Hôm qua (13/5), UBTVQH đã cho ý kiến về tăng thẩm quyền cho 82 TAND cấp huyện còn lại, dự án sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và đề án đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012.
82 TAND cấp huyện còn lại sẽ được tăng thẩm quyền
Theo tờ trình và báo cáo giải trình bổ sung của TANDTC, hiện còn 82 TAND cấp huyện chưa được UBTVQH giao thực hiện thẩm quyền xét xử mới về hình sự và dân sự. Trong số đó còn 5 toà án mới chỉ có 5 thẩm phán (theo yêu cầu cần 3 thẩm phán/toà án để thực hiện xét xử theo thẩm quyền mới). Nhưng ngành Toà án đã xúc tiến việc bổ nhiệm thêm, điều động thẩm phán để đảm bảo cho các toà án này có đủ 3 thẩm phán trước tháng 6/2009. Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp (UBTP) đều tán thành với đề nghị của TANDTC về việc tăng thẩm quyền xét xử cho tất cả 82 TAND cấp huyện còn lại. Tuy nhiên, vẫn có một số thành viên cho rằng, nếu 5 đơn vị TAND cấp huyện không kịp đáp ứng đủ 3 thẩm phán và 4 đơn vị VKSND chưa đủ 3 Kiểm sát viên thì chưa nên giao thẩm quyền xét xử mới trong đợt này.
Trước những lập luận của TANDTC và kết quả thẩm tra của UBTP, các thành viên UBTVQH đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc giao thẩm quyền xét xử cho 82 TAND cấp huyện. Song ông Trần Thế Vượng - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - lưu ý, cần cẩn trọng trong việc đánh giá chất lượng, tăng đội ngũ cán bộ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các TAND và các cơ quan tư pháp cấp huyện. Bên cạnh đó, việc tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện được thực hiện trước khi thành lập toà án khu vực nên cần xem xét việc đầu tư trụ sở cho TAND, VKSND, cơ quan THADS, cơ quan điều tra cho hợp lý, tính toán số biên chế cần thiết để không phải giải quyết hậu quả do dư thừa cán bộ và cơ sở vật chất khi thành lập toá an khu vực, tránh sự lãnh phí.
Không nên chỉ định thầu rộng rãi
Các thành viên UBTVQH quan tâm nhiều đến những sửa đổi quy định của Luật Đấu thầu. Cho ý kiến về quy định sửa đổi liên quan đến chỉ định thầu, đấu thầu trong Luật Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Thuận (Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật) cho rằng, đấu thấu rộng rãi là rất hay, nhưng với thực tế hiện nay thì chỉ định thầu có thể hiệu quả hơn. Vì thế nhấn mạnh về tính rộng rãi của đấu thầu là không cần thiết. Ngược lại, bà Lê Thị Thu Ba (Chủ nhiệm UBTP) thấy rằng, đấu thầu lâu nay rất hình thức (có nhiều biểu hiện móc nối để ưu tiên cho 1 đơn vị) là do cách quản lý, quy định. Nên không vì đấu thầu bị lợi dụng, không hiệu quả để nhấn mạnh đến chỉ định thầu rộng rãi, dễ tạo thành cơ chế “xin cho”, chạy dự án, mà cần có quy định chặt chẽ về đấu thầu.
Ông Trần Thế Vượng băn khoăn, nếu cấp bổ sung kinh phí cho gói thầu do giá cả thị trường tăng hoặc chính sách, pháp luật của nhà nước thay đổi, thì có cắt chi phi nếu giá cả giảm hoặc chính sách thay đổi, giúp giảm chi phí cho gói thầu? Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch Quốc hội) khẳng định, mọi thay đổi của gói thầu, giá trị dự án phải được điều chỉnh theo cả hai hướng (tăng và giảm chi phí) nhưng cần cân nhắc để quy định cho chặt chẽ và hợp lý.
Lo ngại về tính khả thi của quy định sửa đổi về thi tuyển kiến trúc công trình xây dựng, ông Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách) cho rằng, thực tế nhiều tác phẩm được giải cao nhưng không được lựa chọn thì có nên quy định bắt buộc ưu tiên lựa chọn tác phẩm khi “thực tiễn đã không thực hiện được thì cần cân nhắc”. Đồng tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá, trong một số trường hợp thể ưu tiên lựa chọn các tác phẩm nhưng phải đáp ứng các yêu cầu hợp lý, tránh việc các nhà thầu được ưu tiên đưa “giá trên trời” mà nhà đầu tư cũng phải chấp thuận. Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến không đồng tình với việc ưu tiên lựa chọn tác phẩm sau khi đã thi tuyển vì như vậy sẽ làm đi ý nghĩa của việc thi tuyển.
Cân nhắc thêm về quy định học phí
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là đề xuất thay đổi về chính sách học phí. Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện tại, chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước vẫn chưa thay đổi và giá trị thực tế của học phí so với năm 2000 chỉ còn 62%. Vì thế, cùng với 20% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục và học phí thu từ người học vẫn không đủ chi trả cho hoạt động của các cơ sở GD&ĐT. Về cơ bản, đến nay, cơ chế tài chính cho GD&ĐT chưa có sự thay đổi về chất so với thời kỳ bao cấp. Theo ông Đặng Vũ Minh (Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường), tăng học phí đại học là hợp lý, nhưng phải có lộ trình, tránh “gây sốc” cho sinh viên và xã hội. Và tăng học phí phải gắn liền chất lượng của từng loại cơ sở đào tạo.
Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy, khung học phí hiện nay còn mang tính chất cào bằng, không phân biệt đối tượng, mức chênh lệnh giữa các ngành nghề là không đáng kể, chưa có sự phân biệt về quy định học phí giữa các chương trình đào tạo công lập với chất lượng khác nhau. Nhưng mức học phí cụ thể trong Đề án là quá cao, không hợp lý, không công bằng đối với các đối tượng cùng lứa tuổi và không khuyến khích học sinh sau THCS đi học nghề.
Trong khi đó, học phí là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, có tác động lớn đến đời sống xã hội. Mức sống của người dân hiện còn thấp, xã hội còn quen với cơ chế bao cấp trong giao dục thì việc tăng học phí của các cấp học có thể chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thuận đề nghị nên thực hiện đề án trong giai đoạn 2011-2015 để có thời gian chuẩn bị tốt, tránh sự thay đổi trong quá trình thực hiện, hạn chế hiệu quả của đề án.
Đa số thành viên UBTVQH đều nhất trí miễn học phí cho học sinh tiểu học và THCS để thể hiện tính ưu việt của xã hội. Nhưng ông Phạm Sỹ Danh (Thứ trưởng Bộ Tài chính) lo ngại, nếu thực hiện chính sách này hiện nay sẽ làm tăng ngân sách nhà nước chi cho GD&ĐT lên gần 30%.
Bà Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh đến tính công bằng khi xây dựng khung học phí, nhất là đối với học sinh học nghề. Bà Ba cho rằng, hầu hết học sinh học nghề là những đối tượng có khó khăn về tài chính nên họ cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước nhiều hơn các đối tượng khác. Hơn nữa, mức học phí hợp lý cho học sinh học nghề sẽ giúp giải quyết được vấn đề xã hội về chất lượng lao động qua đào tạo nên không thể quy định ở mức cao như trong đề án. Quan điểm này cũng được ông Phùng Quốc Hiển ủng hộ vì theo ông, trong điều kiện hiện nay, quy định mức học phí học nghề phù hợp cũng tạo điều kiện cho con em nông dân đi học nghề và là dịp đầu tư để đào tạo nguồn công nhân nói chung./.
Huy Long
Thay đổi chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm hiện nay bằng chính sách tín dụng sinh viên. Khi ra trường nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với đại học, cao đẳng) và 3 năm (đối với trung cấp chuyên nghiệp) thì nhà nước sẽ xóa nợ (cả gốc và lãi) phần chi trả cho học phí. Nhà nước thực hiện cấp trực tiếp học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí khi học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học để thực hiện đóng học phí cho các cơ sở đào tạo. (Trích Tờ trình về “Đề án đổi mới cơ chế tài chính của GD&ĐT giai đoạn 2008-2012”) |
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân: “Muốn tăng chất lượng đào tạo phải tăng chi phí bằng cách Nhà nước tăng ngân sách cho GD&ĐT và đóng góp thêm từ xã hội. Ai không đủ khả năng thì Nhà nước cho vay. Đây là khoản “tiết kiệm cho tương lai””. |