Để công tác tiếp công dân không trở thành hình thức!

18/05/2009
Quy định pháp luật về tiếp công dân đã quy định rất rõ là tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đều phải bố trí cán bộ và nơi tiếp công dân thường xuyên. Đặc biệt, pháp luật còn quy định trong một thời hạn nhất định người đứng đầu cơ quan, tổ chức còn phải bố trí thời gian để tiếp công dân theo định kỳ.

Điều 76 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 quy định: Chủ tịch UBND cấp xã phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày/1 tuần; Chủ tịch UBND cấp huyện phải bố trí tiếp công dân 2 ngày/1 tháng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh 1 ngày/1 tháng; còn thủ trưởng các cơ quan Nhà nước khác phải tiếp công dân ít nhất 1 lần/1 tháng. Riêng Thanh tra Nhà nước các cấp, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tiếp công dân thường xuyên theo quy định của pháp luật. Hiện nay, nhiều địa phương quan tâm đến công tác tiếp dân nên đã quy định số ngày tiếp công dân nhiều hơn quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Việc quy định việc định kỳ tiếp công dân giúp cho những thắc mắc, khiếu nại của nhân dân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cơ bản được đáp ứng, khoảng cách giữa các cơ quan nhà nước và nhân dân cũng dần được thu hẹp.

Ý nghĩa của việc định kỳ tiếp công dân của người đứng đầu địa phương, đơn vị rất lớn. Nó không những giải quyết được những thắc mắc, khiếu kiện của người dân, từ đó người đứng đầu nắm bắt và kịp thời sửa chữa, tránh sai sót lớn không đáng có xảy ra. Đồng thời, qua đó tìm hiểu được những nguyên nhân của vướng mắc mà có biệp pháp, khắc phục tháo gỡ, nhất là nắm bắt được những việc làm sai trái, tham mưu không đúng quy định và sách nhiễu, tham nhũng của cán bộ dưới quyền. Bên cạnh đó, qua việc tiếp công dân người đứng đầu địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp có cơ hội gần dân, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân mà nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân mà có cách nhìn nhận tổng thể, khách quan trong việc giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng... và quan trọng hơn nữa là từ đó mà hoạch định được những kế hoạch, chiến lược điều hành, quản lý xã hội một cách đúng đắn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình.

Điển hình như huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương mà lãnh đạo huyện rất coi trọng việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Hàng tháng đích thân Chủ tịch UBND huyện tiến hành tiếp công dân theo định kỳ, cùng tham gia buổi tiếp dân là lãnh đạo các ngành của huyện. Do đó, mọi vướng mắc, khiếu nại của người dân đều được ghi nhận và hướng dẫn, giải quyết một cách khách quan, đúng pháp luật, có tình, có lý nên trong rất nhiều trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đã được bảo vệ. Đối với một số trường hợp khiếu nại không đúng, sau khi trực tiếp nghe người có thẩm quyền tiếp nhận, giải thích đúng theo quy định pháp luật, người dân hiểu và không tiếp tục khiếu nại lên trên.

Tuy nhiên, bên cạnh một số ít địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác tiếp công dân thì vẫn còn nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt việc này. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì tính đến hết quý I/2009, còn 237 vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận và có ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, sâu sát, có nơi còn xem nhẹ công tác tiếp dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo nên các vụ khiếu kiện không được giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, để tích tụ lâu ngày thành khiếu kiện đông người, thậm chí trở thành điểm nóng.

Trong đó, nhiều nơi còn làm qua loa, hình thức, thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật, đặc biệt có địa phương người đứng đầu không thực hiện việc tiếp dân theo định kỳ, có nơi còn uỷ quyền, khoán trắng cho cấp dưới theo kiểu làm cho có, lấy lệ, đối phó mà thôi. Nhiều nơi người đứng đầu địa phương, đơn vị vẫn tổ chức tiếp công dân nhưng lại giải quyết không đến nơi đến chốn, tránh né những việc làm sai trái, nhiều khi còn bao che cho những sai phạm của cấp dưới. Nghiêm trọng hơn, có nơi lãnh đạo địa phương không những không giải quyết những thắc mắc, khiếu kiện cho nhân dân theo đúng quy định của pháp luật, mà còn biến việc tiếp dân đây làm diễn đàn để biện minh, giải trình cho việc làm sai trái của mình và có những lời nói, cử chỉ, hành động nhằm phô trương thanh thế, lực lượng để hù dọa người dân... Từ đó, vừa làm mất đi ý nghĩa của việc tiếp dân vừa gây khiếu kiện vượt cấp, thậm chí tạo cớ cho những phần tử xấu, phản động lợi dụng, kích động nhân dân gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra, ở một số nơi, người đứng đầu địa phương, đơn vị bố trí, sắp xếp thời gian tiếp công dân không theo định kỳ (chọn 01 hoặc 02 ngày cố định hàng tháng) mà miễn sao trong tháng có bố trí tiếp công dân vào 01 ngày là được và nhiều khi thay đổi ngày không thông báo và nói rõ lý do... Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chính sách chung của Đảng và Nhà nước ta là hướng về cơ sở, hoà giải những mâu thuẫn, khiếu nại của công dân, giải quyết công việc từ gốc, từ cơ sở.

Thiết nghĩ, chúng ta cần thực hiện tốt việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm minh những địa phương, đơn vị không thực hiện việc tiếp dân hoặc chỉ thực hiện qua loa, hình thức, đối phó./. 

Vĩnh Linh - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum