Quảng Ngãi: Nỗ lực triển khai thực hiện Đề án 06

21/07/2022
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, phục vụ lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai Đề án phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, với quy mô lớn, tiến hành trên phạm vi rộng, có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực và có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.
Năm 2022, ngành Tư pháp Quảng Ngãi tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó tập trung cho lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) và triển khai thực hiện Đề án 06. Trong số 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu của đề án thì lĩnh vực tư pháp có 6 TTHC thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng DVC quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết TTHC, đó là: (1) Đăng ký khai sinh; (2) đăng ký khai tử; (3) đăng ký kết hôn; (4) cấp Phiếu lý lịch tư pháp; (5) liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; (6) liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
Mặc dù quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Lãnh đạo Sở đã tập trung chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo Đề án 06, linh động bằng nhiều hình thức, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thực hiện nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến dân cư
Thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành trong tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực đến ngày 22/3/2022 theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở tổng hợp kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của 17 sở, ban, ngành tỉnh thì có 04 Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 07 văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính còn hiệu lực đến ngày 22/3/2022. Tuy nhiên, 07 văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quy định về thủ tục hành chính không liên quan đến định danh, xác thực điện tử và quy định về việc cấp các giấy tờ cá nhân hoặc xác nhận thông tin cá nhân của công dân để phục vụ cho việc nghiên cứu tích hợp các thông tin liên quan trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID.
Thực hiện cung cấp 25 Dịch vụ công thiết yếu trên môi trường điện tử và tích hợp Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch, Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp
Sở Tư pháp phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện cung cấp các dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn) ở mức độ 3 và lĩnh vực lý lịch tư pháp trên Cổng dịch vụ công quốc gia ở mức độ 4. Ngoài ra, đã đề nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện cấp bản sao trích lục hộ tịch tại 03 cấp: tỉnh, huyện, xã ở mức độ 4; UBND cấp xã cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở mức độ 4, tạo thuận lợi cho công dân. Đã tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch, Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp với Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Theo đó, khi tiếp nhận hồ sơ, công chức chỉ thực hiện cập nhật thông tin của công dân vào Cổng dịch vụ công – Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, thông tin sẽ chuyển vào các hệ thống quản lý, xử lý chuyên ngành. Từ ngày 14/7/2022, công chức tư pháp – hộ tịch trong tỉnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch, không phải nhập dữ liệu 02 lần như trước đây.
Từ ngày 01/6/2022, Sở Tư pháp thực hiện số hóa kết quả TTHC (scan hồ sơ tiếp nhận và kết quả giải quyết TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát TTHC của tỉnh; thông tin của công dân được số hóa để tái sử dụng cho những lần nộp hồ sơ sau và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khác. Ngoài ra, Sở Tư pháp sử dụng dữ liệu số hóa hồ sơ tiếp nhận yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp của công dân để gửi Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tra cứu án tích, không cần phải scan lại.
Ngoài ra, theo hướng dẫn của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia tại Công văn số 617/TTLLTPQG-HCTH ngày 27/11/2020, công dân có yêu cầu sau khi đăng ký DVC trực tuyến mức độ 4 vẫn phải nộp hồ sơ gốc để đối chiếu. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho công dân, Sở Tư pháp đề nghị sau khi đăng ký trực tuyến, công dân gửi hồ sơ và đăng ký nhận kết quả qua bưu chính, không phải đến trực tiếp, rất thuận tiện cho những người đang công tác học tập ở địa phương khác hoặc ở nước ngoài.
Đặc biệt, Sở Tư pháp triển khai việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP (hộ tịch, lý lịch tư pháp) kết hợp chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 rất dễ dàng. Thông tin dữ liệu đã số hóa của công dân có thể tái sử dụng để nộp hồ sơ cho những lần sau hoặc những dịch vụ công trực tuyến khác, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, bước đầu xây dựng chính quyền điện tử.
Sở Tư pháp đã triển khai cho công chức tư pháp - hộ tịch trong toàn tỉnh sử dụng Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Kết nối với Bộ Công an để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em dưới 14 tuổi và liên thông với Bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Năm 2021, tổ chức 10 lớp tập huấn sử dụng hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch và năm 2022 đã tổ chức 02 lớp tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch cho công chức tư pháp – hộ tịch trong toàn tỉnh. Tập huấn việc thực hiện hộ tịch trực tuyến cho công chức tư pháp - hộ tịch trong toàn tỉnh theo hình thức online, trên nền tảng Google meet. Đến nay, 100% cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong tỉnh sử dụng hệ thống này.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ thực hiện Số hóa Sổ hộ tịch theo quy định tại Nghị định 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ (hoàn thành trước ngày 01/01/2025), toàn bộ dữ liệu hộ tịch được lưu trữ tại địa phương từ năm 1977 đến nay sẽ được cập nhật vào Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch, dễ dàng cho việc trích lục bản sao, tra cứu thông tin. Đồng thời, ban hành Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, lý lịch tư pháp trực tuyến theo yêu cầu của Đề án 06 để công chức tư pháp – hộ tịch trong toàn tỉnh có cơ sở thực hiện hộ tịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công – Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, tích hợp với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Đề án 06 có vai trò quan trọng đối với chuyển đổi số quốc gia, vì vậy, Lãnh đạo Sở đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ công tác theo Đề án 06 gắn với công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, hy vọng sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án trong toàn tỉnh./.
Hải Yến - Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi