Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 QH XII. Tuy nhiên do còn nhiều ý kiến khác nhau nên trong chương trình làm việc hôm qua, 25/5 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số nội dung quan trọng của Dự thảo Luật này.
Tội hiếp dâm: chưa nên bỏ tử hình
Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình là chủ trương được phần lớn các đại biểu QH tán thành. Có 17 tội danh được đề nghị bỏ tử hình, tuy nhiên đến phiên thảo luận này, UBTVQH mới đồng ý bỏ 8/17 điều luật. 9 điều luật còn lại UBTVQH đề nghị cho giữ hình phạt tử hình là Điều 157, 231, 278, 279, 316, 322, 341, 342 và 343.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH không đồng tình với việc bỏ tử hình cho tội hiếp dâm. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) phân tích: hiếp dâm đối với trẻ em gây tổn hại nặng nề về sức khoẻ, tinh thần. Có trường hợp còn làm lây nhiễm HIV, do đó chưa nên bỏ tử hình.
Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) thì cho rằng, đối với tội chiếm đoạt tàu bay tàu biển, tính chất rất nghiêm trọng vì đây là tài sản lớn,uy hiếp tính mạng của nhiều người. Nếu chiếm đoạt còn vì mục đích khủng bố hay đưa ra yêu sách về chính trị thì càng nguy hiểm, nên giữ hình phạt cao nhất.
Đối với tội phạm quy định tại Điều 194 BLHS hiện hành (về tội tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý) dự kiến tách thành các Tội mua bán trái phép chất ma tuý và tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý. Nhiều ĐBQH ủng hộ phương án này và đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với các hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn với tội phạm ma tuý ngày càng gia tăng như hiện nay thì việc bỏ tử hình đối với tội phạm này là chưa đủ sức răn đe.
Hạn chế áp dụng hình phạt tù cho người chưa thành niên phạm tội
Ngoài nguyên tắc không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình với người chưa thành niên phạm tội, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS còn bổ sung nguyên tắc, khi áp dụng hình phạt đối với đối tượng này cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Quy định này, theo UBTVQH thì để định hướng cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng pháp luật hình sự, để chú trọng áp dụng các hình phạt ngoài tù nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho họ, tạo cho họ cơ hội để sửa chữa lỗi lầm,trở thành công dân tốt.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Kiệt – Vĩnh Long thì thời gian qua, người chưa thành niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Nếu hạn chế áp dụng hình phạt tù sẽ không đủ sức răn đe, phòng ngừa, giáo dục, và cũng khó cho cơ quan tố tụng khi xử lý. Ông Kiệt đề nghị với đối tượng này cần có khung hình phạt riêng.
Chiếm đoạt: 2 triệu đồng mới bị xử lý hình sự
Tại một số điều luật trong BLHS hiện hành, mức định lượng về tiền để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ là 500 ngàn đồng. Trong tình hình “trượt giá” như hiện nay thì quy định nói trên không còn phù hợp. Đại đa số các ĐBQH tán thành việc nâng mức định lượng tối thiểu về giá trị tiền, tài sản để phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
UBTVQH đề nghị, nâng mức định lượng tối thiểu lên gấp 4 lần (tức 2 triệu đồng) tại 12/23 điều luật (Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; tội tham ô tài sản; nhận hối lộ; tội lạm dụng, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tội đưa hối lộ; làm môi giới hối lộ và Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi)
Riêng đối với Tội chiếm giữ tài sản trái phép, UBTVQH đề nghị nâng mức định lượng tối thiểu lên gấp 2 lần từ 5 triệu lên 10 triệu đồng; từ 50 triệu lên 100 triệu với khoản 1 Tội trốn thuế.
Liên quan đến vấn đề định lượng tại Điều 170a về tội xâm phạm quyền tác giả và các quyền có liên quan, đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) nhấn mạnh: không nên quy định “giá trị lớn, hậu quả nghiêm trọng” vì như vậy rất khó áp dụng. Nên ấn định giá trị bằng tiền (từ 100 triệu đồng trở lên) thay cho giá trị hàng hoá. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khi xuất phát từ thực tế thi hành BLHS hiện nay, vấn đề định lượng trong các quy định này rất chung chung, khó áp dụng.
Thu Hằng
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, Dự thảo quy định trách nhiệm hình sự đối với người có các hành vi “thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác”. Đồng thời, bỏ dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính…” |