các văn bản pháp luật về đất đai và nhà ở, nên mỗi địa phương vận dụng một kiểu[7];

Thứ hai, vấn đề xác minh nguồn gốc tài sản, đặc biệt là nhà, đất ở Việt Nam hiện nay rất khó, nguyên nhân là tình trạng đất không có bìa đỏ, nhà không có giấy chứng nhận quyền sở hữu đang khá phổ biến. Qua đây chúng tôi muốn nói rằng tình hình triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian qua rất chậm, gây không ít khó khăn cho các bên đương sự và Toà án các cấp trong việc xác định, đánh giá chứng cứ để giải quyết các tranh chấp có liên quan;

Thứ ba, vấn đề xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng khi ly hôn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do phong tục tập quán ở Việt Nam quan niệm hôn nhân là việc rất đặc thù, không phải là quan hệ dân sự nên không có chuyện hai bên nam nữ kê khai tài sản chung, tài sản riêng, tài sản có trước hay có sau thời kỳ hôn nhân... Nhưng khi ly hôn, có tranh chấp phát sinh về tài sản, thì các bên thường không đưa ra được chứng cứ để chứng minh tài sản của mình, nhất là trường hợp vợ chồng lại ở chung với cha mẹ (cha mẹ chồng hạc cha mẹ vợ). Trong nhiều trường hợp, Toà án gặp rất nhiều vướng mắc trong việc xác định tài sản và nhiều khi phán quyết của Toà án chưa thực sự bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Thực tế cho thấy người bị thua thiệt thường là người vợ.

Thứ tư  là vấn đề xác định nguồn gốc tài sản là động sản. Như chúng tôi đã nói ở trên, có một tình trạng thực tế ở Việt Nam hiện nay là có những tài sản đã bị chuyển dịch một cách bất hợp pháp qua tay nhiều người, rất khó xác định được cụ thể đã qua tay những ai. Điển hình là việc mua bán xe máy trao tay không qua thủ tục sang tên trước bạ diễn ra khá phổ biến. Khi có tranh chấp, các bên đương sự và toà án các cấp gặp rất nhiều khó khăn để xác minh nguồn gốc của tài sản (có trường hợp một chiếc xe máy đã bị mua đi bán lại hàng chục lần nhưng không qua thủ tục sang tên trước bạ).

Tóm lại, trong số các khó khăn vướng mắc trên, có nguyên nhân xuất phát từ quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn, có nguyên nhân xuất phát từ cơ chế thi hành pháp luật còn kém hiệu quả.

 IV. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ

          Qua các phân tích ở trên, dưới góc độ nghiên cứu, chúng tôi xin có một số kiến nghị về chế định bảo vệ quyền sở hữu nhằm phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự lần này. 

          1. Nên cụ thể hoá hớn quy định về bảo vệ quyền chiếm hữu:

          Rõ ràng, việc coi chiếm hữu là một trong những nội dung của quyền sở hữu kéo theo sự đồng nhất giữa bảo vệ quyền sở hữu và bảo vệ quyền chiếm hữu trong Bộ luật dân sự hiện hành của chúng ta trong thời gian qua đã tỏ ra bất cập. Chế định pháp luật này vô hình trung đã đặt lên vai người đi kiện (nguyên đơn) nghĩa vụ rất nặng nề là họ phải chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với tài sản tranh chấp, trong điều kiện nước ta hiện nay việc này không hề đơn giản, nhất là đối với bất động sản (nhà, đất) không có giấy tờ chứng nhận mà trong đa số trường hợp, lỗi không phải do người dân mà do chính cơ quan hành chính Nhà nước triển khai chậm). Chính vì tình trạng cung cấp, xác minh, đánh giá chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn mà thời hạn tố tụng bị kéo dài, dẫn đến số lượng án tồn đọng ngày càng tăng, nhiều bản án thiếu khách quan vì không phản ánh đúng bản chất của vụ việc, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không được bảo đảm.

Đã đến lúc Bộ luật dân sự cần tách riêng chế định chiếm hữu khỏi chế định sở hữu, kéo theo đó là phải có những quy định riêng về bảo vệ quyền chiếm hữu. Sự chiếm hữu cần phải được suy đoán là chiếm hữu của chủ sở hữu, đó là một nguyên tắc rất quan trọng trong pháp luật của các nước, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với công dân trong việc thực hiện quyền của mình.

Vậy người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật hay không có được pháp luật bảo vệ không? Theo các quy định Bộ luật dân sự hiện hành của Việt Nam thì họ không được bảo vệ. Thực ra cũng phải nói rằng cách phân loại chiếm hữu có hay không có căn cứ pháp luật là cách phân loại rất riêng của Việt Nam, còn luật dân sự của  các nước không có sự phân biệt như vậy. Pháp luật các nước trên thế giới từ lâu đã thừa nhận nguyên tắc: sự ngay tình bao giờ cũng được suy đoán; người nào viện dẫn sự không ngay tình thì phải có nghĩa vụ chứng minh. Chúng tôi cho rằng bất luận trong trường hợp nào, người chiếm hữu vẫn có quyền kiện bảo vệ sự chiếm hữu tài sản của mình. Như vậy, kể cả trong trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật (theo cách phân loại riêng của luật dân sự Việt Nam), thì pháp luật vẫn cần phải bảo vệ quyền lợi của họ. Ví dụ:

A là chủ sở hữu chiếc xe máy. B ăn trộm chiếc xe và bán cho C (C biết rõ chiếc xe là của ăn cắp nhưng vẫn mua). C dùng chiếc xe máy này để đi, rồi lại bị D ăn cắp.

Trong ví dụ trên, chúng tôi cho rằng C vẫn có quyền kiện D phải trả lại xe cho mình (tất nhiên là C phải có đầy đủ chứng cứ). Tóm lại là pháp luật cần công nhận tình trạng chiếm hữu trước đã, còn việc xác định ai là chủ sở hữu đích thực thì giải quyết trong một vụ kiện khác nếu các bên có yêu cầu. Quy định này rất có tác dụng trong việc bảo vệ sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự trong điều kiện kinh tế thị trường. Đây cũng là cách xử lý trong Bộ luật dân sự của nhiều nước trên thế giới. 

2. Cần có biện pháp bảo vệ người thứ ba ngay tình mạnh mẽ hơn.

Cho rằng một mặt, vẫn phải bảo vệ chủ sở hữu, nhưng mặt khác cũng phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình nhằm đảm bảo sự ổn định của các quan hệ dân sự tránh gây nhiều xáo trộn, đồng thời nhằm thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, nên chăng cần tham khảo quy định của pháp luật các nước điển hình trên thế giới: trong trường hợp tài sản bị chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đánh mất hoặc bị lấy cắp, thì có quyền đòi lại vật từ người chiếm hữu ngay tình trong một thời hạn nhất định (có thể cân nhắc quy định từ 2-3 năm kể từ ngày mất), nhưng người này có quyền kiện lại người đã chuyển giao vật cho mình bồi thường thiệt hại. 

3. Hoàn thiện pháp luật và thiết chế đăng ký tài sản:

Việc đăng ký tài sản rất quan trọng, một mặt là cơ sở để chủ sở hữu bảo vệ quyền lợi của mình và đối kháng với người thứ ba khi có tranh chấp phát sinh; mặt khác tạo điều kiện rất thuận lợi cho Toà án trong việc xác định chứng cứ để xét xử các tranh chấp. Bộ luật dân sự cần đưa ra những nguyên tắc chung về đăng kỳ tài sản, giá trị pháp lý của việc đăng ký... Sau đó, cần ban hành Luật về đăng ký tài sản (hoặc nếu chưa có điều kiện thì trước mắt cần ban hành Luật về đăng ký bất động sản) như kinh nghiệm của Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới, nhằm pháp điển hoá các quy định về đăng ký tài sản còn đang nằm rải rác ở các văn bản pháp luật chuyên ngành. Hệ thống cơ quan đăng ký tài sản cũng phải được tổ chức và hoạt động có hiệu quả, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và làm sao phải tạo thuận lợi nhất cho người dân. 

4. Nâng cao hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong thực tiễn:

Vấn đề này tuy không thuộc phạm vi nghiên cứu của chuyên đề, nhưng chúng tôi cũng xin đề cập qua, vì chúng tôi suy nghĩ rằng vấn đề xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật tuy là hai vấn đề song chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau.

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, xuất phát từ đặc trưng của bản thân quan hệ pháp luật dân sự, mà mỗi công dân, pháp nhân cần phải tự mình có những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu sao cho có hiệu quả nhất và tất nhiên là phải trong khuôn khổ của pháp luật. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, thì các bên cần tận dụng tối đa cơ chế hoà giải, dàn xếp với nhau vì cơ chế này có những lợi ích như chúng tôi đã trình bày ở trên, đặc biệt trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay[8].

Cần tăng cường công tác phổ biến giáo dục các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu đến người dân, đồng thời hoàn thiện và tăng cường năng lực hoạt động của các thiết chế (Toà án, trọng tài, thi hành án, luật sư, công chứng...) nhằm bảo đảm cho các quy định về bảo vệ quyền sở hữu thực sự đi vào cuộc sống.

Đây là những vấn đề rất lớn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và đặc biệt là phải có sự quan tâm của Nhà nước theo lộ trình cụ thể để làm sao thực sự nâng cao được hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong thực tiễn./.

TS. Nguyễn Hữu Huyên - Song Huy

 


 

[1] Rất nhiều người dân Việt Nam sinh sống ở nông thôn không chịu kê khai đất mình đang ở để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất (cấp bìa đỏ), vì họ suy nghĩ rất đơn giản rằng: “đất này là đất thổ cư do cha ông để lại, cần gì phải đăng ký cho phiền phức và tốn kém!”

[2] Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi không đi sâu vào vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Xung quanh vấn đề này ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại rất nhiều điểm rất phức tạp trong việc phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Toà án với Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là các tranh chấp về đất đai.

[3] Xem kỷ yếu Hội thảo do Viện KAS CHLB Đức tài trợ về chủ đề Sở hữu và Hợp đồng (tháng 9/2006).

[4] Có một tình trạng thực tế ở Việt Nam hiện nay là có những tài sản đã bị chuyển dịch một cách bất hợp pháp qua tay nhiều người, rất khó xác định được cụ thể đã qua tay những ai. Điển hình là xe máy: tình trạng mua bán trao tay không qua thủ tục sang tên trước bạ diễn ra  khá phổ biến.

[5] Chúng tôi không đi sâu phân tích 4 yếu tố này, vì nó khá rộng, phức tạp và xa phạm vi nghiên cứu của chuyên đề.

[6] Số liệu lấy từ Báo cáo tổng kết ngành các năm 1997, 1998, 1999, 2000 của Toà án nhân dân tối cao. Chúng tôi chi thống kê các vụ được giải quyết ở cấp  sơ thẩm.

[7] Điển hình nhất là vấn đề cách thức định giá đất khi đền bù hoặc bồi thường trong Bộ luật dân sự cũng chưa được quy định rõ...

[8] Trong các Báo cáo tổng kết ngành Toà án, Toà án nhân dân tối cao bao giờ cũng nhấn mạnh đến lợi ích của cơ chế này và lưu ý các Toà án nhân dân địa phương phải quán triệt nguyên tắc hoà giải.