Thực hiện Chỉ thị số 01/2007/CT-TTg ngày 23/01/2007 của Bộ trưởng Bộ tư pháp và Chương trình nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2007, trong 9 tháng đầu năm 2007, công tác Tư pháp Nam Định đã đạt được những kết quả tích cực.
Về công tác văn bản: Sở Tư pháp đã đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.
Trên lĩnh vực hoạt động xây dựng văn bản: đã thẩm định 31 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục, môi trường; Tham gia đóng góp ý kiến vào 15 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương ban hành trên các lĩnh vực lao động, chính sách xã hội, đất đai, thi đua khen thưởng.
Trên lĩnh vực hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản: đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND,UBND tỉnh ban hành trong quá trình thực hiện cam kết WTO của Việt Nam; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu hoặc quy định khác trái với Luật Cư trú. Ngoài ra phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành từ 01/10/2006 đến hết 30/6/2007; xây dựng báo cáo của UBND tỉnh về công tác xây dựng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng đầu năm 2007 theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành chương trình trọng tâm công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2007 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với đối tượng; tham mưu Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Sau hội nghị, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã có kết luận bằng văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32 –CT/TW trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban bầu cử tỉnh Nam Định, Sở Tư pháp đã tích cực chủ động tuyên truyền phục vụ công tác bầu cử Đại biểu quốc hội: tổ chức tập huấn Luật bầu cử Đại biểu quốc hội cho báo cáo viên pháp luật và báo cáo viên của đảng trong toàn tỉnh, tổng số 250 người nhằm phát huy vai trò của đội ngũ này trong công tác tuyên truyền về pháp luật bầu cử đại biểu quốc hội trong các tầng lớp nhân dân; cử báo cáo viên pháp luật trực tiếp tuyên truyền giới thiệu nội dung của Luật bầu cử Đại biểu quốc hội tại các ngành, địa phương. Tổ chức biên soạn, khai thác, phát hành tài liệu tuyên truyền về bầu cử đại biểu quốc hội tới các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005-2010, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án thứ tư “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn”, phát hành 3 số Bản tin Tư pháp (4.000 bản/số), biên soạn đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật (2 tập, mỗi tập 250 cuốn), tài liệu pháp luật, cấp 2.796 cuốn sách pháp luật tới 466 thôn, xóm, tổ dân phố của 30 xã trong tỉnh; chọn 30 đơn vị cấp xã tiến hành triển khai điểm năm 2007, tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của 30 đơn vị thực hiện điểm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kiện toàn báo cáo viên pháp luật trong toàn tỉnh, xây dựng kế hoạch tập huấn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật; Hỗ trợ sách pháp luật cho 6 đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng và một số xã trong tỉnh.
Thực hiện Quyết định 666/QĐ-BTP, ngày 8 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay”, Sở Tư pháp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị điểm của Đề án triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; tập huấn cho đội ngũ nòng cốt, triển khai ký cam kết “chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật” giữa trưởng thôn (xóm, tổ dân phố) với từng hộ gia đình tại 3 đơn vị điểm của 3 đơn vị là xã Minh Tân (Vụ Bản), thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), phường Phan Đình Phùng (TP Nam Định);. Phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật tại các địa bàn biên giới biển;
Trên lĩnh vực công tác trợ giúp pháp lý: Chín tháng đầu năm 2007, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nam Định đã tiến hành khảo sát và Trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động cho đối tượng chính sách, người nghèo và các đối tượng khác theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, kết quả đã TGPL miễn phí tại 16 xã cho 635 người nghèo và đối tượng chính sách; Thành lập 9 Câu lạc bộ TGPL, nâng tổng số Câu lạc bộ TGPL lên 22 Câu lạc bộ; kiểm tra hoạt động của 22 Câu lạc bộ TGPL, tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động của Câu lạc bộ TGPL trong toàn tỉnh trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, đã cử cộng tác viên là luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho 66 đối tượng; thực hiện tiếp và giải đáp các vướng mắc pháp luật của người dân tại Trụ sở trung tâm và các điểm TGPL ở cấp huyện, kết quả đã tư vấn trực tiếp 279 vụ việc.
Về công tác hành chính và bổ trợ Tư pháp, Sở đã trình UBND tỉnh cho đăng kí việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài 35 trường hợp; đăng kí việc kết hôn có yếu tố nước ngoài: 46 đôi; cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 1.890 trường hợp; đăng kí khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 6 trường hợp; ghi chú việc kết hôn cho 12 trường hợp. Kiểm tra công tác đăng kí và quản lý hộ tịch ở 4 huyện (Ý Yên, Giao Thuỷ, Vụ Bản và Nghĩa Hưng) và 8 xã trong toàn tỉnh; Tổ chức tập huấn Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cho cán bộ chủ chốt các ngành, các huyện, Thành phố và các xã, phường, thị trấn.
Đối với công tác công chứng, chứng thực: Phòng công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Nam Định đã tiếp và giải quyết kịp thời các yêu cầu công chứng của tổ chức và cá nhân, kết quả: chứng nhận sao giấy tờ tài liệu 17.314 trường hợp với tổng số văn bản giấy tờ là 147.38; chứng nhận chữ ký người dịch giấy tờ là 430 trường hợp với tổng số văn bản là 1.597; chứng nhận thế chấp tài sản vay vốn 432 trường hợp; chứng nhận giấy uỷ quyền 63 trường hợp; chứng nhận di chúc 12 trường hợp;chứng nhận chữ ký 12 trường hợp. Đã thu nộp 384.469.000đ tiền lệ phí theo quy định.
Về công tác bán đấu giá tài sản: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá tài sản theo uỷ quyền của các cơ quan, thực hiện bán đấu giá tài sản 6 hợp đồng, tổng giá trị bán đấu giá tài sản đạt 211.115.000đ. Chủ động phối hợp với cơ quan Thi hành án cấp huyện và các cơ quan khác đề tìm nguồn tài sản thực hiện bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác Thi hành án dân sự: Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức kiểm tra toàn diện tại Thi hành án dân sự 4 huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản nhằm đánh giá thực chất việc chỉ đạo và thực hiện công tác Thi hành án dân sự, kịp thời rút kinh nghiệm, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả hoạt động Thi hành án ở địa phương. Trong chín tháng đầu năm 2007, tổng số việc phải thi hành của Thi hành án dân sự tỉnh là 334 việc trong đó có 238 việc có điều kiện thi hành, số việc đã giải quyết là 62 việc, đạt tỉ lệ giải quyết về việc: 81%; Về tiền, số tiền có điều kiện thi hành là 7.290.624.000đ, số tiền đã giải quyết xong là 6.503.471.800đ, đạt tỉ lệ giải quyết về tiền: 28%.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra luôn được Sở tư pháp Nam Định chú trọng. Sở đã thành lập Đoàn thanh tra của Sở tiến hành thanh tra công tác tư pháp tại 2 huyện Hải Hậu và Xuân Trường và 6 đơn vị cấp xã về các lĩnh vực: Công tác thi hành án dân sự; Đăng ký quản lý hộ tịch và sử dụng biểu mẫu; Công tác chứng thực; Xây dựng củng cố Tủ sách pháp luật; Củng cố tổ chức và hoạt động của Ban Tư pháp; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác Tư pháp ở địa phương.
Trong công tác xây dựng ngành: Thực hiện Quyết định số 1148/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Quyết định số 88/2007/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của UBND tỉnh Nam Định, Giám đốc Sở tiếp nhận, quyết định điều động nội bộ 02 viên chức, hiệp y với cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm 04 phó trưởng thi hành án dân sự cấp huyện; trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm trưởng thi hành án dân sự thành phố Nam Định, 01 chấp hành viên cấp tỉnh; tổ chức thi tuyển công chức cho cơ quan Thi hành án dân sự kỳ thi tháng 5/2007, 01 công chức chuyển công tác, tuyển dụng và điều động 24 công chức bổ sung cho các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh và các huyện, Thành phố.Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức, viên chức ngành tư pháp. Phối hợp với Sở Nội vụ cử cán bộ, công chức tham gia giảng dạy lớp trung cấp Luật khoá 3 cho các đối tượng là cán bộ tư pháp cấp xã. Thành lập Trung tâm giao dịch hành chính “Một cửa”, tổ chức tiếp dân vào ngày thứ 7 đối với các lĩnh vực công chứng và hành chính tư pháp bổ trợ theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, trong thời gian còn lại của năm 2007, Sở Tư pháp Nam Định tiếp tục giúp UBND tỉnh tự kiểm tra văn bản ban hành từ 01/7/2007 đến hết 31/12/2007, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại các huyện: Trực Ninh, Hải Hậu, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; Phát hành Bản tin Tư pháp số IV, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật, báo cáo viên thuộc tổ chức Đảng, hoà giải viên cơ sở; tập huấn nghiệp vụ công tác tư pháp cho cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn đợt 2; thực hiện đề án “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn” và Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay” năm 2007; tiếp tục trợ giúp pháp lý lưu động tại huyện Ý Yên, huyện Nghĩa Hưng; tập huấn nghiệp vụ TGPL cho chuyên viên, cộng tác viên, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL./.
Trần Thị Hồng Nhung