Trong khí thế thi đua sôi nổi của toàn Đảng, toàn dân chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh 2-9 và thành công của đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cùng với các địa phương trong cả nước, ngành tư pháp Thanh Hóa vinh dự và tự hào ôn lại quá trình hình thành và phát triển, ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm đã đạt được trong 75 năm qua. Đây cũng là dịp để cổ vũ, động viên cán bộ, công chức ngành tư pháp phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về truyền thống, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành tư pháp trong bộ máy Nhà nước, trong đời sống xã hội.
Vị trí, vai trò của ngành Tư pháp trong bộ máy Nhà nước đã được ghi nhận và khẳng định ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Theo Quyết định số 715/TTg ngày 7-11-1995 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-8 trở thành “Ngày truyền thống của ngành tư pháp Việt Nam”.
Đối với ngành tư pháp Thanh Hóa, ngày 17-5-1983, UBND tỉnh có Quyết định số 326/QĐ-UBTH thành lập hệ thống tư pháp tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Nguyễn Trọng Thuần làm Giám đốc Sở với 12 cán bộ được chuyển từ Ban Pháp chế của UBND tỉnh và cán bộ của cơ quan tòa án, viện kiểm sát và các ngành khác sang, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Tư pháp Thanh Hóa. Trên cơ sở đó, ở các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đã thành lập phòng tư pháp trực thuộc UBND cấp huyện; ở cấp xã các ban tư pháp cũng được kiện toàn và hoạt động theo nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Khi mới thành lập, ngành tư pháp được giao 6 nhiệm vụ, đến nay ngành được giao 34 nhiệm vụ.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ngành tư pháp lại được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Năm 1987, nhận nhiệm vụ quản lý về mặt tổ chức đối với tòa án Nhân dân cấp huyện. Năm 1989, đảm nhận công tác quản lý hộ tịch chuyển từ ngành công an sang. Năm 1992, thành lập Phòng Công chứng số 1. Năm 1993, công tác thi hành án dân sự lại được chuyển giao từ cơ quan tòa án sang ngành tư pháp quản lý. Năm 1997, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập. Năm 1999, thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp. Năm 2009, thành lập phòng kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, phòng bổ trợ tư pháp.
Như vậy, từ một cơ quan 3-4 phòng chuyên môn, đến nay đã có 7 phòng chuyên môn và 5 đơn vị sự nghiệp. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức có 96 người. Trình độ đại học có 96 người, trong đó có 15 thạc sĩ, 1 chuyên viên cao cấp, 8 chuyên viên chính. Cơ quan sở có tổ chức đảng bộ, công đoàn, chi đoàn thanh niên, chi hội luật gia, hội cựu chiến binh. Cấp huyện có Phòng Tư pháp với tổng số 87 cán bộ, công chức; cấp xã có 835 công chức tư pháp – hộ tịch. Nhiều xã, phường, thị trấn đã bố trí 2 công chức tư pháp và người làm công tác tư pháp kiêm nhiệm.
Cũng theo quy định của pháp luật, ngành tư pháp còn quản lý Nhà nước về hoạt động của luật sư với 25 tổ chức hành nghề luật sư, 98 luật sư hành nghề; hoạt động giám định tư pháp với 59 giám định viên; 50 tổ chức hành nghề công chứng với 90 công chứng viên; 30 tổ chức bán đấu giá tài sản với 41 đấu giá viên; 3 tổ chức thừa phát lại. Sở Tư pháp quản lý các tổ chức pháp chế của các sở, ngành, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, ngành tư pháp Thanh Hóa luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Vị thế của ngành từng bước được nâng cao, khẳng định vai trò và trách nhiệm của công tác tư pháp trong đời sống xã hội. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của ngành từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, phát triển về số lượng, nâng cao phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp ngày càng đạt hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, xây dựng và phát triển ngành tư pháp ngày càng lớn mạnh. Một số việc trọng tâm như triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, như: Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-5-2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Ngành tư pháp đã xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản trên một cách kịp thời.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác tư pháp, như: Chương trình, quyết định, kế hoạch, chỉ thị triển khai thực hiện các nhiệm vụ như công tác văn bản, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, công chứng, bán đấu giá tài sản, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở…
Với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác xây dựng, thi hành, kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trong những năm qua, ngành đã từng bước nâng cao chất lượng công tác văn bản, đảm bảo 100% các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát đúng tiến độ, đảm bảo tính hợp pháp, tính khả thi, tính hợp lý của các dự thảo văn bản. Đặc biệt là công tác tham gia ý kiến, thẩm định xây dựng thể chế, nhằm phục vụ có hiệu quả việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được quan tâm, từng bước được nâng cao hơn về chất lượng, đa dạng, phong phú về hình thức, nội dung, góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong công tác giáo dục tư tưởng, chính trị. Công tác hành chính tư pháp đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; công tác chứng thực, hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã từng bước nâng cao chất lượng. Công tác quản lý Nhà nước các hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản được tăng cường, từng bước chuyển đổi sang hướng xã hội hóa theo quy định. Hoạt động trợ giúp pháp lý đạt được những kết quả quan trọng, đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc trợ giúp pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng. Toàn ngành đã tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy chế dân chủ; triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt kết quả tốt.
Với những thành tích đạt được, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh. Nhiều tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua ngành tư pháp, chiến sĩ thi đua cơ sở.
75 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm công tác tư pháp “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”; cán bộ tư pháp cần phải nêu cao tấm gương “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. 75 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, cùng với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp cả nước, ngành tư pháp Thanh Hóa luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác, đưa công tác tư pháp phát triển không ngừng, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển.
Bùi Đình Sơn – Giám Đốc Sở Tư Pháp Thanh Hóa