Đó là khẳng định đầy sinh động của Chủ tịch Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc (HĐLT) LS.Lê Thúc Anh về công tác tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất (ĐHĐBLSTQ), 10 ngày trước khi Đại hội thành lập Liên đoàn luật sư (LĐLS) Việt Nam diễn ra tại thủ đô Hà Nội.
Soạn thảo các văn kiện Đại hội
Công việc quan trọng nhất là soạn thảo dự thảo Điều lệ LĐLS – văn bản quan trọng điều chỉnh toàn diện các quan hệ nội bộ của tổ chức LS ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chế độ tự quản của LĐLS, góp phần xây dựng, phát triển tổ chức LS, nghề LS ở Việt Nam, xây dựng đội ngũ LS Việt Nam trong sạch về phẩm chất đạo đức, vững mạnh về nghiệp vụ chuyên môn.
Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở tập trung trí tuệ tập thể của các ĐLS và các LS trong cả nước, HĐLT đã soạn thảo bản dự thảo Điều lệ LĐLS. Dự thảo đã được lấy ý kiến đóng góp của các ĐLS, cơ quan, tổ chức có liên quan tại 2 cuộc tọa đàm ở Hà Nội, TP.HCM (tháng 8/2008) và 9 cuộc tọa đàm tại 9 khu vực (tháng 9/2008). Đặc biệt, dự thảo đã được đưa về các ĐLS để thảo luận, đóng góp ý kiến tại Đại hội ĐLS.
Cùng với dự thảo Điều lệ, HĐLT đã soạn thảo Báo cáo chính trị, với các nội dung về quá trình hình thành và phát triển tổ chức, hoạt động LS ở Việt Nam, những nét cơ bản về tình hình tổ chức, hoạt động LS ở Việt Nam hiện nay và phương hướng, nhiệm vụ phát triển tổ chức, hoạt động LS trong nhiệm kỳ đầu tiên của LĐLS (2009-2014). Trước khi đưa ra trình ĐHĐBLSTQ, báo cáo chính trị cũng đã được đưa ra lấy ý kiến tại các hội thảo, tọa đàm và nhận được ý kiến đóng góp chính thức của các LS tại Đại hội của 61 ĐLS.
Ngoài ra, HĐLT cũng đã soạn thảo nhiều văn kiện khác liên quan đến công tác nhân sự, tổ chức ĐHĐBLSTQ, qui chế bầu cử, kế hoạch tuyên truyền,.... Với qui trình dân chủ, công khai, minh bạch, các văn kiện này cũng đã nhận được ý kiến đóng góp của giới LS và các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực thi.
Hướng dẫn Đại hội của các Đoàn luật sư
LS.Lê Thúc Anh cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng, 61 ĐLS trên cả nước đã tiến hành Đại hội, trong đó, 40 ĐLS tổ chức Đại hội với 02 nội dung (bầu Ban chủ nhiệm, phương hướng nhiệm kỳ mới và thảo luận về các văn kiện trình ĐHĐBLSTQ, bầu Đại biểu đi dự ĐHĐBLSTQ), 21 ĐLS đã tổ chức Đại hội của đoàn thì tổ chức Đại hội với nội dung thảo luận về dự thảo Điều lệ và các văn kiện ĐHĐBLSTQ. Trong thời gian đó, các thành viên của HĐLT đã đi dự Đại hội các ĐLS để hướng dẫn về bầu đại biểu tham dự ĐHĐBLSTQ, đóng góp ý kiến vào các văn kiện ĐHĐBLSTQ. Thông qua đó, 61 ĐLS đã bầu và cử được 328 đại biểu tham dự ĐHĐBLSTQ.
HĐLT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cấp ủy địa phương và các ĐLS để theo dõi, đôn đốc, xử lý ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình hướng dẫn các ĐLS tổ chức Đại hội phục vụ cho công tác tổ chức ĐHĐBLSTQ. Vì vậy, LS.Lê Thúc Anh khẳng định, dù công việc nhiều, đặc biệt là vấn đề nhân sự tại các ĐLS và nhân sự ĐHĐBLSTQ, nhưng bằng tinh thần quyết liệt, khẩn trương, theo đúng chuẩn mực, sự đồng thuận, trách nhiệm của giới LS, sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Tư pháp, sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo ĐHĐBLSTQ, sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các ĐLS đã tổ chức thành công Đại hội với các nội dung phục vụ cho ĐHĐBLSTQ, giúp công tác chuẩn bị cho ĐHĐBLSTQ được thực hiện hiệu quả.
Tuy liệt kê đầu việc tưởng như không quá nhiều nhưng những công việc mà HĐLT và Ban Tổ chức ĐHĐBLSTQ phải làm trong thời gian khoảng 10 tháng qua thực chất lại là một khối lượng công việc khổng lồ như đánh giá của Trưởng ban chỉ đạo Đại hội - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Để làm được điều này, HĐLT đã phải làm việc rất tích cực, khẩn trương ngay sau khi được thành lập (tháng 4/2008).
Các công việc này đã được thực hiện “rất công phu, kỹ lưỡng, chu đáo và dân chủ”, tạo điều kiện thuận lợi để ĐHĐBLSTQ lần thứ nhất thực hiện thành công vai trò lịch sử của mình. Và để từ đây, cứ vào tháng 5 hàng năm, giới LS Việt Nam sẽ hân hoan chào mừng “sinh nhật” của LĐLS như một trong những sự kiện đáng ghi nhớ nhất đánh dấu sự phát triển về tổ chức và hoạt động của LS ở Việt Nam./.
Minh Đăng