Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

05/12/2022
Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Kể từ khi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể như nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân đã được nâng cao; việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật đã có nội dung, trọng tâm, trọng điểm; có sự gắn kết và phát huy hiệu quả giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Qua 10 năm thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì và phối hợp với các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh tổ chức 06 hội nghị tập huấn nghiệp vụ thực hiện công tác theo dõi THTHPL cho công chức chuyên môn, công chức pháp chế, công chức tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; 02 buổi toạ đàm; nhiều cuộc điều tra khảo sát và kiểm tra tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực trọng tâm liên ngành. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 01/8/2018 thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2022” trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó chú trọng thực hiện công tác hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành, theo dõi thi hành pháp luật và việc tập huấn nghiệp vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật. Về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, bố trí kinh phí thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, hiện nay số biên chế thực hiện nhiệm vụ là 1.369 biên chế, trong đó có 02 biên chế chuyên trách tại Sở Tư pháp; 29 công chức pháp chế tại các sở, ban, ngành; 1.338 công chức đối với UBND cấp huyện, cấp xã. Đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện công tác theo dõi THTHPL có trình độ chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm và yêu cầu công tác theo dõi THTHPL.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập, hạn chế như việc xem xét, đánh giá THTHPL còn gặp nhiều khó khăn; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện theo dõi THTHPL và trong việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo công tác theo dõi THTHPL còn chưa kịp thời. Nguyên nhân là do công tác theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ khó tiếp cận lại có phạm vi rộng, điều chỉnh đối với tất cả các lĩnh vực pháp luật và quản lý nhà nước, đòi hỏi công chức thực hiện phải chuyên tâm, chuyên sâu, nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư nhiều thời gian, công sức; chưa có cơ chế quy định trách nhiệm rõ ràng và các biện pháp, giải pháp cần thiết để các cấp, các ngành, các cơ quan có liên quan phát huy tối đa trách nhiệm chung tay phối hợp thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật; đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật kiêm nhiệm, chưa được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực hoạt động công tác; việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật tại một số xã, phường, thị trấn chưa sát với tình hình thực tế; điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; kinh phí đảm bảo các điều kiện triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật chỉ đáp ứng một phần yêu cầu triển khai thực hiện công tác.
Để khắc phục các hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động, cũng như đảm bảo chế độ làm việc, chính sách đối với đội ngũ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, qua đó phát huy trách nhiệm năng lực của đội ngũ này trong thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đồng thời UBND tỉnh Yên Bái đề xuất tăng cường tập huấn nghiệp vụ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho cán bộ, công chức các địa phương nhằm nâng cao năng lực tham mưu cho thủ trưởng đơn vị, chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính có quy định, hướng dẫn cụ thể về mức hỗ trợ cho người làm công tác pháp chế, trong đó có công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động theo dõi thi hành pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của công chức các ngành, các cấp đối với công tác này, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
                                                                              Đặng Anh Tuấn, Sở Tư pháp Yên Bái