Minh bạch hoá là vấn đề đặc biệt quan trọng trong WTO và là vấn đề được quan tâm trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Minh bạch hoá cũng là một trong những cam kết mà Việt Nam cần phải thực hiện ngay sau khi Việt Nam chính thức trở thành Thành viên của WTO. Bộ Tư pháp được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì đàm phán minh bạch hoá pháp luật trong quá trình gia nhập WTO cũng như thực hiện các cam kết này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những nội dung chính liên quan đến cam kết về minh bạch hóa của Việt Nam trong WTO
Các cam kết của Việt Nam về minh bạch hóa trong WTO bao gồm các cam kết về minh bạch được áp dụng chung cho các thành viên WTO được nêu trong các Hiệp định của WTO. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nghĩa vụ thực hiện các cam kết cụ thể khác được nêu trong Báo cáo của Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam (Báo cáo gia nhập). Các cam kết về minh bạch hoá không được quy định riêng trong Hiệp định nào của WTO mà được quy định tại các hiệp định thương mại đa phương và nhiều bên như Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT) Điều X, Hiệp định về các biện pháp kỹ thuật Điều 2.9, Hiệp định về quy tắc xuất xứ hàng hoá Điều 2.g và Điều 3.e, Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng Điều 25, Hiệp định về các biện pháp tự vệ Điều 12, Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và vệ sinh dịch tễ Điều 7, Hiệp định TRIPS Điều 63, Hiệp định nông nghiệp Điều 18.2-3, Hiệp định TRIMS Điều 6.1 và Hiệp định thương mại dịch vụ GATS Điều III....
Về cơ bản, các cam kết minh bạch hóa của Việt Nam trong WTO có thể chia thành những nhóm nội dung cơ bản như sau:
1. Nghĩa vụ đăng tất cả các biệp pháp thương mại
Việt Nam có nghĩa vụ đảm bảo rằng tất cả các luật, quy định, nghị định, quyết định của toà án và các quyết định hành chính có tính áp dụng chung phải được đăng trước khi có hiệu lực hoặc trước khi được thi hành, ngoại trừ những quy định, quyết định của toà án và các quyết định hành chính có tính áp dụng chung và các biện pháp khác có liên quan đến tình trạng khẩn cấp hoặc an ninh quốc gia, hoặc các văn bản mà việc đăng sẽ gây trở ngại cho quá trình thực thi pháp luật.
Việc đăng phải được thực hiện trên các trang điện tử hoặc các tạp chí. Nghĩa vụ này cũng được áp dụng đối với các biện pháp của chính quyền địa phương.
Ngoài các cam kết trên, trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Việt Nam cam kết đăng một danh sách tất cả các tổ chức chịu trách nhiệm uỷ quyền, cho phép hoặc quản lý các hoạt động dịch vụ trong mỗi ngành dịch vụ và Việt Nam có nghĩa vụ đăng trên Công báo tất cả những thủ tục và điều kiện cấp phép hiện hành của mình.
2. Nghĩa vụ lấy ý kiến của công chúng đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Liên quan đến các luật, pháp lệnh, nghị định và các quy định khác được đệ trình và các biện pháp được Quốc hội và Chính phủ ban hành liên quan hoặc ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá, dịch vụ và sở hữu trí tuệ, Việt Nam dành một khoảng thời gian hợp lý, tức là không ít hơn 60 ngày, cho các Thành viên, cá nhân, hiệp hội và doanh nghiệp để đóng góp ý kiến cho các cơ quan có liên quan trước khi những biện pháp này được thông qua. Chính phủ xem xét những ý kiến nhận được trong khoảng thời gian lấy ý kiến đóng góp trừ những quy định hoặc các biện pháp khác có liên quan đến tình trạng khẩn cấp hoặc an ninh quốc gia, hoặc các quy định mà việc đăng chúng sẽ cản trở việc thực thi pháp luật.
Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Việt Nam đã cam kết: Ngoại trừ các tình huống khẩn cấp hoặc các quy định và biện pháp liên quan đến an ninh quốc gia, các biện pháp cụ thể ấn định tỷ giá hối đoái hoặc chính tiền tệ và các biện pháp khác mà việc đăng chúng có thể ngăn cản việc thực thi luật, Việt Nam sẽ: (a) đăng trước bất kỳ quy định hay các biện pháp thực thi khác mang tính áp dụng chung mà Việt Nam dự kiến thông qua và mục tiêu của quy định hay biện pháp thực hiện khác đó; (b) cho phép các bên quan tâm và các Thành viên khác có cơ hội hợp lý để bình luận về quy định hay biện pháp thực hiện khác dự kiến thông qua đó; và (c) cho phép một khoảng thời gian hợp lý từ khi đăng quy định chính thức hay biện pháp thực hiện khác chính thức tới khi quy định hay biện pháp này có hiệu lực.
Các cam kết này dẫn đến một nghĩa vụ pháp lý cho Việt Nam đó là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp thực thi có liên quan đến thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ phải được đưa ra lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan và lấy ý kiến công chúng trước khi các văn bản này được ban hành và áp dụng.
3. Nghĩa vụ thông báo về các biện pháp thương mại được ban hành hoặc sửa đổi
Chậm nhất là vào thời điểm gia nhập, Việt Nam sẽ nộp tất cả các bản thông báo ban đầu theo yêu cầu của bất kỳ hiệp định nào của WTO. Bất kỳ luật, quy định hoặc các biện pháp nào khác được Việt Nam ban hành sau đó mà được quy định là phải thông báo theo Hiệp định WTO, sẽ được thông báo vào một thời điểm và theo cách thức phù hợp với các quy định của WTO. Cần lưu ý, việc thông báo phải được thực hiện bằng ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại WTO.
Cam kết này có thể được hiểu rằng sau khi gia nhập WTO, các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các biện pháp thương mại có tính áp dụng chung thuộc đối tượng phải thông báo theo cam kết của Việt Nam thì phải được thông báo phù hợp với các yêu cầu trong các hiệp định có liên quan của WTO. Đặc biệt là có một nghĩa vụ thông báo cho Uỷ ban về thương mại dịch vụ của WTO việc ban hành các biện pháp mới hoặc sửa đổi các biện pháp hiện hành có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ. Đây là nghĩa vụ chỉ phải thực hiện trong khuôn khổ WTO
4. Nghĩa vụ thành lập Điểm hỏi đáp cung cấp thông tin cho các Thành viên quan tâm về các vấn đề cụ thể
Việt Nam phải thành lập điểm hỏi đáp để cung cấp các thông tin cụ thể, theo yêu cầu, cho các Nước Thành viên WTO khác về các vấn đề liên quan đến thương mại dịch vụ, các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật. Liên quan đến thương mại dịch vụ, điểm hỏi đáp này phải được thành lập trong vòng 2 năm kể từ ngày gia nhập. Phạm vi của các yêu cầu hỏi đáp mà các điểm hỏi đáp cần phải xử lý là khá sâu rộng liên quan đến các luật, quy định, nghị định, các quyết định của toà án và các quyết định hành chính và tất cả các biện pháp của Chính Phủ có tính áp dụng chung.
5. Nghĩa vụ liên quan đến rà soát chính sách thương mại
Là một Thành viên của WTO, Việt Nam có nghĩa vụ phải tham gia thực hiện các rà soát chính sách thương mại định kỳ theo thủ tục được quy định tại Phụ lục 3 của Hiệp định Marrakesh. Việc rà soát được thực hiện theo Cơ chế rà soát chính sách thương mại theo Phụ lục 3 gồm tất cả các nội dung của khuôn khổ pháp luật ảnh hưởng đến thương mại, bao gồm các chính sách và thực tiễn có liên quan của các cơ quan có thẩm quyền của chính phủ Việt Nam .
Tóm lại, cam kết về minh bạch hóa của Việt Nam trong WTO là sâu rộng và toàn diện nhất. Thậm chí những cam kết về minh bạch hóa trong WTO của Việt Nam là rất cao so nhiều nước thành viên WTO khác. Vì vậy, các cam kết về minh bạch hóa trong WTO có thể được coi là mức trần khi chúng ta tiến hành đàm phán nội dung này trong các Hiệp định song phương cũng như đa phương trong tương lai.
QHQ, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp