Ngành Tư pháp Đồng Nai – 41 năm trưởng thành và phát triển

28/08/2023
Ngành Tư pháp Đồng Nai – 41 năm trưởng thành và phát triển
Trải qua 78 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò là cơ quan trọng yếu của chính quyền theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm gần đây, công tác cải cách thể chế đang ngày càng phát huy hiệu quả, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân. Hưởng ứng phương châm hành động của Chính phủ “đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ” đã tạo tiền đề cho ngành Tư pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, có những đóng góp rất lớn cho công cuộc cải cách, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
Đối với Ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai, trong 41 năm qua đã không ngừng phát triển và hoàn thiện cả về tổ chức bộ máy và hiệu quả hoạt động. Kết quả công tác tư pháp của tỉnh đã giúp hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần vào sự ổn định an ninh - trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là trong 08 năm gần đây, Ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã đạt những bước đột phá quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của Ngành.
Được thành lập từ năm 1982 chỉ có 07 đồng chí với rất nhiều khó khăn, thử thách, trải qua 41 năm, ngành tư pháp Đồng Nai đã có sự trưởng thành vượt bậc, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh nhà. Đến nay, toàn ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai có 442 công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đội ngũ công chức, viên chức thường xuyên được bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết công việc và trình độ lý luận chính trị.
 
 
Trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; chương trình công tác hằng năm và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; chủ động, tích cực, triển khai đồng bộ, toàn diện và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Các mặt công tác chuyên môn đều có sự phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vai trò của Ngành Tư pháp trong hệ thống chính trị tại địa phương, cụ thể như sau:
1. Chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được kiểm soát chặt chẽ trước, sau khi ban hành. Sở Tư pháp đã phối hợp kịp thời và chặt chẽ với sở, ban, ngành cấp tỉnh trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định và trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết, đảm bảo các chính sách của tỉnh, đáp ứng yêu của sự phát triển và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Vị trí, vai trò của Sở Tư pháp ngày càng được nâng cao và trở thành một thành viên quan trọng trong UBND tỉnh.
Chỉ riêng trong 07 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 14 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 31 Quyết định quy phạm pháp luật; thực hiện góp ý 951 dự thảo văn bản (VBQPPL và các văn bản pháp luật khác), thẩm định 48 dự thảo VBQPPL. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được Sở Tư pháp thực hiện thường xuyên và ngày càng phát huy hiệu quả.
2. Ngành Tư pháp Đồng Nai đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Theo đó đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quy trình quản lý, vận hành các dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình, đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công toàn trình; kết nối, chia sẽ thông tin, dữ liệu các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính với các cơ quan liên quan; tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, tra cứu thủ tục hành chính, gửi thông báo, thư xin lỗi qua tin nhắn SMS, Zalo... 100% hồ sơ đều được thực hiện trên phần mềm một cửa hiện đại Egov, giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt tỉ lệ từ 99% trở lên, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt gần 100%. Sở Tư pháp thực hiện việc hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính, giải đáp các thắc mắc thông qua zalo (OA) Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai hằng ngày.
Đặc biệt, Ngành Tư pháp đã tập trung triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) với các nhiệm vụ của ngành một cách đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đến nay, đã hoàn thành khối lượng dữ liệu ở giai đoạn 2 và chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc, đủ điều kiện nghiệm thu theo đúng các bước trong quy trình số hóa sổ hộ tịch với trên 1.562 ngàn trường hợp.
3. Công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, các dự án lớn của tỉnh luôn được Sở Tư pháp quan tâm, phối hợp tham mưu kịp thời, không có trường hợp phát sinh khiếu nại kéo dài. Đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ngành Tư pháp cũng đã thực hiện hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật theo lĩnh vực trọng tâm hằng năm, tạo được sự chuyển biến rõ nét đối với các lĩnh vực được theo dõi. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xử phạt vi phạm hành chính, thẩm định các vụ việc vi phạm hành chính phức tạp.
4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, nội dung bám sát chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương. Nội dung tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm, hình thức đa dạng, phù hợp với địa bàn và đối tượng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền đã được chú trọng và khẳng định hiệu quả. Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai hiệu quả ở Đồng Nai và được Bộ Tư pháp đánh giá cao. Cụ thể như tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật hằng năm được tổ chức từ năm 2018 thu hút hơn 04 triệu lượt thi tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng; Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa với các Hội thi được tổ chức quy mô toàn tỉnh năm 2019, 2020, 2022 giúp phát huy được tính sáng tạo của đội ngũ công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tuyến, mô hình “Pháp luật cho mọi người” giữa Sở Tư pháp và Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, tuyên truyền phổ biến pháp luật qua mạng xã hội facebook với nhiều trang Fanpage thu hút được đông đảo người theo dõi, quan tâm, tuyên truyền qua mạng xã hội zalo với các Trang zalo chính thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Riêng trong năm 2023, Sở Tư pháp đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về định danh điện tử cho học sinh, học viên, sinh viên và thanh niên trên địa bàn tỉnh với hơn 91.000 lượt tham gia.
Ngành Tư pháp cũng đã quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với 280 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 350 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 2.687 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật chuyên đề về cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện dân chủ ở cơ sở với gần 700 lượt người tham dự; 01 Hội nghị trực tuyến tập huấn chuyên sâu về kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật với hơn 2.200 người tham dự. Sở Tư pháp cũng thường xuyên cung cấp tài liệu, thông tin tuyên truyền, phổ biến trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai để cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khai thác, sử dụng.
5. Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả với 936 tổ hòa giải có 5.482 hòa giải viên. Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 21.971 vụ việc, hòa giải thành 17.978 vụ việc, đạt 81,82%. Qua đó giúp giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; nhận thức pháp luật của Nhân dân có sự chuyển biến; số vụ tranh chấp mâu thuẫn, vi phạm phạm luật trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt, cụ thể năm 2014, các tổ hòa giải tiếp nhận 3.016 vụ việc, đến năm 2022 chỉ còn 1.497 vụ việc.
6. Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Với sự tích cực và quyết liệt của Sở Tư pháp trong công tác tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2022, tỉnh Đồng Nai có 161/170 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
7. Công tác trợ giúp pháp lý có những kết quả tích cực, năm sau cao hơn năm trước, từ chỗ trước đây không hoàn thành chỉ tiêu, từ năm 2021 đến nay, công tác trợ giúp lý luôn vượt mức chỉ tiêu, chất lượng trợ giúp pháp lý được nâng cao; 100% vụ việc đạt chất lượng tốt. Hiệu quả từ công tác trợ giúp pháp lý đã giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế, khẳng định hơn nữa vai trò của ngành tư pháp.
8. Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện thường xuyên, hiệu quả ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân. Nhu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của người dân ngày càng tăng và Sở Tư pháp đã đảm bảo việc cấp Phiếu cho người dân đúng thời gian quy định với số lượng hơn 10.000 Phiếu mỗi năm và tăng dần mỗi năm. Đặc biệt là từ ngày 01/3/2023, Sở Tư pháp thực hiện thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử miễn phí cho cá nhân có yêu cầu (cấp bổ sung ngoài bản giấy Phiếu Lý lịch tư pháp); đến ngày 15/8/2023, đã thực hiện cấp 4.061 Phiếu Lý lịch tư pháp điện tử.
Sở Tư pháp cũng đã triển khai và hướng dẫn thực hiện thủ tục liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT và thường trú cho trẻ em dưới 06 tuổi thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia trên địa bàn tỉnh; tổ chức 11 Hội nghị tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã và công chức các ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện; thường xuyên hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trên nhóm zalo “Tư pháp - hộ tịch cấp xã”.
9. Công tác quản lý các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được quan tâm, bảo đảm hoạt động của các tổ chức này theo đúng quy định pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng với sự phát triển mạnh mẽ của các Văn phòng công chứng, đến nay có 61 tổ chức hành nghề công chứng, Hội Công chứng viên cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò xã hội của đội ngũ công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã đóng thuế hàng tỷ đồng mỗi năm. Các tổ chức hành nghề luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại cũng được phát triển rộng rãi và công tác quản lý ngày càng hiệu quả. Chỉ tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2023, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 975 vụ việc với doanh thu hơn 21,4 tỷ đồng, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng hơn 98 nghìn việc, thu phí công chứng gần 42,4 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 5.6 tỷ đồng.
Bên cạnh các nhiệm vụ công tác chuyên môn, Ngành Tư pháp cũng thường xuyên tích cực tham gia công tác xã hội – từ thiện, đóng góp các quỹ từ thiện, xây dựng các nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong năm 2023, Sở Tư pháp đã trao tặng 02 căn nhà tình thương với số tiền 140 triệu đồng. Sở Tư pháp cũng đã tích cực tham gia các hoạt động phong trào, các tổ chức đoàn thể của Sở (Đoàn thanh niên, Công đoàn cơ sở) hàng năm đều được đánh giá là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua với nhiều hoạt động sôi nổi, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện thường xuyên gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn với nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực.
Những đóng góp to lớn của Ngành Tư pháp Đồng Nai đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Sở Tư pháp có 05 năm liên tục được UBND tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 04 năm liền đạt danh hiệu cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tư pháp về thành tích xuất sắc trong các mặt công tác…03 năm liên tục được tặng Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ. Năm 2022, Sở Tư pháp Đồng Nai vinh dự là 01 trong 2 Sở Tư pháp được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật. Nhiều tập thể và cá nhân thuộc Sở Tư pháp được tặng Huân chương lao động Bằng khen Thủ tướng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều danh hiệu thi đua cao quá khác. Đảng bộ Sở Tư pháp cũng là Đảng bộ duy nhất trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.
Phát huy truyền thống 41 năm của Ngành, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Đồng Nai quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người công chức tư pháp như lời Bác Hồ lúc sinh thời đã từng dạy: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”; thực hiện phương châm “hướng về cơ sở, phục vụ Nhân dân”; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc công tác tư pháp, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của Nhân dân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2023./.
Đồng chí Võ Thị Xuân Đào
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai