Sơn La là tỉnh miền núi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức và hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, khiến những mâu thuẩn nhỏ trong cộng đồng dễ phát sinh. Dó đó, công tác hòa giải tại cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng.
Nói về vai trò của công tác hòa giải cơ sở, bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên và các tổ hòa giải; tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cán bộ và nhân dân hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh kiểm tra trực tiếp tại 12 huyện, thành phố và tại mỗi địa phương kiểm tra từ 1 - 2 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn về công tác củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải; lựa chọn những người có uy tín, am hiểu về pháp luật tham gia làm thành viên; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ hòa giải... Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn trong những năm qua ngày càng đi vào nề nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.778 tổ hòa giải, với tổng số 17.465 hòa giải viên, trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 5 - 7 hòa giải viên là những người đang tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể của thôn, bản, tiểu khu.
Để nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các tuyên truyền viên, hòa giải viên. Nội dung tập trung vào những vấn đề sát với thực tế cơ sở như: Hôn nhân và gia đình, đất đai, dân sự nhỏ... Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên có nhiều cố gắng, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nhân rộng một số cách làm hay, hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng đối tượng. Khi xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, thành viên các tổ hòa giải phối hợp cùng cán bộ các xã, phường, thị trấn đến gặp gỡ, tìm hiểu nguyên nhân sự việc, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý. Sau đó, tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn để các bên hiểu và tự thỏa thuận giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của tổ hòa giải. Với sự lắng nghe, chia sẻ và cách làm thấu tình, đạt lý nên các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng được giải quyết kịp thời.
Bà Trần Thị Minh Hòa chia sẻ: Tổ hòa giải ở cơ sở hầu hết là những người có uy tín, hiểu biết về pháp luật như: Già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, người có uy tín trong cộng đồng, có khả năng vận động thuyết phục, được nhân dân tín nhiệm. Trong năm vừa qua, các tổ hòa giải trong toàn tỉnh đã hòa giải 1.855 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 1.599 vụ việc. Việc phát hiện và giải quyết kịp thời tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, đã giúp công dân và tổ chức tiết kiệm được chi phí, hạn chế việc đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, gắn kết người dân xích lại gần nhau.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ở một số ít địa phương còn chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác hòa giải nên thiếu sự quan tâm; hơn nữa, đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải thường kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, không có nhiều thời gian dành cho công tác hòa giải; cán bộ hòa giải ở miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện làm việc, đi lại khó khăn, chủ yếu hòa giải theo kinh nghiệm sống; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ hòa giải chưa được quan tâm đúng mức…
Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường phối hợp cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các địa phương coi công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, qua đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này.
Nguồn: baophapluat.vn