Kinh nghiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật từ Lào Cai

09/11/2021
Kinh nghiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật từ Lào Cai
Nhiều năm nay, Lào Cai là địa phương thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11/2021, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Lào Cai.
Yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội
Công tác theo dõi, kiểm tra thi hành, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thời gian qua đã được địa phương thực hiện ra sao, thưa bà?

- Là tỉnh vùng cao, biên giới, sau 30 năm tái lập, kinh tế - xã hội của Lào Cai có bước phát triển đột phá, trở thành điểm sáng về kinh tế ở khu vực miền núi phía Bắc. Tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao, đứng trong tốp đầu các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Để đạt được những thành quả đó và đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và quá trình toàn cầu hóa hiện nay, với vị thế “cầu nối” kinh tế của vùng trung du miền núi phía Bắc; cửa ngõ kết nối Việt Nam, các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc) trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, một mắt xích quan trọng của hành lang Bắc - Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, việc tăng cường vai trò của pháp luật, nâng cao ý thức sống và làm việc theo pháp luật trở thành một trong những yêu cầu cấp thiết và được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm.

Với công tác theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật, tỉnh tập trung theo dõi, kiểm tra các lĩnh vực trọng tâm gồm lĩnh vực pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm hành chính; y tế, lao động - thương binh và xã hội; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... Công tác PBGDPL được các cấp ngành quan tâm triển khai kịp thời với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp trình độ, nhận thức của từng nhóm đối tượng được tuyên truyền; qua đó ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc học tập, tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật từng bước nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tùy theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đã bố trí về cơ sở vật chất, điều kiện công tác cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật.

Với hoạt động triển khai pháp luật, tỉnh đã ban hành các chính sách để bổ sung, hoàn thiện thể chế luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Các sở, ngành đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhiều lĩnh vực như du lịch, đất đai, lâm nghiệp, môi trường, giáo dục... trên cơ sở bám sát các quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng, bộ, ngành.

Những cách làm sáng tạo
Trong PBGDPL, Lào Cai đã hướng đến những nội dung trọng tâm nào?

- Thời gian qua, công tác PBGDPL tại tỉnh đã hướng đến những nội dung trọng tâm sau:
Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong PBGDPL, các nội dung PBGDPL được xác định bám sát nhu cầu của từng nhóm đối tượng cụ thể. Phụ nữ được chú trọng phổ biến các quy định về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, phòng chống mua bán người, đăng ký hộ tịch, dạy nghề...; đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được phổ biến các quy định liên quan thiết thực tới cuộc sống của đồng bào...

Tỉnh định hướng tuyên truyền pháp luật trong các đợt cao điểm như: “Tháng an toàn giao thông”; “Tháng hành động vì trẻ em”; “Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS”; “Tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự”... Tuyên truyền pháp luật theo chuyên đề như “về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”.

Các quy định pháp luật mới được các cấp, các ngành trên địa bàn quan tâm chỉ đạo triển khai tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân, theo cách thức: Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, huyện chỉ đạo, giao cơ quan tư pháp tổ chức các hội nghị quán triệt, tuyên truyền theo định kỳ một năm hai đợt. Các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang có trách nhiệm tham mưu UBND cùng cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực ngành phụ trách đến nhân dân. UBND cấp huyện, xã căn cứ tình hình thực tế địa phương để xác định lựa chọn nội dung văn bản luật cần phải tuyên truyền thường xuyên hơn.

Tỉnh cũng PBGDPL thông qua tổ chức thi tìm hiểu pháp luật. UBND tỉnh đã tổ chức 4 cuộc thi như “Sáng tác kịch bản tiểu phẩm về các quyền dân sự, chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai” năm 2017, “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015”, “Tìm hiểu Luật An ninh mạng năm 2018”, “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng” năm 2021... thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương còn phát động cán bộ, công chức, viên chức, người dân, người lao động; cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc thi trực tuyến do các bộ, ngành tổ chức như: “Pháp luật học đường”, “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND”, “Tìm hiểu Bộ luật Lao động”...

Tỉnh còn PBGDPL thông qua hoạt động của Ban Tuyên vận xã, phường; Tổ tuyên vận thôn, bản. Hiện Lào Cai có trên 1.800 tổ tuyên vận ở cơ sở với trên 5.000 thành viên. Từ 2017 đến nay, các Ban Tuyên vận xã, phường; Tổ tuyên vận thôn, bản ngoài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các hội nghị tuyên vận hàng tháng đã tổ chức giới thiệu hơn 60 chuyên đề pháp luật, các nội dung văn bản chính sách của Trung ương và địa phương, các nội dung chuyên đề pháp luật do Sở Tư pháp biên soạn.

Từ 1/6/2017 đến 01/6/2021, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được gần 84 nghìn buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 5,1 triệu lượt người.

Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam