Ngày 08/02/2023, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 298/HĐPH về triển khai thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.
Theo đó, để triển khai Đề án nói trên, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là các cơ quan, đơn vị, địa phương) bám sát các định hướng nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện công tác PBGDPL theo tinh thần Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Công văn số 1027-CV/TU ngày 27/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư; tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án.
Đồng thời, phát huy vai trò và trách nhiệm của các thành viên Hội đồng, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, phối hợp thực hiện Đề án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, hướng về cơ sở. Quan tâm bố trí kinh phí triển khai tổng thể, đồng bộ, toàn diện Đề án, bảo đảm kinh phí thỏa đáng thực hiện PBGDPL cho đối tượng đặc thù, khó khăn, nhất là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em.
Ngoài ra, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức quán triệt, phổ biến, truyền thông về ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án đến các đơn vị thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp; trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 1676/KH-UBND ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc Triển khai thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án để ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó xác định đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp và phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi kết quả thực hiện Đề án tại cơ quan, tổ chức. Phân công tổ chức, đơn vị trực thuộc có chức năng tham mưu, triển khai công tác PBGDPL làm đầu mối theo dõi, tham mưu triển khai thực hiện Đề án. Bố trí kinh phí, nguồn lực, các điều kiện bảo đảm, cần thiết cho việc thực hiện Đề án; chú trọng kinh phí triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực PBGDPL, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin pháp luật cho người dân, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; tôn vinh, khen thưởng, biểu dương các sáng kiến hữu ích trong hỗ trợ và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh yêu cầu Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố tập trung hướng dẫn, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã trong triển khai Đề án.
ĐH