Đây là mục tiêu của Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vừa được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 476/QĐ-UBND ngày 02/3/2023.
Theo kế hoạch này, Sở Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động truyền thông về hoạt động TGPL và quyền được TGPL của người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức truyền thông khác phù hợp với các dạng tật của người khuyết tật; tổ chức truyền thông điểm về TGPL cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính ở cơ sở, lồng ghép việc truyền thông về TGPL và quyền được TGPL cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính với các chương trình, đề án khác về người khuyết tật, nhất là tại xã, phường, thị trấn nơi người khuyết tật sinh sống.
Đồng thời, biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông có nội dung về chính sách TGPL và quyền được TGPL của người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính; tổ chức các hoạt động về TGPL nhân dịp kỷ niêm 25 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 – 18/4/2023) và ngày Quốc tế người khuyết tật (ngày 03/12) bằng các hình thức phù hợp.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện TGPL về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL theo từng lĩnh vực pháp luật đối với người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Đặc biệt, UBND tỉnh giao Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, trại giam, UBND cấp xã, Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh, các tổ chức khác của người khuyết tật, các cơ quan tổ chức có liên quan để thực hiện vụ việc TGPL cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, nhất là vụ việc TGPL tham gia tố tụng, chú trọng thực hiện vụ việc TGPL mà người khuyết tật là bị hại trong các vụ án hình sự, bị đơn trong các vụ án dân sự, hành chính và là nạn nhân trong các vụ việc bị bạo lực, bạo hành, mua bán.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức TGPL cần đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tổ chức về người khuyết tật trong triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính và có thể lồng ghép với các hoạt động TGPL khác nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Cũng tại Kế hoạch này, Sở Tư pháp được giao phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính …
Hải Dương