Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh

17/09/2024
Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh
Đội ngũ công chứng viên cũng như các tổ chức hành nghề của Vĩnh Phúc phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ công chứng, chứng thực của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Luật Công chứng được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Triển khai thực hiện các quy định của Luật Công chứng, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch số 6690/KH-UBND ngày 04/11/2014 về việc triển khai thực hiện Luật Công chứng số 53/2014/QH13 ngày 20/6/2014 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Chỉ thị 16/2014/CT-UBND ngày 26/11/2014 về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 25/02/2015 về việc quy định mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 60/2019/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành quy chế quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 28 tổ chức hành nghề công chứng với 56 công chứng viên (gồm 01 Phòng công chứng và 27 Văn phòng công chứng). Các tổ chức hành nghề công chứng được phân bố tại 8/9 huyện, thành phố của tỉnh.
Đội ngũ công chứng viên cũng như các tổ chức hành nghề của tỉnh phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ công chứng, chứng thực của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Kết quả từ năm 2015 đến 2023, số việc công chứng, chứng thực liên tục tăng lên, cụ thể: Tổng số việc công chứng năm 2015 là 47.674 việc, đến năm 2023 tăng lên 74.229 việc (tăng 1,6 lần); tổng số việc chứng thực năm 2015 là 40.509 việc, đến năm 2023 tăng lên 162.927 việc (tăng 4 lần). Tổng số phí công chứng, chứng thực thu được năm 2015 là 38.305.315 nghìn đồng, đến năm 2023 tăng lên 103.774.302 nghìn đồng (tăng 2,8 lần). Mỗi năm đóng góp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
Nhìn chung, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh hoạt động nề nếp, ổn định. Đội ngũ công chứng viên, nhân viên của tổ chức hành nghề công chứng có trình độ chuyên môn vững, phục vụ tốt nhu cầu công chứng của công dân và tổ chức. Một số tổ chức hành nghề công chứng đầu tư cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi hoạt động mang tính chuyên nghiệp, tạo được uy tín của khách hàng.
Hàng năm Sở Tư pháp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề. Từ 2015 đến năm 2023, Sở Tư pháp đã tổ chức được 8 cuộc thanh tra và 8 cuộc kiểm tra, 05 cuộc kiểm tra đột xuất tại các tổ chức hành nghề công chứng, ban hành 26 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền xử phạt là 210 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động công chứng vẫn còn nhiều hạn chế, nhận thức về vị trí, vai trò của nghề công chứng ở một số cơ quan, địa phương còn chưa đầy đủ, vẫn còn cách hiểu coi công chứng là hoạt động kinh doanh thông thường. Nhận thức về nghề công chứng của một bộ phận công chứng viên chưa đầy đủ, còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân trong quá trình hành nghề. Một số công chứng viên chưa cập nhật đầy đủ kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng hành nghề; phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp còn hạn chế; chưa có ý thức trong việc xây dựng và bảo vệ uy tín, hình ảnh của nghề; Việc thực hiện các trình tự, thủ tục, địa điểm công chứng, thu phí công chứng chưa đúng quy định; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng vẫn còn xảy ra. Có trường hợp đến văn phòng công chứng này bị từ chối công chứng, nhưng đến văn phòng công chứng khác thì lại được công chứng.
Bên cạnh đó, việc kết nối thông tin trong cơ sở dữ liệu của các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh và phạm vi cả nước với nhau, cũng như với cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký quyền sử dụng đất chưa được liên thông. Điều này ảnh hưởng nhiều đến hoạt động công chứng, chứng thực, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, bởi hiện nay tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động công chứng đang diễn biến phức tạp.
Trình độ tinh vi công nghệ làm giả ngày càng hiện đại, nhiều giấy tờ, tài liệu giả (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, tài sản có giá trị lớn…) bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm làm việc. Trong khi đó chế tài xử phạt đối với các hành vi này chưa cao, chưa đủ sức răn đe.Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, như: việc đào tạo, bồi dưỡng, tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, còn có hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề; việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng còn lúng túng, thiếu nhất quán, nhất là sau khi bỏ Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng; Các tổ chức hành nghề công chứng mới chỉ tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển.
Cơ chế tài chính đối với phòng công chứng tự chủ về tài chính còn nhiều vướng mắc; một số quy định của pháp luật về loại hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở phải được công chứng và về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn có quan điểm, cách hiểu khác nhau dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong hoạt động công chứng, chưa đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự, an toàn xã hội; công tác quản lý Nhà nước còn thiếu công cụ hỗ trợ cần thiết trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy đầy đủ vai trò tự quản.
Những vướng mắc, bất cập trong thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật, có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện. Trong đó, một số quy định của Luật Công chứng không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, một số quy định của các Luật có liên quan đến hoạt động công chứng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn chưa thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Để khắc phục các vướng mắc, bất cập, nâng cao, hiệu quả hoạt động công chứng trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung sau đây:
Một là, đề nghị Quốc Hội nghiên cứu, xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay về tổ chức và hoạt động công chứng.
Hai là, phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, gắn việc bảo đảm quyền hành nghề của công chứng viên với việc chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng.
Ba là, phát triển tổ chức hành nghề công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện; tiếp tục đổi mới phòng công chứng bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có cơ chế tài chính phù hợp bảo đảm hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo về chuyên môn và chất lượng hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý Nhà nước về công chứng; có biện pháp phù hợp, khả thi nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Bốn là, ngoài các hợp đồng, giao dịch phải công chứng theo quy định thì khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính và giảm chi ngân sách Nhà nước, trong đó nghiên cứu việc chuyển giao từng bước theo lộ trình phù hợp thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch của Ủy ban nhân dân cấp xã, phòng Tư pháp huyện về cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện trong trường hợp trên địa bàn huyện đã có tổ chức hành nghề công chứng.
Năm là, để bảo đảm việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng giảm thiểu các khó khăn về thời gian, nguồn lực cũng như việc chuyển đổi dữ liệu, cần xem xét, đề xuất bổ sung quy định việc Chính phủ (hoặc giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, Ngành liên quan) quy định chuẩn kết nối và xây dựng công cụ kết nối để các địa phương kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu đã có của mình vào cơ sở dữ liệu chung quốc gia như kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Cơ sở dữ liệu quốc gia hộ tịch điện tử, Hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến, Cơ sở dữ liệu quốc gia điện tử về thi hành án dân sự, cơ sở dữ liệu quốc gia về thừa phát lại, từng bước chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nghề công chứng, bảo đảm vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc phát triển nghề công chứng; chuẩn hóa quy trình, thủ tục công chứng cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15; nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp của các sở, ngành, điạ phương với Sở Tư pháp về tổ chức và hoạt động công chứng, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin, liên thông các thủ tục hành chính; đấu tranh phòng chống tội phạm, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp. Phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, nhất là trong việc đấu tranh với các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động hành nghề công chứng./.
Triệu Văn Chúc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp