Sáng 18/8, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, UBND tỉnh tổ chức khai mạc Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Hà Tĩnh năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng lãnh đạo các sở, ngành cùng dự.
Tham dự hội thi có 13 đội thi gồm 39 hòa giải viên tiêu biểu đại diện cho gần 2.000 hòa giải viên đến từ các huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh.
Đồng chí Lê Viết Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thi, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng - Trưởng Ban Tổ chức hội thi nhấn mạnh công tác hoà giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm giảm áp lực cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại vượt cấp, kéo dài, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong những năm qua, hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền; sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua đã có những bước phát triển mới, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
Từ năm 2019 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 3.043 vụ việc, trong đó hòa giải thành 2.527 vụ việc, đạt tỷ lệ 83%, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra ở cơ sở, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đảm bảo ANTT, thúc đẩy phát triển KT-XH. Thông qua công tác hòa giải, các hòa giải viên còn tuyên truyền, vận động chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương quản lý nhà nước xã hội bằng pháp luật, hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, hạn chế đơn thư, khiếu nại chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, tiết kiệm thời gian và kinh phí của cơ quan nhà nước và công dân.
Tại Hội thi 13/13 đơn vị cấp huyện sẽ thực hiện 03 phần thi gồm: giới thiệu, lý thuyết và tiểu phẩm. Với phần thi giới thiệu, thông qua các hình thức kể chuyện, thơ, ca, hò, vè, kịch… các đội thi đã giới thiệu về các thành viên, sơ lược công tác hoà giải ở cơ sở của địa phương, đặc trưng văn hoá xã hội, phong tục tập quán, điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế và các yếu tố tác động đến công tác hoà giải ở cơ sở của địa phương…
Phần thi Lý thuyết, các đội thi bốc thăm gói câu hỏi (gồm 06 câu), trong đó có 05 câu trắc nghiệm và 01 câu tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban Tổ chức Hội thi đặt ra. Phần thi Tiểu phẩm, các đội thi trình bày, biểu diễn tiểu phẩm phản ánh về một vụ, việc thuộc phạm vi hoà giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được Tổ hoà giải tiến hành hoà giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực, khuyến khích sử dụng các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh và bố trí sân khấu phù hợp với nội dung tiểu phẩm.
Kết quả hội thi, Ban Tổ chức đã trao 01 giải nhất cho đội thi Huyện Kỳ Anh, 02 giải nhì thuộc về đội thi huyện Đức Thọ và huyện Cẩm Xuyên, 03 giải ba (huyện Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh) và 07 giải khuyến khích cho các huyện (Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Vũ Quang, Hương Sơn). Đồng thời trao các giải phụ gồm: đội thi có màn chào hỏi hay nhất; đội thi xử lý tình huống hay nhất; đội thi có phần tiểu phẩm hay nhất và giải cho thí sinh là Hòa giải viên cao tuổi nhất tại Hội thi.
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho đội thi huyện Kỳ Anh.
Ban Tổ chức trao giải nhì cho đội tuyển huyện Đức Thọ và huyện Cẩm Xuyên