Khai mạc phiên họp 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

13/05/2009
Sáng qua 12/5, tại phiên họp thứ 20, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ và các Uỷ ban liên quan của Quốc hội báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.

4 tháng: 21 ngàn DN đăng ký kinh doanh

Về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2009 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đánh giá: mặc dù kinh tế thế giới suy thoái ngày càng sâu nhưng nhờ quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng, nhà nước, các ngành, cấp và nhân dân tình hình kinh tế mặc dù rất khó khăn nhưng bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, thể hiện trên tất cả lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp, xuất nhập khẩu, dịch vụ, tài chính, tiền tệ giá cả, đầu tư…. Riêng đối với phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: do tình hình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa giảm trong 4 tháng đầu năm, nên số doanh nghiệp đăng ký mới và số vốn đăng ký mới trong 4 tháng đầu năm có giảm sút so với cùng kỳ. Ước 4 tháng đầu năm cả nước có 21 ngàn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, giảm hơn 10% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 104,3 ngàn tỷ đồng, giảm 45,6%.

Thời gian tới, tiếp tục ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ bổ sung thêm 20 ngàn tỷ đồng trái phiếu để đầu tư cho giao thông, thủy lợi, y tế và giáo dục (bao gồm xây dựng nhà ở cho sinh viên, trong 2 năm 2009-2010 phấn đấu bảo đảm chỗ ở cho khoảng 40% sinh viên được ở trong ký túc xá). Về các giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ, sẽ tiếp tục thực hiện tốt miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, nghiên cứu giảm lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu để giảm lãi suất tín dụng trên thị trường.

Các dự án nhà ở xã hội: được ưu đãi thuế?

Tại Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất việc bổ sung các ưu đãi về thuế nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương kích cầu trong đó có ưu đãi thuế GTGT đối với nhà ở xã hội. (gồm nhà ở cho công nhân trong Khu công nghiệp, nhà ở cho sinh viên và nhà ở cho người có thu nhập thấp). Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nhằm đẩy nhanh việc giải quyết chỗ ở cho các đối tượng nói trên thì cần xếp các dịch vụ cho sinh viên, người lao động trong khu công nghiệp, nhà ở bán cho người có thu nhập thấp vào nhóm thuế suất thuế GTGT mức thấp nhất là 5% (hiện nay theo Luật thuế GTGT mức 5% chỉ áp dụng cho các sản phẩm là đầu vào của sản xuất nông nghiệp và một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có tính chất thiết yếu đối với người dân). Khi áp dụng mức thuế suất này, doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào và đầu ra, lợi cả cho doanh nghiệp và cho người dân (được tiếp cận với nhà ở với điều kiện tốt hơn, chi phí rẻ hơn…). Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép các đối tượng trên được hưởng mức thuế suất GTGT 5%.

Riêng về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với nhà ở xã hội, theo Luật thuế TNDN hiện hành thì mức ưu đãi thuế TNDN cao nhất (thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế 9 năm tiếp theo) chỉ được áp dụng đối với các doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa…Để khuyến khích đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép: áp dụng mức ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất trong khung pháp luật thuế TNDN hiện hành đối với các dự án này.

Ngoài đề xuất ưu đãi thuế với nhà ở xã hội, Chính phủ còn đề nghị bổ sung các quy định về ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng và kéo dài thời gian quyết toán thuế (từ 90 ngày lên 180 ngày) đối với các tập đoàn, Tổng Công ty lớn hạch toán tập trung.

Tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

Thực hiện gói kích cầu là một trong những giải pháp được Chính phủ chỉ đạo triển khai theo Nghị quyết 30 ngăn chặn suy giảm kinh tế. Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ quy mô của gói kích cầu ước đạt khoảng 143 nghìn tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ lãi xuất vay vốn tín dụng khoảng 17 ngàn tỷ đồng. Hồi đầu năm, Thủ tướng chính phủ cũng đã cho phép hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh (quyết định 131). Đến ngày 29/4/2009, dư nợ cho vay theo quyết định này đã đạt 268.700 tỷ đồng.

Tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho DN, trong tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng để đầu tư pháp triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhà ở khu vực nông thôn. Theo phản hồi từ phía các bộ, ngành địa phương và DN, đây là giải pháp kích cầu phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế như hiện nay, giúp các DN duy trì sản xuất, tạo việc làm, đồng thời hỗ trợ các Ngân hàng thương mại khắc phục khó khăn, giữ được an toàn hoạt động kinh doanh.

Bình An

Về vấn đề ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của QH thì đây là những vấn đề mới liên quan đến nhiều luật (Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN, Luật Quản lý thuế). Nếu bổ sung thì phải sửa luật chứ không nên điều chỉnh bằng Nghị quyết của QH. Đồng tình ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban pháp luật QH cho rằng: có thể dùng một Luật để sửa nhiều luật và làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo điều chỉnh những vấn đề cấp bách từ thực tiễn