Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được xem xét trong phiên họp thứ 17 của UBTVQH, tuy nhiên do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chiều qua tại Hội nghị thường trực Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, dự luật này tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến.
Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là Dự thảo luật đã kéo dài thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (chủ yếu kéo dài gấp 2 lần so với quy định hiện hành, trong đó có những loại đơn thời hạn kéo dài từ 12 tháng lên 24 tháng – đơn sáng chế). Theo đại diện Bộ Văn hóa- Thể thao và du lịch thì hiện nay với số lượng cán bộ, cơ sở vật chất có hạn, trong khi số lượng đơn đăng ký năm sau tăng gấp 4,5 lần so với năm trước, nên việc “giãn” thời hạn là cần thiết. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị nhiều đại biểu phản ứng. Trong giai đoạn cải cách hành chính theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thì trong lĩnh vực SHTT lại kéo dài ra, thậm chí có việc kéo dài gấp 2 lần. Trong 5, 10 năm tới, nếu đơn đăng ký tiếp tục tăng lên đồng nghĩa với việc lại kéo dài thêm thời hạn xử lý? Như vậy là không phù hợp.
Tiếp thu các ý kiến này, Dự thảo mới nhất được đưa ra hôm qua, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã rút bỏ đề xuất kéo dài thời hạn đối với đơn thẩm định về hình thức, giữ nguyên quy định 1 tháng như Luật hiện hành. Tuy nhiên với đơn thẩm định nội dung thay vì kéo dài thời hạn lên gấp 2 lần như trước đây, Bộ này đề nghị được “giãn” 1,5 lần. Cụ thể với đơn sáng chế từ 12 tháng lên 18 tháng, đối với nhãn hiệu và kiểu dáng tăng từ 6 tháng lên 9 tháng. Mặc dù đã rút ngắn thời hạn nhưng vẫn nhiều đại biểu Quốc hội không tình với quy định này.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật SHTT cũng quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Quan điểm này có hai ý kiến. Loại thứ nhất tán thành, còn loại ý kiến thứ hai cho rằng việc áp dụng quy định này có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích thụ hưởng của số đông công chúng VN, do đó cần phải cân đối để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích công chúng và lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần chia ra các trường hợp tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm vì mục đích thương mại, và không vì mục đích thương mại. Mức nhuận bút, thù lao cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
Bình An