Hôm qua (16/7) đã bắt đầu phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII. Một số vấn đề lớn của hai dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Người cao tuổi và đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 5 cũng như công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII là những nội dung chính trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp.
Đặt tên Luật Khám bệnh, chữa bệnh chẳng khác nào đưa ra lời hứa...
Điều khiển phiên họp, ngay từ khi bắt đầu thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý các thành viên UBTVQH tập trung góp ý xung quanh một số vấn đề lớn đã được Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra xin ý kiến trong phiên họp lần này. Đó là nhóm 4 vấn đề về tên gọi của luật, cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh và công chức viên chức y tế hành nghề khám chữa bệnh tư nhân.
Về tên gọi của luật, theo Báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội, hiện nay vẫn có 2 phương án tên khác nhau: là Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc Luật Hành nghề y. Theo phân tích của bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, phương án tên gọi nào cũng có một số vấn đề thuận lợi và hạn chế riêng. Tuy nhiên, với tên là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ gặp phải một số hạn chế đặc thù như: không phù hợp với nội dung của dự thảo luật trình Quốc hội chủ yếu là những quy định liên quan đến hành nghề y; khám chữa bệnh là vấn đề phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố quan trong khác (đầu tư nguồn lực của Nhà nước, cơ chế tài chính y tế, ưu đãi với cán bộ y tế...) và những yếu tố này không chỉ liên quan tới khám chữa bệnh mà còn liên quan tới phạm vi rộng lớn hơn đó là chăm sóc sức khỏe nhân dân... Đặc biệt, nếu có tên là Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì sự ra đời của Luật này sẽ là áp lực rất lớn đối với Nhà nước trong việc giải quyết những bức xúc của nhân dân về khám chữa bệnh, bởi thực tế hiện nay chưa thể giải quyết được hết những đòi hỏi đang đặt ra đối với công tác này trong thời gian tới. Hay nói cách khác, việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh chẳng khác nào đưa ra lời hứa mà chưa biết lúc nào thực hiện được. Từ những phân tích trên, quan điểm của Ủy ban các vấn đề xã hội cho thấy rằng nếu lấy tên Luật Hành nghề y thì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật phù hợp với dự thảo đã được trình cũng như ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.
Xung quanh vấn đề này, tại phiên họp cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau giữa các thành viên UBTVQH. Ông Trần Đình Đàn – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng nên giữ tên luật là Luật Khám bệnh, chữa bệnh vì đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật chính là người bệnh. Và, cũng chính vì đối tượng điều chỉnh này mà dự án luật đã trở thành một trong dự án luật thu hút được nhiều sự quan tâm của dân chúng nhất ngay từ những bước đi đầu tiên. Khác với ông Đàn, bà Lê Thị Thu Ba – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lại cho rằng tên Luật Hành nghề y thì phù hợp hơn vì nội dung của luật chủ yếu liên quan đến hành nghề y như người hành nghề, điều kiện hành nghề...Hơn nữa, ban hành Luật Hành nghề y cũng chính là góp phần chuẩn hóa, nâng cao trình độ, năng lực, y đức của cán bộ y tế, cũng như giải quyết được một số vướng mắc hiện nay trong hoạt động khám chữa bệnh mà chưa có văn bản luật nào quy định đầy đủ
Với nhóm 3 vấn đề còn lại, đa số thành viên UBTVQH tán thành với các quan điểm chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế chỉ cấp 1 lần; cấp giấy phép hoạt động cho cả cơ sở y tế công và tư; và cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia quản lý bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, theo UBTVQH nếu chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế chỉ cấp 1 lần thì phải đi kèm với hoạt động thanh, kiểm tra chặt chẽ để kịp thời thu hồi giấy phép nếu có vi phạm xảy ra. Còn vấn đề cấp phép hoạt động với cơ sở khám chữa bệnh thì nên có sự phân cấp rõ ràng, Sở Y tế các địa phương sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm chính, còn Bộ Y tế chỉ cấp phép đối với các cơ sở có yếu tố nước ngoài. Ở vấn đề cuối cùng, tuy cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nhưng cần phải có tiêu chí rõ ràng cho các cơ sở này để tránh tình trạng tuy mang danh là cơ sở khám, chữa bệnh nhưng thực chất lại hoạt động như một bệnh viện tư nhân.
Mức trợ cấp cho người cao tuổi phải không được thấp hơn chuẩn nghèo
Trong nhóm vấn đề xin ý kiến UBTVQH của dự án Luật Người cao tuổi, nổi lên có vấn đề liên quan đến bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi bao gồm việc xác định đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; việc trợ giúp thường xuyên căn cứ theo độ tuổi; và mức trợ cấp thường xuyên. Trước khi các thành viên UBTVQH bắt đầu cho ý kiến, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Nguyễn Trọng Đàm với tư cách đại điện cơ quan quản lý Nhà nước liên quan tham dự buổi họp, đã cho biết từ trước đến nay mức trợ cấp cho người cao tuổi không căn cứ theo bất kỳ ngưỡng chuẩn hiện hành nào (có hai ngưỡng chuẩn hiện nay là chuẩn nghèo và mức lương tối thiểu) mà chỉ hướng tới mục tiêu ổn định nhu cầu tối thiểu về lương thực hàng tháng cho người cao tuổi. Chính vì thế, nên mức trợ cấp đã từng ở con số rất thấp là 45.000 đồng tháng và cho đến nay sau khi có Nghị định 67 đã tăng lên 120.000 đồng/ tháng, tuy nhiên cũng chỉ bằng 60% mức chuẩn nghèo ở nông thôn. Từ đó, Bộ LĐ-TB và XH thấy rằng nhất thiết phải có một thước đo cụ thể nào đó để lấy đo làm căn cứ xác định mức trợ cấp và trước mắt, có thể mức trợ cấp không nên thấp hơn chuẩn nghèo quốc gia. Về độ tuổi được hưởng trợ cấp, theo ông Đàm thì có rất nhiều ý kiến từ địa phương phản ánh việc quy định người cao tuổi phải 85 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp là không hợp lý. Trong thực tế, đã có không ít cụ không thể chờ được ngày được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Vì thế, độ tuổi được hưởng trợ cấp của người cao tuổi cũng nên rút từ 85 xuống 80 – ông Đàm đề xuất.
Sau khi nghe ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐ- TB và XH, các thành viên UBTVQH cũng đã đưa ra nhiều góp ý xung quanh vấn đề này. Nhưng nhìn chung các ý kiến đều tán thành với đề xuất của Ủy ban các vấn đề xã hội là Luật Người cao tuổi cần tập trung ưu tiên trợ giúp đối với người cao tuổi có khó khăn về kinh tế, không nơi nương tựa và tuổi cao. Việc trợ giúp thường xuyên căn cứ theo độ tuổi sẽ kế thừa chính sách hiện hành và có điều chỉnh về độ tuổi. Theo đó, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội thường xuyên thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Tuy nhiên, về mức tiền trợ cấp, vì mức sống và giá cả hiện nay thường xuyên biến động nên UBTVQH khẳng định tối thiểu mức trợ cấp phải đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Mức trợ cấp xã hội hiện nay còn thấp, hơn nữa lại chưa dựa theo chuẩn nào của quốc gia, do đó cần phải bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về một mức chuẩn nhất định để từ đó Chính phủ có thể xây dựng các mức trợ cấp cụ thể cho từng nhóm đối tượng. Nhưng, nhất thiết mức trợ cấp thường xuyên không được thấp hơn chuẩn nghèo quốc gia.
Trong phiên họp ngày mai, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về 2 vấn đề là phương án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009; việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng và nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo về việc chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội.
X.Hoa
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ban soạn thảo dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã đưa ra phụ lục dự kiến một số điều cần bổ sung vào dự án luật. Đáng chú ý có điều khoản quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, gia đình trong công tác khám chữa bệnh; nguồn tài chính phục vụ công tác khám chữa bệnh; đào tạo bồi dưỡng và chế độ đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. |