Với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu toàn Đảng bộ; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ chính trị (khóa XII) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nêu cao tinh thần trách nhiệm; tính năng động, sáng tạo, đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; các đoàn thể vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Ngành Tư pháp 5 năm 2015-2020; góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Công tác tư pháp năm 2020 tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ và về đích với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2015 – 2020.
Giai đoạn 2015 - 2020 đánh dấu sự chuyển biến về chất lượng trong xây dựng, thẩm định văn bản QPPL của tỉnh, công tác xây dựng văn bản QPPL được tiến hành bài bản, đúng quy định của Luật ban hành văn bản QPPL ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản đến xây dựng và ban hành văn bản, đặc biệt là vị trí, vai trò thẩm định, góp ý của Sở Tư pháp được nâng cao. Năm 2020, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 18/5/2020 về nâng cao chất lượng tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các Sở, ngành đã tích cực hoàn thiện, tham mưu UBND trình HĐND tỉnh thông qua 12 Nghị quyết và 50 Quyết định của UBND tỉnh trong đó có các nội dung văn bản liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp... Sở Tư pháp tiếp nhận, thẩm định 98 dự thảo văn bản QPPL (24 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh và 74 dự thảo quyết định của UBND tỉnh); tham gia góp ý 79 dự thảo văn bản do các Sở, ngành trưng cầu; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tốt hơn yêu cầu về tiến độ, số lượng văn bản được thẩm định; có sự biến đổi về chất, giúp cho công tác quản lý nhà nước được thông suốt, hiệu quả, các báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp là cơ sở quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Công tác kiểm tra văn bản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, qua kiểm tra kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các văn bản trái pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm 2020, Sở Tư pháp tự kiểm tra 50 Quyết định của UBND tỉnh và thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 08 Nghị quyết, Quyết định do HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi đến, qua tự kiểm tra và kiểm tra đã phát hiện 01 văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày, Sở Tư pháp đã ban hành Báo cáo kết quả kiểm tra đối với Quyết định này, trong đó kiến nghị cơ quan ban hành văn bản tự kiểm tra, rà soát những nội dung không phù hợp với pháp luật để xử lý theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 130 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tổ chức 04 Đoàn kiểm tra và thực hiện kiểm tra 118 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND thành phố Huế, huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền ban hành, trên cơ sở kết quả kiểm tra đã ban hành kết luận kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại các địa phương này. Sở Tư pháp đã tham mưu trình UBND tỉnh Quyết định công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2019; công tác rà soát, công bố văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thi hành hàng năm tại địa bàn tỉnh đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước quản lý trong áp dụng, thực thi pháp luật. Trong tình hình dịch bệnh Covid hoành hành, Sở ban hành Công văn hướng dẫn một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch Covid – 19; biên soạn và đăng tải các nội dung tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn giải quyết 12 vụ việc bị xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Sở Tư pháp tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của nhân dân, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bảo đảm sự công khai, minh bạch của chính sách pháp luật. Năm 2020, hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động chuyên trang PBGDPL tỉnh Thừa Thiên Huế kết nối với các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Do tình hình dịch Covid-19, Sở Tư pháp nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức truyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua tổ chức hội nghị sang tổ chức biên soạn chuyên sâu các đề cương giới thiệu các luật mới để đăng tải lên Trang thông tin điện tử; đồng thời tổ chức thu âm thông tin pháp luật thuộc các lĩnh vực pháp luật thiết thực với người dân, 04 tiểu phẩm pháp luật với nội dung sinh động, thể hiện bằng hình thức diễn kịch, tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, pháp luật dân sự, hình sự, 05 video clip dài 03 phút, bằng hình thức hoạt hình. Tổng truy cập Chuyên trang Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế là 80.770 lượt; tổng lượt xem fanpage “Pháp luật với Cuộc sống” là hơn 132.762 lượt. Tích cực hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến ”Pháp luật học đường’’, tỉnh có 02 thí sinh đoạt giải nhất và giải ba cuộc thi, được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen. Các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật đã được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Việc tổ chức Ngày Pháp luật ngày càng thiết thực, hiệu quả, trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của tỉnh, Ngày Pháp luật được tổ chức rộng khắp, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống một cách nhanh chóng, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội. Sở Tư pháp đã xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Số hóa dữ liệu từ Sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024”; báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024, về cơ bản, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, được người dân, cơ quan, tổ chức đánh giá cao. Trong lĩnh vực quốc tịch, đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành việc nhập quốc tịch cho 17 người Lào theo Đề án “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”, các cá nhân được nhập quốc tịch đã được đăng ký cư trú, cấp Giấy Chứng minh nhân dân và đăng ký hộ tịch theo quy định. Công tác chứng thực tại địa phương đi vào nền nếp, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Sở Tư pháp hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền hợp pháp của mình. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi được tăng cường, Sở Tư pháp hướng dẫn thực hiện Bộ danh mục giấy tờ, tài liệu hồ sơ đăng ký Nuôi con nuôi trong nước; quán triệt một số nội dung liên quan đến giải quyết nuôi con nuôi trong nước đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND các huyện. Công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp đã cơ bản khắc phục được tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp với nhiều cải cách thủ tục hành chính, trong năm 2020, Sở Tư pháp đã cấp 7.144 Phiếu LLTP, tỷ lệ trả đúng hạn đạt 99%. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 22/01/2020 về việc triển khai, thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Ban hành văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid19.
Quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý tiếp tục được tăng cường; tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp được hoàn thiện theo chủ trương xã hội hóa đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào việc cải cách tư pháp, phục vụ hiệu quả hoạt động của Tòa án và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tính đến 31/10/2020, Đoàn luật sư tỉnh có 69 luật sư và 27 tổ chức hành nghề luật sư; vai trò của luật sư được nâng cao rõ rệt trong hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, một trong những yêu cầu trọng tâm của cải cách tư pháp, góp phần cải thiện một bước chất lượng hoạt động tố tụng, làm tăng thêm tính dân chủ, công bằng tại các phiên toà, giảm thiểu các vụ án oan, sai. Hoạt động công chứng tiếp tục có bước phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 tổ chức hành nghề công chứng (02 phòng công chứng và 6 Văn phòng công chứng) với 21 công chứng viên. Năm 2020, 02 Văn phòng Công chứng, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đã thực hiện 41.198 việc công chứng, chứng thực, tổng số phí công chứng thu được 4,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1,1 tỷ đồng. Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kết luận giám định tư pháp đúng đắn, khách quan giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế oan sai... Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phát triển ngày càng nhanh về số lượng và chất lượng. Tại tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập; 11 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; 74 Giám định viên tư pháp và 08 người Giám định tư pháp theo vụ việc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, gồm Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và Công ty đấu giá hợp danh Chuỗi Giá Trị và Công ty đấu giá hợp danh số 2 STC. Trong năm 2020, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đã tổ chức 483 cuộc đấu giá, với tổng giá khởi điểm: 223,3 tỷ đồng; giá trúng đấu giá: 361 tỷ đồng; vượt so với giá khởi điểm 137,7 tỷ đồng. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã đổi mới cách thức hoạt động theo hướng tập trung nhân lực, kinh phí để triển khai nhiệm vụ chính của mình là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Năm 2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thụ lý 222 vụ việc, trong đó Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 214 vụ việc, tỷ lệ 96,4%; Luật sư ký hợp đồng thực hiện được 08 vụ việc, tỷ lệ 3,6%). Chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng về cơ bản đạt chất lượng tốt, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được chú trọng thực hiện, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm. Sở Tư pháp ban hành Quyết định số 132/QĐ-STP phê duyệt Kế hoạch công tác thanh tra năm 2020, Thanh tra Sở Tư pháp thực hiện 06 cuộc thanh tra, trong đó có 01 cuộc thanh tra hành chính và 05 cuộc thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định pháp luật về luật sư, công chứng, chứng thực tại các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng; việc chấp hành các quy định pháp luật về hộ tịch, chứng thực và trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại UBND cấp huyện, cấp xã; đã ban hành 03 kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về luật sư tại các tổ chức hành nghề luật sư, 01 kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hộ tịch, chứng thực, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại UBND thành phố Huế, Phòng Tư pháp và UBND các phường Thuận Lộc, An Cựu, An Tây. Ban hành Lịch tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo 6 tháng đầu và cuối năm 2020, qua đó, Lãnh đạo và Thanh tra Sở Tư pháp đã tiếp 02 lượt công dân và theo lịch tiếp công dân và tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở; tiếp nhận 22 đơn thư nhưng nội dung các đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp.
Tổ chức bộ máy Ngành Tư pháp không ngừng được hoàn thiện, năng lực, trình độ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp được nâng cao, đào tạo bài bản, chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn mới. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Sở Tư pháp trên tinh thần của Công văn số 308-CV/BCSĐ ngày 16/8/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh ban hành quyết định tổ chức lại các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở; phê duyệt đề án vị trí việc làm, danh mục vị trí việc làm của các đơn vị thuộc Sở. Xây dựng và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án tự chủ của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp từ tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang đơn vị bảo đảm chi thường xuyên. Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính, Kế hoạch kiểm soát TTHC, đơn giản hóa TTHC, Kế hoạch tuyên truyền CCHC, Kế hoạch kiểm tra công vụ đúng theo quy định. Tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin tại địa bàn tỉnh, cụ thể: tổ chức triển khai ứng dụng phần mềm dịch vụ công cho công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến; việc ứng dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh; ứng dụng giải pháp kiềng ba chân và giải pháp kiềng bốn chân trong giải quyết, xử lý hồ sơ Lý lịch tư pháp qua đó đã giải quyết triệt để tình trạng quá hạn hồ sơ ở các năm trước.
Bằng những kết quả hoạt động thiết thực của mình trong năm 2020, Sở Tư pháp đã về đích với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2015 – 2020 và đang khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống các cơ quan nhà nước cũng như trong đời sống xã hội.
Thiên An – Phó Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế