Xuất phát từ nhu cầu rất lớn về trợ giúp pháp lý (TGPL) và truyền thông pháp luật (TTPL) của nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc, Bộ Tư pháp và Ban Chủ đạo Tây Bắc đã phối hợp, xây dựng đề án “Tăng cường công tác TGPL và TTPL cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc giai đoạn 2009 – 2015, định hướng đến năm 2020”. Đề án đã được đưa ra lấy ý kiến góp ý ngày 22/5 tại Hà Nội.
Vẫn khổ vì thiếu cán bộ
Theo kết quả khảo sát phục vụ xây dựng đề án, trong thời gian qua, hoạt động TGPL và TTPL đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan tư pháp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp khác đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, số lượng và trình độ cán bộ tư pháp (CBTP) các tỉnh vùng Tây Bắc, nhất là cơ sở - nơi trực tiếp giải quyết các công việc của dân, còn rất hạn chế với 3 CBTP/huyện và 1 CBTP/xã (rất ít xã có 2 CBTP). Đặc biệt là số cán bộ có trình độ trên đại học hay chưa được đào tạo chuyên môn về luật chiến tỷ lệ cao, số cán bộ biết tiếng dân tộc và là người dân tộc tuy nhiều ở cấp xã nhưng còn đến 20% chưa đảm bảo yêu cầu này. Trong khi đó, cán bộ miền xuôi lên công tác không yên tâm gắn bó lâu dài do chế độ chính sách thu hút nguồn nhân lực chưa tương xứng với thực tế.
Qua sơ kết 01 năm thực hiện TTLT 10/2007 về TGPL trong hoạt động tố tụng đã chỉ ra một thực tế đáng lo ngại là số lượng trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) và luật sư (LS) của 11 tỉnh Tây Bắc và một số huyện phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An còn quá ít. Điều đó không chỉ hạn chế phát triển đội ngũ cộng tác viên (CTV) là LS hoặc mời LS tham gia các vụ việc TGPL, khiến nhiều phiên tòa phải hoãn do thiếu LS hoặc TGVPL mà còn hạn chế sự phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Từ năm 2006, tại các tỉnh Tây Bắc, số vụ án không có người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi chiếm tỷ lệ từ 92-96% (nhưng gần 100% vụ án có chỉ định thì đều có LS).
Đánh giá của đoàn khảo sát về kết quả hoạt động TGPL và TTPL ở các tỉnh Tây Bắc trong 3 năm (2006 – 2008) cho thấy, sau khi có Luật TGPL, công tác TGPL đã có nhiều khởi sắc, chất lượng ngày càng được chú trọng song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu TGPL của đồng bào dân tộc thiểu số và mục tiêu xóa nghèo về pháp luật cho nhân dân các tỉnh Tây Bắc. Hoạt động TGPL lưu động chưa đến được các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn chưa được tiếp cận các thông tin pháp luật cũng như quyền được TGPL của mình…
Tạo điều kiện thu hút cán bộ TGPL
Trước những hạn chế trong hoạt động TGPL cho đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Bắc, đề án được xây dựng nhằm đáp ứng ít nhất 60% nhu cầu trong tất cả các lĩnh vực TGPL và TTPL cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc trong năm 2009 – 2010 và 80% từ năm 2010 – 2015, phấn đấu đến năm 2020, đáp ứng được 85-90% nhu cầu.
Theo Ban soạn thảo đề án, các mục tiêu trên sẽ được thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể như mở lớp pháp luật chuyên đề lồng ghép tư vấn pháp luật cho đồng bào dân tộc tại địa bàn trong các đợt sinh hoạt câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động, TGPL tại trụ sở, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phù hợp phong tục tập quán, đặc thù từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc, tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu TGPL và TTPL.
Đặc biệt, vì 80 – 90% dân cư tại các tỉnh Tây Bắc là người dân tộc thiểu số nên đề án rất quan tâm đến việc thu hút cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc thành thạo tiếng dân tộc làm việc tại các Trung tâm TGPL (2 người/trung tâm). Để có lực lượng cán bộ thành thạo tiếng dân tộc, đề án cũng dành khoảng 2,6 tỷ đồng/10 năm để hỗ trợ mở lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ các Trung tâm TGPL ở Tây Bắc. Đồng thời, khuyến khích, huy động 30-50% các tổ chức hành nghề LS, tổ chức tư vấn pháp luật ở địa phương tham gia TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số hoặc có người tham gia làm CTV TGPL.
Ngoài ra, một trong những giải pháp để tăng cường năng lực cán bộ cho công tác TGPL ở Tây Bắc mà đề án đưa ra là thực hiện thí điểm việc tuyển dụng đối với các sinh viên đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật trên cơ sở tình nguyện về công tác tại tổ chức TGPL ở vùng Tây Bắc. Theo đó, các sinh viên về công tác tại trung tâm hay chi nhánh TGPL tối thiểu 3 năm khi có nguyện vọng chuyển địa bàn công tác thì được bố trí ngành nghề phù hợp tại cơ quan Trung ương hoặc địa phương mà mình thường trú trước khi nhập học.
Không những thế, đề án cũng dành một khoản kinh phí đáng kể cho việc xây dựng nhà công vụ cho cán bộ TGPL ở địa phương khác chuyển đến (nếu có nhu cầu) và hỗ trợ khoản trợ cấp ban đầu là 10 triệu đồng. Đối với những người cam kết công tác tại địa phương tối thiểu 7 năm (không phân biệt là người địa phương nào) sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi xuất thấp trong thời gian ít nhất là 7 năm để xây dựng nhà trên cơ sở đất được cấp từ địa phương hoặc được thuê dài hạn hay mua trả dần. Đây là một giải pháp không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đề án vẫn kỳ vọng đó sẽ là những động lực kinh tế thực sự để thu hút cán bộ về với công tác TGPL ở Tây Bắc./.
Huy Long
Với 6,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, hiện các tỉnh Tây Bắc mới có 33 TGVPL, 4.933 CBTP. Trong đó, CBTP chỉ có trình độ trên đại học (0,12%), trình độ đại học luật (22,7%), trình độ cao đẳng, trung cấp (49,53%), biết tiếng dân tộc (31,3%), người dân tộc (37,8%). Cả vùng có 12 ĐLS, số LS của một số đoàn như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn… đang có xu hướng giảm dần và các đoàn này có nguy cơ giải thể trong thời gian tới. Vẫn còn 993 xã (38%) chưa thành lập được câu lạc bộ TGPL (trong đó có 130 xã đặc biệt khó khăn và 398 xã nghèo). (Nguồn: Kết quả khảo sát phục vụ xây dựng Đề án) |