Nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại cơ sở, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Với mục tiêu triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021, Sở Tư pháp Điện Biên đã tập trung xây dựng kế hoạch nhằm củng cố kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên tuyền viên pháp luật theo đúng quy định.
Định kỳ hàng quý, Sở biên soạn và phát hành đề cương giới thiệu văn bản luật cung cấp cho các thành viên Hội đồng phối hợp, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và phòng Tư pháp cấp huyện. Đồng thời, thực hiện đăng tải đề cương, tài liệu PBGDPL trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp và thông tin rộng rãi đến toàn thể đội ngũ báo cáo viên, thành viên Hội đồng Phối hợp, Phòng Tư pháp cấp huyện để truy cập, tải tài liệu phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn.
Công tác PBGDPL đã được lồng ghép triển khai với nội dung các chương trình như: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...Thông qua đó, người dân nông thôn, đặc biệt là ở vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được tiếp cận các thông tin pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Theo Sở Tư pháp tỉnh, từ năm 2020 đến nay, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tỉnh và UBND các cấp đã tổ chức 7.391 cuộc/đợt phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 464.904 lượt người tham dự; 5 cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho 3.714 lượt người tham dự; phát hành 358.059 bản tài liệu PBGDPL, trong đó có 1.157 tài liệu được đăng tải trên internet.
Cùng với đó, một số đơn vị đã quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện tốt công tác PBGDPL, điển hình là các huyện: Nậm Pồ (tổ chức 770 cuộc PBGDP cho 87.911 lượt người); Điện Biên (1.152 cuộc, 68.232 lượt người tham gia); TP. Điện Biên Phủ (339 cuộc, 44.334 lượt người)...
Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng được ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: Tọa đàm, giao lưu, trao đổi, thảo luận về các nội dung pháp luật.
Ngoài ra, lồng ghép việc phổ biến văn bản pháp luật với tổ chức các nội dung sinh hoạt khác của cơ quan, đơn vị, địa phương; treo băng rôn, áp phích, panô trên các tuyến đường chính, các khu trung tâm, công sở, trường học, địa điểm công cộng; tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền pháp luật; đối thoại chính sách - pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân và doanh nghiệp...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDP tại cơ sở, thời gian tới, đơn vị này sẽ cùng các địa phương sẽ khắc phục những hạn chế, khó khăn còn tồn tại; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền PBGDPL tập trung theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận pháp luật của người dân.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử