Cà Mau: Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước

05/04/2023
Ngày 03/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký Quyết định số 08/2023/QD-UBND ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2023.
Theo đó, Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Đối tượng áp dụng là cơ quan chuyên môn thuộc úy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan Trung ương được tố chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh Cà Mau, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Về nguyên tắc phối hợp nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xác định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đảm bảo giải quyết vụ việc thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước kịp thời, công khai, minh bạch, khách quan, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật. Công tác phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị và quy định của pháp luật. Hợp tác, hỗ trợ đế thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị và quyền lợi của tổ chức, cá nhân..
Nội dung phối hợp gồm: Xây dựng, ban hành kế hoạch hằng năm và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường nhà nước. Bố trí cán bộ, công chức, viên chức đầu mối phụ trách công tác bồi thường nhà nước. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Xác định cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước. Hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước. Theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Xác minh thiệt hại, thương lượng việc bồi thường, chi trả tiền bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác bồi thường nhà nước. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong phạm vi do mình quản lý. Trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và xác định trách nhiệm hoàn trả, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm gửi Sở Tư pháp. Phản hồi ý kiến theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định. Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hủy quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 48 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 mà không ra quyết định hủy. Hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc trong công tác bồi thường nhà nước. Báo cáo, thống kê công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Hình thức phối hợp gồm: Phối hợp bằng văn bản; Tổ chức các cuộc họp, hội nghị, sơ kết, tổng kết; Thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, thanh tra, khảo sát liên quan đến công tác bồi thường nhà nước; Các hình thức phù hợp khác.
 
Hoàng Lộc