Theo đánh giá của UBND tỉnh Tuyên Quang, sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan Thi hành án dân sự của Nhà nước sẽ tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự. Đồng thời, việc xác lập chứng cứ chứng minh thông qua hoạt động lập vi bằng của Văn phòng Thừa phát lại sẽ góp phần giúp các bên thực hiện quyền được xác lập chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Với những tiện ích của Thừa phát lại, mới đây UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, Theo đó, Tuyên Quang sẽ thành lập không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại đối với địa bàn thành phố Tuyên Quang; Thành lập không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại/01 đơn vị đối với địa bàn các huyện. Tuyên Quang cũng xác định, trước mắt ưu tiên cho các địa phương có điều kiện về kinh tế - xã hội phát triển, số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở mức cao; có mật độ dân cư đông và các khu công nghiệp tập trung nhiều.
Nhằm thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố một cách đồng bộ, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội của thành phố và tình hình phát triển của từng quận, huyện, thị xã, vừa qua UBNDTP. Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội”. UBND thành phố chỉ đạo tập trung phát triển Văn phòng Thừa phát lại gắn với địa bàn dân cư; bảo đảm tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố không quá 43 tổ chức; mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 Văn phòng Thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 Văn phòng Thừa phát lại. Hiện Hà Nội đang có 8 Văn phòng Thừa phát lại. Trong 3 năm (từ 2018-2020), các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội đã lập gần 36 ngàn vi bằng với tổng doanh thu do lập vi bằng 40.382.015.000 đồng.
Còn tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh yêu cầu huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động Thừa phát lại nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp, trước hết là hoạt động thi hành án dân sự và hoạt động tố tụng của Tòa án; góp phần giảm tải công việc, chi tiêu ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan Tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh; thành lập tổ chức Thừa phát lại theo lộ trình, đảm bảo không quá 11 tổ chức Thừa phát lại trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, tại thành phố Bắc Giang không quá 02 tổ chức Thừa phát lại, tại các huyện không quá 01 tổ chức Thừa phát lại/01 huyện. Việc phát triển các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Tại Tây Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh này, theo đó, từ năm 2021 đến năm 2025, trong giai đoạn đầu, Đề án tập trung xây dựng, thành lập Văn phòng Thừa phát lại, bước đầu đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Thừa phát lại tại tỉnh.
Do đó, trong giai đoạn này Đề án dự kiến phát triển từ 01 đến 05 Văn phòng Thừa phát lại, được phân bố theo khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng điều kiện thuận lợi để xây dựng lộ trình thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Đồng thời, có tính đến nhu cầu hoạt động xét xử và thi hành án dân sự theo từng đơn vị hành chính cấp huyện; góp phần giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của tổ chức, cá nhân và số lượng Chấp hành viên.
Còn tại Nghệ An, từ nay đến năm 2030, tỉnh được phép thành lập 23 Văn phòng Thừa phát lại theo Đề án UBND tỉnh này mới ban hành. Hiện nay Nghệ An đã có 3 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập; giai đoạn 2021-2025 thành lập 10 Văn phòng Thừa phát lại; giai 2026-2030 thành lập thêm 10 Văn phòng. Trường hợp khi đến năm kết thúc giai đoạn nhưng chưa phát triển đủ số lượng Văn phòng Thừa phát lại theo lộ trình trên thì vẫn tiếp tục cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại trong những năm tiếp theo.
Việc các tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại với những lộ trình cụ thể nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn; nâng cao vai trò của cơ quan quản lý, đáp ứng tốt các nhu cầu của tổ chức cá nhân và giảm tải cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để các Văn phòng Thừa phát lại thực sự hoạt động hiệu quả thì cần phải có cơ chế huy động nguồn lực, cơ chế phối hợp tốt giữa các ngành liên quan cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát.