Những nguyên nhân và giải pháp nhằm hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp

17/03/2009
Có thể nói kể từ khi Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC) có hiệu lực (1998), và qua một số lần được sửa đổi, bổ sung đến nay cơ bản đã tương đối hoàn thiện, góp phần rất lớn vào việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Ở nước ta hiện nay mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực về công tác giải quyết KNTC nhưng có thể khẳng định rằng chúng ta chưa giải quyết tốt, triệt để các thắc mắc khiếu kiện trong nhân dân, minh chứng cho điều này là tình trạng KNTC vượt cấp vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp. Đây là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội trong thời gian qua.

Qua gần 10 năm thực hiện Luật KNTC chúng ta có thể rút ra những tồn tại, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp như sau:

- Mặc dù đã quy định khá chặt chẽ ngay trong luật và các văn bản hướng dẫn thi hành song việc đưa các quy định này vào thực tế cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó trách nhiệm chính thuộc phía các cơ quan nhà nước, đó là công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật về lĩnh vực KNTC còn chưa được quan tâm, đẩy mạnh.

- Vấn đề KNTC vượt cấp, chủ yếu là do người dân trình độ pháp luật còn hạn chế nên đã bỏ qua việc giải quyết KNTC ở cấp có thẩm quyền mà gửi thẳng lên cơ quan cấp trên, cơ quan không có thẩm quyền giải quyết. Ví dụ, các vấn đề mang tính hành chính, hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp nhưng lại gửi cho các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị xã hội... Mặt khác, là do cách thức làm việc quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, giải quyết chưa thấu tình đạt lý, triệt để và đúng pháp luật, đặc biệt là việc bao che cho nhau... của chính quyền địa phương, cơ sở nên người dân chưa tin tưởng vào việc thụ lý, giải quyết... cũng dẫn đến KNTC vượt cấp.

- Mặc dù pháp luật đã quy định về thời hiệu giải quyết KNTC song vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa tuân thủ nghiêm túc. Đã có nhiều trường hợp luật quy định phải trả lời, giải quyết trong thời hạn 30 ngày thì có nơi để đến vài tháng, thậm chí cả năm chưa giải quyết nên đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

           - Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết KNTC chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay. Có thể khẳng định rằng việc giải quyết KNTC là công việc cực kỳ phức tạp, đòi hỏi những người làm công tác này ngoài phải có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu rộng về kiến thức xã hội, thì còn phải có phẩm chất đạo đức chính trị, có tâm huyết với công việc được giao và đặc biệt là có tinh thần trách nhiệm, đạo đức của người công chức tận tâm, tận tuỵ phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, do tình trạng chắp vá, đội ngũ làm công tác giải quyết KNTC còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị nên tình trạng KNTC vượt cấp vẫn tiếp tục xảy ra.

            - Tình trạng quan liêu, hách dịch, tham nhũng của một bộ phận lớn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết KNTC mà các cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp hữu hiệu để hạn chế, khắc phục. Do đó dẫn đến nhiều trường hợp giải quyết không tuân theo trình tự quy định, trái pháp luật, gây thiệt hại, trù dập... những người KNTC, nhất là chưa có cơ chế bảo vệ những người dám đứng ra KNTC như một số nước trên thế giới vẫn làm.

            Qua thực tế tình hình giải quyết KNTC và xu hướng khiếu nại, tố cáo vượt cấp diễn ra hết sức nghiêm trọng trong thời gian gần đây chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

 - Để công tác giải quyết KNTC đi vào chiều sâu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét bổ sung biên chế công chức chuyên trách làm công tác giải quyết KNTC ở các ngành, đặc biệt là cấp tỉnh.

 - Việc nhận đơn thư KNTC của công dân thường qua con đường bưu chính nên cơ quan nhân đơn thư không thể trực tiếp hướng dẫn công dân gửi đơn thư đúng địa chỉ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà chỉ chuyển đơn bằng công văn và thông báo cho người gửi đơn (trong trường hợp cơ quan nhận đơn thư không có thẩm quyền giải quyết) trong trường hợp này cần quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển đơn để biết việc thụ lý giải quyết cho công dân, nhằm đảm bảo đơn thư phải được thụ lý giải quyết.

 - Các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về khiếu nại, tố cáo còn bất cập như thời hiệu thụ lý giải quyết, trách nhiệm của cá nhân và cơ quan có thẩm quyền giải quyết, việc giải quyết đơn thư nặc danh... Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kết quả giải quyết KNTC của địa phương, đơn vị để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, cũng nên có chính sách khen thưởng, động viên các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức làm tốt công tác giải quyết KNTC.

             - Quan tâm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác giải quyết KNTC chuyên trách ở các cơ quan, đơn vị nhằm làm cho đội ngũ này vừa có phẩm chất chính trị, vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giải quyết KNTC ngày càng phức tạp như hiện nay.

 Nếu chúng ta thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu nêu trên sẽ góp phần hạn chế, tiến tới giảm dần tình trạng KNTC vượt cấp diễn ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay./.

Phạm Văn Chung