Giới thiệu chung về quyền của người lao động di cư trong Luật quốc tế

29/04/2009
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, lao động di cư (Migrant Worker) là một phần không thể tách rời giữa các nền kinh tế. Thực tế cho thấy, lao động di cư đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của các nước nhập khẩu và các nước xuất khẩu lao động. Nhưng liệu lao động di cư có được đối xử công bằng trong nền kinh tế toàn cầu, liệu quyền của người lao động di cư đã được các quốc gia gửi và nhận lao động đề cập như là trọng tâm của các chính sách kinh tế và phát triển trong quá trình nhập khẩu và xuất khẩu lao động?

Có hai loại lao động di cư cơ bản: di cư từ vùng này đến vùng khác trong phạm vi biên giới của một quốc gia và di cư từ quốc gia này đến quốc gia khác. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến quyền của người lao động di cư từ quốc gia này đến quốc gia khác.

Lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm, bị đánh đập hay lạm dụng mà không được bảo vệ, bị trả lương không xứng đáng và bị phân biệt đối xử về lương so với người bản địa... là những khó khăn mà người lao động di cư thường phải đối mặt. Ngoài ra, hạn chế về ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa cũng là rào cản khiến lao động di cư chịu thêm nhiều thiệt thòi.

Để có cơ sở vững chắc trong việc bảo vệ quyền của người lao động di cư, cộng đồng quốc tế đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý vững chắc thông qua việc ban hành công ước quốc tế, các Hiệp định đa phương, song phương về bảo vệ quyền của người lao động di cư.

Quyền con người nói chung, quyền của người lao động di cư nói riêng được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người: được hưởng các quyền cơ bản của con người, không bị phân biệt đối xử; Ngoài ra, người lao động di cư và các thành viên gia đình họ còn được hưởng một số quyền đặc biệt: quyền đến và rời khỏi một đất nước; quyền tự do hội họp và lập hội; quyền có công việc và các điều kiện làm việc tương xứng; quyền được giáo dục và chăm sóc sức khỏe; quyền được có cuộc sống gia đình.

Quyền của người lao động di cư một lần nữa được đề cập một cách sâu sắc và trực tiếp hơn thông qua hai công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) là Công ước số 97 (1949) và Công ước số 143 (1975) về lao động di cư. Hai công ước này khẳng định người lao động di cư được đối xử bình đẳng với người lao động bản địa, được hưởng các điều kiện lao động; các chế độ về an sinh xã hội, về giáo dục. Tuy nhiên, phạm vi của hai công ước chỉ áp dụng đối với bản thân người lao động di cư hợp pháp. Trong khi đó, như chúng ta đã biết, toàn cầu hóa làm cho biên giới của các quốc gia trở nên rộng hơn nhưng không phải người lao động di cư nào cũng đi qua biên giới ấy một cách hợp pháp. Ngoài ra, mục đích chung của phần lớn người lao động di cư là vì lý do kinh tế, sự di cư của người lao động phần lớn liên quan đến kinh tế của bản thân và của gia đình. Cùng với những biến động của quá trình di cư, gia đình người lao động di cư cũng sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng, các thành viên trong gia đình họ cũng cần được bảo vệ. Công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư và các thành viên trong gia đình năm 1990 (Công ước 1990) vì thế được ban hành như một tất yếu[1].

Công ước được cấu trúc theo hệ thống sau:

Phần I: Phạm vi và những khái niệm

Phần II: Tôn trọng quyền không phân biệt đối xử

Phần III: Quyền con người của tất cả các lao động di cư

Phần IV: Các quyền khác của người di cư hợp pháp

Phần V: Các quyền đặc biệt của lao động di cư

Phần VI: Nghĩa vụ và sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc thúc đẩy di cư lành mạnh, công bằng, nhân đạo và hợp pháp

Phần VII: Áp dụng Công ước

Phần VIII: Điều khoản chung

Phần IX: Điều khoản cuối cùng

Công ước 1990 đã xây dựng các chuẩn mực bắt buộc về đối xử, công việc, quyền của những người lao động di cư nhằm chấm dứt tình trạng bóc lột đối với những người lao động di cư vẫn thường xảy ra từ trước đến nay. Thông qua Công ước này, quyền của người lao động di cư và các thành viên trong gia đình được đề cập một cách sâu sắc và đầy đủ từ các quyền về dân sự, chính trị, lao động, kinh tế, xã hội văn hóa cho đến các quyền mang tính chất đặc trưng của người lao động di cư:

Quyền dân sự và chính trị,

- Không người lao động di cư nào hoặc thành viên nào của gia đình họ bị tra tấn, đối xử tàn tệ, vô nhân đạo hoặc bị đối xử một cách hèn hạ hoặc bị trừng phạt.

- Không người lao động di cư nào hoặc thành viên của gia đình họ bị bắt làm nô lệ, bị ép buộc hoặc cưỡng bách lao động.

- Cơ chế bảo vệ chống lại sự trục xuất cá nhân được áp dụng đối với tất cả các lao động di cư.

Quyền lao động

- Người lao động di cư có quyền được hưởng chế độ lao động bình đẳng như những người lao động tại nước sở tại: giờ làm việc, thời gian nghỉ, an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe... phù hợp với các quy định của luật lệ nước bản điạ.

- Người lao động di cư được tự do lập hội theo quy định của pháp luật để tăng cường và bảo vệ kinh tế cũng như văn hóa, xã hội và các lợi ích khác của mình.

- Người lao động di cư có quyền được hưởng các thành quả lao động; có quyền được bảo đảm về an sinh xã hội.

Quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa

- Tất cả lao động di cư và gia đình họ đều được hưởng sự chăm sóc về sức khỏe (Điều 28). Được hưởng sự giáo dục tương đương với người dân ở nước bản địa (Điều 30) “mỗi đứa con của người lao động di cư đều có quyền được hưởng sự giáo dục cơ bản theo quy định của quốc gia sở tại”.

“Các quốc gia thành viên của Công ước này phải đảm bảo việc tôn trọng văn hóa tín ngưỡng của người lao động di cư và các thành viên gia đình họ và không được can thiệp trong việc ngăn cấm họ giữ mối liên hệ về văn hóa với quốc gia gốc.

Các quốc gia thành viên phải tăng cường các biện pháp để đảm bảo sự tín ngưỡng này”.

Đối với người di cư có chỗ ở hợp pháp tại nước sở tại:

- Được hưởng quyền về nhà ở, kể cả nhà ở xã hội và được bảo vệ trong việc khai thác nhà để cho thuê.

- Được hưởng các dịch vụ về xã hội và sức khỏe, với điều kiện phải tham gia vào các hệ thống tương ứng.

- Các quốc gia thành viên cam kết thực hiện các biện pháp để đảm bảo việc tụ họp của gia đình người lao động di cư phù hợp với luật áp dụng.

Các quyền đặc biệt của người lao động di cư

- Các cơ quan công quyền không được phép tịch thu các giấy tờ tùy thân cũng như giấy tờ thông hành của người lao động di cư.

- Lao động di cư và các thành viên gia đình họ có quyền yêu cầu sự bảo vệ và trợ giúp của cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan ngoại giao của nước mình tại nước sở tại để đảm bảo các quyền lợi của mình.

- Dựa trên kết quả lao động tại nước sở tại, người lao động di cư và các thành viên của gia đình họ có quyền chuyển số tiền họ kiếm được cũng như họ tiết kiệm được, tài sản cá nhân và đồ dùng cá nhân phù hợp với luật áp dụng của quốc gia có liên quan.

          Như vậy, Công ước 1990 có thể được xem là Bản tuyên ngôn nhân quyền của người lao động di cư trên toàn thế giới. Chính vì thế con số các quốc gia gia nhập công ước ngày càng tăng, tính đến nay đã có 41 quốc gia thành viên[2].

          Ngoài các Công ước quốc tế, quyền của người lao động di cư còn được các quốc gia đề cập trong các văn kiện mang tính chất châu lục, khu vực, các Hiệp định song phương.

          Tại Việt Nam, Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài được ban hành và có hiệu lực từ tháng 7 năm 2007 hướng tới việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động và chấm dứt việc di cư bất hợp pháp là một trong những động thái tích cực cho thấy sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, để bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động di cư đòi hỏi chúng ta phải có bước tiến xa hơn nữa trong việc hội nhập về mặt pháp lý trong lĩnh vực này, thông qua các công việc cụ thể như ký kết các Bản ghi nhớ với các nước tiếp nhận lao động, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới gia nhập Công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư và các thành viên trong gia đình năm 1990; khi đó những quyền và lợi ích của người lao động di cư Việt Nam mới được bảo đảm một cách vững chắc, tránh sự phân biệt đối xử và bóc lột.

Nguyễn Thị Thu Phương


[1] Công ước 1990 được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1990 có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2003.

[2] Nguồn: Báo cáo của IOM ngày 02/4/2009 tại Học viện Ngoại giao Hà nội