Từ 1/8, thống nhất “sổ đỏ”, “sổ hồng”: Phải đến ngày 1/10 mới có mẫu giấy thống nhất (Bài 3)

31/07/2009
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, việc chuẩn bị thống nhất một giấy cho đất và nhà cùng tài sản gắn liền với đất được tiến hành đến đâu? Mẫu giấy mới được thiết kế ra sao? Người dân có nhất thiết phải đổi giấy cũ sang giấy mới không?... Xung quanh những vấn đề trên, Thứ trưởng thường trực Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức đã có cuộc trao đổi với báo giới.

- Xin thứ trưởng cho biết tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn việc cấp một giấy?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có việc thống nhất một loại giấy sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Chính phủ ban hành ngay nghị định hướng dẫn thì theo quy định hiện hành, phải sau 45 ngày nghị định mới có hiệu lực. Bộ TNMT đang hoàn tất dự thảo nghị định hướng dẫn cấp một giấy cho nhà đất để trình Chính phủ trong tháng 7. Song song đó, Bộ cũng đang soạn thảo thông tư hướng dẫn. Quan trọng nhất là trình tự, thủ tục cấp một giấy sao cho đơn giản, dễ dàng.

- Thưa ông, có thông tin rằng mẫu giấy mới có nhiều ưu điểm nhưng sẽ chưa được cấp vào ngày 1/8?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức: Luật có hiệu lực nhưng phải có Nghị định hướng dẫn, có mẫu giấy mới thì mới tổ chức tập huấn để triển khai cấp cho dân. Bởi những người thực thi là những công chức ở xã, phường nên phải tập huấn, hướng dẫn và toàn bộ hệ thống phần mềm cũng phải thay đổi. Chúng tôi quyết tâm sớm nhất đến ngày 1/10 và chậm nhất là ngày 1/11 sẽ hoàn thành. Mặt tích cực nhất của việc cấp giấy mẫu mới là người dân chỉ phải đến một cơ quan để được cấp giấy cho nhà đất, thống nhất một cơ quan cấp giấy. Mẫu giấy ban hành sắp tới được thiết kế thành 4 trang như “giấy đỏ”, “giấy hồng” (cũ). Quan điểm của chúng tôi là mẫu giấy mới càng gần với mẫu cũ càng tốt. Tuy được làm theo phương án đơn giản hóa nhưng những nội dung phải thể hiện đầy đủ, càng chi tiết càng tốt, làm sao chọn giải pháp tối ưu là không thấy có sự thay đổi nào quá lớn. Chúng tôi cũng phấn đấu đến năm 2015 sẽ cấp giấy chứng nhận qua kênh điện tử.

- Vậy từ nay đến khi ra mẫu giấy mới, nếu dân có yêu cầu cấp giấy cho nhà đất hay những trường hợp đã được cấp “sổ đỏ”, “sổ hồng” muốn giao dịch thì sẽ giải quyết như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức: Theo quy định, các loại “sổ hồng”, “sổ đỏ” đã cấp trước đây không bắt buộc phải đổi sang giấy mới và vẫn nguyên giá trị pháp lý. Nếu ai có nguyện vọng thì cứ đổi. Việc cấp giấy mới sẽ không thu tiền. Trong trường hợp yêu cầu dịch chuyển mẫu giấy đồng loạt, thì sẽ có một khoảng thời gian thực hiện việc dịch chuyển. Khi chưa có giấy mới, người dân có thể sử dụng các mẫu giấy cũ, tránh tình trạng các giao dịch bị đình trệ. Còn từ nay đến khi có mẫu giấy mới, Bộ TN&MT phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để có thể vẫn tiếp tục cấp giấy cho những người có nhu cầu bởi việc cấp “sổ đỏ”, “sổ hồng” không thể dừng lại. Hơn nữa, các địa phương đang xúc tiến việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đến năm 2010 phải cơ bản hoàn thành việc cấp giấy cho các loại đất.

- Người dân sẽ đăng ký QSDĐ của mình ở đâu khi nhiều huyện chưa có Văn phòng đăng ký cấp GCNQSDĐ?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức: Văn phòng đăng ký cấp GCNQSDĐ thực chất là cơ quan dịch vụ công. Khi chưa có Văn phòng thì UBND huyện sẽ giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ nhà đất cho Phòng TN&MT. Cần lưu ý, Văn phòng không phải là cơ quan cấp giấy mà là UBND huyện. Những nơi chưa có Văn phòng cũng không bị ảnh hưởng gì đến việc cấp giấy. Văn phòng không phải là nơi cấp giấy lần đầu, mà quan trọng nhất là theo dõi biến động về sau. Những nơi có Văn phòng, địa phương giao cho Văn phòng làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ nhà đất thì rất tốt. Nếu chưa có sẽ giao cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp làm dịch vụ này.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thư

“Địa phương cần giải thích cho người dân. Mình đổi giấy cũng đã nhiều rồi. Nói với người dân đây là lần đổi giấy cuối cùng. Nếu không, người dân sẽ e ngại. Sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương mới”. – trích lời Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức