Hôm qua, tại Hội nghị thường trực Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội thảo luận các Dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, các đại biểu đã cho ý kiến vào một số vấn đề quan trọng của Dự án Luật quản lý nợ công.
Không điều chỉnh nợ của DNNN
Nợ công, theo Dự án luật bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội lại cho rằng, nên bổ sung nợ của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào phạm vi điều chỉnh của luật với lý do nợ của DNNN cũng là nợ khu vực công, nếu không điều chỉnh cả loại nợ này thì sẽ tạo ra kẽ hở về mặt pháp lý đối với quản lý nợ khu vực DNNN, dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Huy Quách, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính- ngân sách Quốc hội thì: theo quy định của pháp luật, DNNN có quyền tự vay, tự trả nợ, tự chịu trách nhiệm trước các chủ nợ. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp nếu được Chính phủ bảo lãnh vay; việc bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đã được quy định trong Dự thảo Luật.
Đồng tình với việc không đưa nợ của khối DNNN vào phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng vẫn cần có một quy định mang tính dẫn chiếu để tránh việc nợ của DNNN Chính phủ lại phải đứng ra giải quyết.
Quản lý nợ công: nên thu về một mối
Theo quy định hiện hành, có ba cơ quan cùng thực hiện chức năng quản lý nợ khu vực công, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – đầu tư, và Ngân hàng nhà nước. Dự thảo luật kế thừa quy định này. Theo đại diện Uỷ ban tài chính – ngân sách Quốc hội thì việc quy định còn nhiều cơ quan cùng quản lý nhà nước về nợ công chỉ là tạm thời. Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về sự phối hợp, phân công giữa các cơ quan, có cơ chế cung cấp thông tin để đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Không đồng ý với dự thảo luật, ông Mã Điền Cư – Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội nhấn mạnh: nên xác định rõ một cơ quan giữ vai trò đầu mối quản lý nợ công, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính. Ông Cư nêu rõ: giao cho Bộ Tài chính là đúng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ này
Đồng tình với ý kiến của ông Cư, một số đại biểu Quốc hội khác cho rằng, nếu giao cho nhiều đơn vị cùng thực hiện chức năng quản lý nợ công, sẽ dẫn đến tình trạng các khoản nợ bị xé lẻ, khó quản lý và khó quy trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, dù quy định một hay nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công, nhưng cần bổ sung quy định rõ về trách nhiệm người đứng đầu.
Cấp Bộ trở xuống: ký kết vay nợ như thế nào?
Hiện nay, việc tham gia ký kết các thoả thuận vay nợ, trong đó có cả phía nước ngoài và Việt Nam đều có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan, không cho phép tự thoả thuận về trình tự ký kết, phê duyệt các thoả thuận vay nợ. Xuất phát từ thực tế này, Dự thảo luật đã quy định theo hướng các thoả thuận vay nợ đều phải được ký kết, phê duyệt theo quy định của pháp luật VN. Tuy nhiên đối với các thoả thuận vay không thuộc diện điều ước quốc tế, được ký ở cấp Bộ trở xuống, cần có sự linh hoạt. Do đó, Dự luật đã quy định “Việc ký kết và phê duyệt các thoả thuận khung về vay ODA, các thoả thuận vay, ký kết ở cấp Chính phủ và Nhà nước thực hiện theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế. Đối với các thoả thuận vay cụ thể ký kết ở cấp Bộ trở xuống, việc ký kết và phê duyệt thực hiện theo quy định của Chính phủ”
Ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội đặt vấn đề: quy định như vậy là trao quyền cho cấp Bộ quá lớn. Mặt khác, một số quy định chưa rõ ràng, ví dụ cấp Bộ trở xuống là những cấp nào, các Vụ, Cục thuộc Bộ cũng được ký các thoả thuận vay hay sao?
Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng: đã là vay thì đằng nào nhà nước cũng phải trả, nếu cho phép cấp Bộ trở xuống được ký kết các thoả thuận vay thì sẽ là “kẽ hở” trong chính quy định của pháp luật và sẽ không thể kiểm soát được các khoản vay.
Thu Hằng