Thực hiện quyền yêu cầu thi hành án: những điều người được thi hành án cần biết (Bài 2)

03/06/2009

 1. Thực hiện quyền yêu cầu thi hành án như thế nào?

   1.1 Ai có thể là người yêu cầu thi hành án?

Người có quyền yêu cầu thi hành án gồm cả hai bên đương sự, người được thi hành án và cả người phải thi hành án. Người được thi hành án tức là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Người phải thi hành án tức là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.

Để thực hiện quyền yêu cầu thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân có quyền tự mình yêu cầu thi hành án. Đối với những trường hợp mà người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân là người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì thực hiện quyền yêu cầu thi hành án thông qua người đại diện theo pháp luật. Ví dụ: trong trường hợp bản án, quyết định của Toà án giải quyết việc ly hôn, khi giải quyết vấn đề con cái đã quyết định giao con cho người mẹ là bà B nuôi dưỡng, buộc ông bố là ông A phải cấp dưỡng nuôi cháu C mỗi tháng 400.000đ cho đến khi cháu C trưởng thành, thì đối với khoản cấp dưỡng, cháu C là người được thi hành án, nhưng do cháu là người chưa thành niên, nên việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án do người đại diện theo pháp luật của cháu là người mẹ, tức bà B thực hiện. Trong trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là người mất năng lực hành vi dân sự, hoặc là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu thì quyền yêu cầu thi hành án được thực hiện thông qua người giám hộ. Người giám hộ có thể là đương nhiên do pháp luật quy định hoặc được cử. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau: trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ; trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ. Về giám hộ đương nhiên trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ; trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ; trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ. Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định trên đây thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Người được thi hành án, người phải thi hành án là pháp nhân thực hiện quyền yêu cầu thi hành án của mình thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định ngay trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với hộ gia đình thì người đại diện theo pháp luật là chủ hộ gia đình; đối với tổ hợp tác thì người đại diện theo pháp luật là tổ trưởng tổ hợp tác.

 Bên cạnh cách thức quan trọng là tự mình thực hiện quyền yêu cầu thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án còn có thể thực hiện quyền yêu cầu thi hành án thông qua việc uỷ quyền. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện việc yêu cầu thi hành án. Phạm vi đại diện theo uỷ quyền được xác lập theo sự uỷ quyền và người đại diện chỉ được thực hiện việc đại diện trong phạm vi được uỷ quyền.

Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 2005, hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định phải lập thành văn bản. Hiện, Luật Thi hành án dân sự (THADS) không có quy định cụ thể về hình thức uỷ quyền trong THADS, tuy nhiên, để có căn cứ giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nhằm tránh khiếu nại về sau và để có căn cứ lưu vào hồ sơ thi hành án, việc uỷ quyền  được thực hiện bằng hình thức văn bản là cần thiết và phù hợp. Thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền. Mặt khác, người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc người được ủy quyền yêu cầu thi hành án cần lưu ý rằng việc uỷ quyền sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây: khi hợp đồng uỷ quyền đã hết hạn; khi công việc được uỷ quyền đã hoàn thành; khi bên uỷ quyền, bên được uỷ quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và bên uỷ quyền hoặc bên được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Như vậy, đương sự là người được thi hành án, người phải thi hành án có thể tự mình thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc uỷ quyền cho người khác thực hiện quyền yêu cầu thi hành án. Việc yêu cầu thi hành án bởi người được uỷ quyền là hợp lệ,

1.2 Cách thức nào để  thực hiện quyền yêu cầu thi hành án?

Người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc người được uỷ quyền yêu cầu thi hành án có thể thực hiện quyền yêu cầu thi hành án bằng một trong các cách thức sau đây:

a) Đến cơ quan THADS để trực tiếp nộp đơn yêu cầu thi hành  bằng văn bản;

b) Đến cơ quan THADS để trực tiếp trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói;

c) Gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường bưu điện đến cơ quan THADS.

Việc lựa chọn cách thức nào trong ba cách trên đây là do đương sự quyết định phù hợp với ý chí của mình mà không bị ràng buộc bởi điều kiện cụ thể nào.

1.3 Những nội dung gì và những tài liệu nào cần có khi yêu cầu thi hành án?

Trường hợp đương sự thực hiện quyền yêu cầu thi hành án bằng cách viết đơn, thì đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu: ở phần này cần ghi rõ tên người yêu cầu thi hành án, đó là tên đương sự trong trường hợp tự mình làm đơn yêu cầu thi hành án, hoặc tên người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền.

b) Tên cơ quan THADS nơi yêu cầu: ở phần này cần ghi rõ tên cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định đó được pháp luật quy định theo cấp hành chính, theo lãnh thổ. Ví dụ, bản án, quyết định do Toà án nhân dân quận Ba Đình xét xử sơ thẩm thì ghi tên THADS quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; bản án, quyết định do Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm thì ghi THADS thành phố Hà Nội.

c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án: ở phần này ghi rõ họ, tên, địa chỉ của cá nhân hoặc tên cơ quan, tổ chức là người được thi hành án, người phải thi hành án theo nội dung của bản án, quyết định.

d) Nội dung yêu cầu thi hành án: ở phần này cần ghi rõ, đầy đủ, chính xác nội dung của bản án, quyết định đã tuyên mà đương sự là người được hoặc là người phải thi hành án và ghi rõ đương sự yêu cầu thi hành phần nào, phần nào không yêu cầu hay chưa yêu cầu thi hành.

đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án: Đây là yêu cầu mới theo quy định của Luật THADS, theo đó người được thi hành án có trách nhiệm phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Người được thi hành án có thể tự mình tiến hành xác minh, hoặc uỷ quyền cho người khác, ví dụ như luật sư, người khác, ở thành phố Hồ Chí Minh thì có thể uỷ quyền cho Thừa phát lại thực hiện việc xác minh. Người được thi hành án hoặc người được uỷ quyền của người được thi hành án có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ thông tin về tài khoản, thu nhập, tài sản của người phải thi hành án cung cấp các thông tin cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm trả lời cho người có yêu cầu xác minh. Từ quy định trên, ở phần này, người yêu cầu thi hành án phải chỉ ra kết quả xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, ví dụ như đương sự có tài khoản tại tổ chức tín dụng nào, số tài khoản là gì, có số dư thế nào; có nhà ở, kho xưởng, đất đai, ô tô, xe máy, tàu, thuyền… ở đâu, vân vân.

Đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm làm đơn. Đơn phải được người yêu cầu thi hành án ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp đương sự là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp của pháp nhân đó và phải được đóng dấu của pháp nhân.

Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan THADS thì cần yêu cầu cán bộ tiếp lập biên bản ghi rõ yêu cầu của mình. Biên bản phải có đủ các nội dung như nội dung của đơn yêu cầu thi hành án. Sau khi cán bộ cơ quan thi hành án hoàn thành việc lập biên bản thì người yêu cầu thi hành án ký hoặc điểm chỉ, người lập biên bản phải ký. Biên bản được lập cũng có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.

 

Nếu người yêu cầu thi hành án không cung cấp được thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có quyền yêu cầu cơ quan THADS tiến hành việc xác minh. Trong trường hợp này, người yêu cầu thi hành án sẽ phải chịu chi phí xác minh. Người yêu cầu thi hành án cũng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật THADS, gồm biện pháp phong toả tiền trong tài khoản, tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án, yêu cầu tạm dừng đăng ký, chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản để đảm bảo thi hành án.

Gửi kèm theo đơn yêu cầu thi hành án hoặc khi yêu cầu thi hành án trực tiếp, đương sự phải cung cấp cho cơ quan thi hành án bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Tài liệu khác có liên quan có thể là văn bản thoả thuận giữa các bên về việc thi hành án, kết quả hai bên thực hiện thoả thuận, tài liệu chứng minh đương sự có điều kiện thi hành án, tài liệu chứng minh người yêu cầu thi hành án đã tiến hành các biện pháp xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng không có kêt quả nên yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh, tài liệu yêu cầu cơ quan THADS xác minh, tài liệu yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án...

2.               Cần gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan nào?

  Không phải là có quyền yêu cầu thi hành án thì đương sự muốn gửi đơn đến cơ quan nào cũng được hay cơ quan THADS nào để yêu cầu thi hành án cũng được. Câu hỏi cần yêu cầu thi hành án ở đâu tức cần xác định cơ quan nào có thẩm quyền và có trách nhiệm tổ chức thi hành án. Như ở bài 1 đã chỉ dẫn, những bản án, quyết định được thi hành theo Luật THADS thì thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của cơ quan THADS. Như vậy, đương sự không nên gửi đơn đến cơ quan khác, như Uỷ ban nhân dân, Viện Kiểm sát, Toà án, Bộ Tư pháp hay cơ quan khác để yêu cầu thi hành án, mà cần gửi đơn đến cơ quan THADS để được tổ chức thi hành.

Điều quan trọng hơn, trong số 63 cơ quan THADS cấp tỉnh, 9 cơ quan thi hành án cấp quân khu và khoảng gần 700 cơ quan THADS cấp huyện, đương sự cần xác định đúng cơ quan thi hành án nào có thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình. Điều 35 Luật THADS xác định thẩm quyền của cơ quan thi hành án như sau:

Cơ quan THADS cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan THADS có trụ sở;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan THADS cấp huyện có trụ sở;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện nơi cơ quan THADS cấp huyện có trụ sở;

d) Bản án, quyết định do cơ quan THADS cấp huyện nơi khác, cơ quan THADS cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.

 Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn;

b) Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan THADS cấp tỉnh;

c) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

d) Quyết định của Trọng tài thương mại;

đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;

e) Bản án, quyết định do cơ quan THADS nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;

g) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan THADS cấp huyện mà THADS cấp tỉnh thấy cần thiết lấy lên để thi hành;

h) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của THADS cấp huyện mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp về thi hành án.

Cơ quan thi hành án cấp quân khu có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

a) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Toà án quân sự quân khu và tương đương trên địa bàn;

b) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Toà án quân sự khu vực trên địa bàn;

c) Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Toà án quân sự trung ương chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;

d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;

đ) Bản án, quyết định do cơ quan THADS cấp tỉnh, cơ quan THADS cấp huyện, cơ quan thi hành án cấp quân khu khác ủy thác.

Như vậy, việc phân định thẩm quyền tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dựa trên hai tiêu chí chính, đó là theo cấp hành chính và theo lãnh thổ, ngoài việc phân định theo thẩm quyền của toà án dân sự hay toà án quân sự.

Theo lãnh thổ, tức bản án, quyết định được ban hành bởi toà án có thẩm quyền ở địa bàn nào thì cơ quan thi hành án ở nơi đó có thẩm quyền ban đầu trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định đó. Ví dụ: bản án số 01/DSST ngày 01/01/2009 của Toà án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội thì sẽ thuộc thẩm quyền thi hành ban đầu của Cơ quan THADS quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, mà không phải là của cơ quan THADS quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hoặc quận, huyện thuộc tỉnh khác, mặc dù có thể người được thi hành án hay người phải thi hành án, hay tài sản của người phải thi hành án có tại quận Hoàn Kiếm, hoặc ở quận, huyện thuộc tỉnh khác.

Theo cấp hành chính, tức bản án, quyết định sơ thẩm được ban hành bởi toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền ở cấp nào thì cơ quan thi hành án ở cấp đó có thẩm quyền ban đầu trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định. Ví dụ: bản án số 01/DSST ngày 01/01/2009 do Toà án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm thì sẽ thuộc thẩm quyền thi hành ban đầu của THADS quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, mà không phải là của THADS thành phố Hà Nội hoặc THADS tỉnh khác. Trường hợp bản án sơ thẩm trên bị đương sự kháng cáo hoặc Viện Kiểm sát nhân dân kháng nghị và được Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm thì bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội vẫn thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của THADS quận Ba Đình mà không phải là của THADS thành phố Hà Nội. Bản án số 02/DSST ngày 02/02/2009 do Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm thì sẽ thuộc thẩm quyền thi hành ban đầu của cơ quan thành án dân sự cùng cấp là THADS thành phố Hà Nội mà không phải là THADS cấp quận như quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Trong trường hợp bản án trên bị đương sự kháng cáo hoặc Viện Kiểm sát kháng nghị và được Toà án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm thì bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân tối cao vẫn thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của THADS thành phố Hà Nội.

Có những bản án, quyết định xét về tính chất chỉ thuộc thẩm quyền nhất định của cơ quan THADS cấp tỉnh hoặc của cơ quan thi hành án trong quân đội. Ví dụ, bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh thì thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của THADS cấp tỉnh. Các quyết định của Toà án quân sự (gồm Toà án quân khu và cấp tương đương, Toà án khu vực, Toà án quân sự trung ương) thì thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành ban đầu của Thi hành án quân khu và tương đương trên địa bàn mà không thuộc thẩm quyền của THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.  

Như vậy, người được thi hành án (và người phải thi hành án) cần căn cứ vào cách xác định thẩm quyền theo lãnh thổ, theo cấp hành chính và trong một số trường hợp còn theo tính chất vụ việc để xác định chính xác cơ quan thi hành án có thẩm quyền tổ chức thi hành án để gửi đơn yêu cầu thi hành án đến đúng cơ quan có thẩm quyền.

3. Đơn yêu cầu thi hành án của đương sự sẽ được Cơ quan thi hành án dân sự xử lý như thế nào?

Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án của đương sự, cơ quan THADS phải kiểm tra nội dung đơn yêu cầu và các tài liệu kèm theo. Nếu thấy đơn yêu cầu chưa có đủ nội dung, nội dung chưa rõ ràng hoặc chưa đủ tài liệu kèm theo thì phải và có quyền yêu cầu đương sự bổ sung.  

Điểm mới của Luật THADS là chỉ ra những trường hợp mà Cơ quan THADS  có quyền từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án, khi:

a) Người yêu cầu thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung đơn yêu cầu thi hành án không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định:  Ví dụ, bản án, quyết định không thuộc diện được đưa ra thi hành theo Luật THADS, hoặc có thuộc diện trên nhưng người yêu cầu thi hành án lại không phải là người được thi hành án hay người phải thi hành án theo bản án, quyết định, cũng không phải là người đại diện theo pháp luật, không phải là người được uỷ quyền; nội dung mà đương sự yêu cầu không có trong bản án, quyết định; nội dung đương sự yêu cầu không xác định quyền, nghĩa vụ và nội dung thi hành án của người được thi hành án, người phải thi hành án…

b) Cơ quan THADS được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án, ví dụ: bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp huyện nhưng người yêu cầu thi hành án lại yêu cầu cơ quan THADS cấp tỉnh thi hành; bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B nhưng lại yêu cầu cơ quan THADS huyện C thuộc tỉnh D nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án, hay yêu cầu cơ quan THADS tỉnh B, tỉnh D nơi mình đang sinh sống tổ chức thi hành...

c) Thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết: ví dụ: tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến thời điểm nộp đơn yêu cầu thi hành án thì đã quá thời hạn 5 năm.

Đương sự cần lưu ý rằng nếu đơn của đương sự thuộc các trường hợp trên thì Cơ quan THADS có quyền từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu thi hành án.

   Việc nhận đơn yêu cầu thi hành án phải được thể hiện vào Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án. Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án phải thể hiện đầy đủ các nội dung như ngày, tháng, năm nhận đơn yêu cầu; số, ngày, tháng, năm ra bản án, quyết định; tên cơ quan ra bản án, quyết định; họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành án; người được thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án và các tài liệu khác kèm theo.

Điểm mới quan trọng khác là khi nhận đơn yêu cầu thi hành án trực tiếp của đương sự thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm cấp giấy biên nhận đơn; nếu nhận đơn qua đường bưu điện thì phải gửi cho đương sự giấy biên nhận đơn.

   Sau khi nhận đơn thì người nhận đơn có trách nhiệm chuyển đơn cho Thủ trưởng cơ quan thi hành án để xử lý. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án phù hợp với nội dung yêu cầu thi hành án của đương sự. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó. Cơ quan THADS có trách nhiệm thông báo cho đương sự về quyết định thi hành án trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định thông qua hình thức thông báo theo quy định tại Điều 39-43 của Luật THADS.

  Sau khi ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án của đương sự, việc tổ chức thi hành quyết định thi hành án sẽ do Chấp hành viên chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về THADS./.

Lê Thị Kim Dung