Toạ đàm 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại Quảng Trị

15/09/2023
Toạ đàm 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại Quảng Trị
Ngày 14/9, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) tổ chức Tọa đàm về những khó khăn, vướng mắc trong 5 năm triển khai và tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017.
Tham dự toạ đàm có bà Nguyễn Thị Tố Hằng (Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước), ông Hoàng Kỳ (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị), ông Nguyễn Văn Hưng (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng đại diện Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, đại diện Cục Thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị.
Tại buổi Tọa đàm các đại biểu đều đánh giá việc ban hành Luật TNBTCNN có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên, Việt Nam đã luật hóa quyền của tổ chức, cá nhân được Nhà nước bồi thường khi bị người thi hành công vụ gây thiệt hại trong quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
 
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng phát biểu ở buổi toạ đàm

Theo số liệu tổng hợp, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2022, các cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý, giải quyết 149 vụ việc theo quy định của Luật. Trong đó, đã giải quyết xong 106/149 vụ việc, với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định, bản án giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 53 tỉ 374 triệu đồng và 102,5 chỉ vàng, còn lại 43 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết.
Từ năm 2018 đến hết năm 2022, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành hơn 480 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường
Có thể nói, Bộ Tư pháp đã làm tròn vai trò giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng theo quy định mới của Luật TNBTCNN năm 2017. Điều này thể hiện qua việc chủ động và định hướng của Bộ Tư pháp trong các mặt công tác triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 như: ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai, tổ chức thi hành Luật; hoàn thiện thể chế; quán triệt, triển khai, tổ chức thi hành Luật; hoạt động quản lý chuyên ngành về công tác bồi thường nhà nước như hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp quản lý nhà nước với các Bộ, ngành và địa phương.
Để triển khai và tổ chức thi hành Luật TNBTCNN năm 2017, Bộ Tư pháp đã trang bị, cung cấp kịp thời, thường xuyên kiến thức, nội dung quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bảo đảm đầy đủ về thông tin và thống nhất về nhận thức cho đối tượng là cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2017 đến nay, Cục đã thực hiện in và xuất bản khoảng hơn 10.200 cuốn Sách các loại, xây dựng 3 số tạp chí chuyên đề chuyên sâu. Đồng thời, Bộ cũng đã phát hành 6.462 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền, tổ chức 7 buổi phát sóng trên kênh truyền hình VTV, truyền hình Quốc hội, truyền hình Hà Nội, báo điện tử và xây dựng được 4 Video tuyên truyền về quyền yêu cầu bồi thường cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại buổi toạ đàm, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017, tỉnh này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, như hàng năm ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, Sở Tư pháp tỉnh luôn lồng ghép tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ Bồi thường Nhà nước cho các đại biểu là Lãnh đạo UBND huyện, Thị xã, Thành phố; Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện, Thị xã, Thành phố; Công chức làm công tác bồi thường tại các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND xã, Phường, Thị trấn.
Thông qua các hội nghị tập huấn đã trang bị nhiều nội dung, kiến thức liên quan đến công tác bồi thường nhà nước nhằm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Đến nay, Sở đã lồng ghép thực hiện 6 lớp tập huấn và cử công chức Sở tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bồi thường nhà nước do Cục Bồi thường nhà nước – Bộ Tư pháp tổ chức.
Qua thống kê, tổng hợp báo cáo của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã. Từ khi có Luật TNBTCNN trên địa bàn tỉnh chưa tiếp nhận trường hợp nào yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án dân sự.
Trình bày về Chuyên đề: “Thực tiễn thi hành Luật TNBTCNN trên địa bàn, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị”. Ông Nguyễn Văn Hưng (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế) nêu vướng mắc như: Vụ việc đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường và chính quyền địa phương đã mời người yêu cầu bồi thường đến nhận tiền bồi thường nhưng người yêu cầu bồi thường không đến nhận mà không nêu rõ lý do cũng như không có khiếu nại, khiếu kiện gì. Vấn đề này Luật chưa có quy định.
 
Ông Nguyễn Văn Hưng (Giám đốc Sở tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế) trình bày chuyên đề

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đề xuất các biện pháp nhằm thúc đẩy việc đưa Luật TNBTCNN đi vào cuộc sống. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện quản lý Nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, trong đó chú trọng giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài và giải quyết các vụ việc mới đúng quy định của pháp luật.